Đầu năm 2018, Thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai dự án trồng thí điểm hàng trăm cây phong cho lá đỏ ở dải phân cách giữa của 2 tuyến đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh để tạo cảnh quan cho Thủ đô.
Từ cuối năm 2018 đến giữa năm 2019, do ảnh hường của thời tiết giá lạnh khi vào mùa đông cũng như cái nắng gay gắt thời điểm mùa hè nên hàng phong luôn ở tình trạng cành cây khô héo, trơ trụi lá, một số cây có lá thì chuyển sang màu đen.
Nhưng đến nay, tiết trời miền Bắc bắt đầu chuyển dần sang mùa thu, khí hậu mát mẻ, thời tiết thuận lợi, không còn những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài mà thay vào đó là những dải nắng nhẹ, hàng phong đã phát triển tốt và có nhiều lá hơn so với thời điểm trước đó.
Theo ghi nhận của PV vào ngày 24/9, hàng cây phong lá đỏ trên đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh phần lớn vẫn còn xanh tốt, chỉ số ít cây có dấu hiệu của việc khô héo lá.
Nhiều cây dường như đã thích nghi được với khí hậu mùa thu của Hà Nội khi có lá xanh mướt, tán cây xòe rộng.
Để giúp hàng cây phong có điều kiện phát triển tốt nhất, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thường xuyên cử công nhân tiến hành chăm sóc, cắt tỉa cành cây đã chết.
Một công nhân cho biết, những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019, hàng cây phong luôn ở tình trạng trơ trọi không có lá. Ở một số thời điểm, cây phong có cho ra lá non nhưng được một thời gian, lá của cây phong lại bị khô héo hàng loạt.
Ở thời điểm hiện tại, hàng phong phát triển tốt và cho ra nhiều lá xanh nhất từ khi được trồng thí điểm đến nay.
“Việc một số cây xuất hiện những chiếc lá bị héo thường tập trung ở cây nhỏ, cành lá khẳng khiu. Tuy nhiên, số cây héo lá là không nhiều, phần lớn các cây lá đều xanh tươi”, công nhân chăm sóc cây cho hay.
Được biết, giống phong lá đỏ trồng ở các tuyến phố của Hà Nội là loại phong thuần hóa, không phải loại phong mang từ Canada về. Do đó, cây phong cũng không quá khó khăn để phát triển được ở những nơi có khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam nhưng phải mất từ 3 – 4 năm cây có thể thích nghi.
Vũ Cừ