Hàng trăm tấn gạo bị "tắc"" tại cửa khẩu Cha Lo, doanh nghiệp mong Hải quan Quảng Bình gỡ khó?

13/04/2020 16:23

Kinhte&Xahoi Vì đại dịch Covid-19 bùng phát, hàng trăm tấn gạo của doanh nghiệp bị mắc kẹt tại cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình.

Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Việt Lào (Vinh, Nghệ An), bà Nguyễn Thị Lệ Phúc báo tin trong nước mắt: “Công ty đang khổ vì 400 tấn gạo bị ách lại ở Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình). Đi không đi được, về cũng không xong, còn bị đe tịch thu”. Hoá ra vì Covid-19 nên hàng hóa bị ách tắc.

Thực hiện hợp đồng mua bán 2 bên (một hợp đồng có hiệu lực đến tháng 5/2020, một hợp đồng có hiệu lực đến tháng 8/2020), ngày 5/4/2020, Công ty TNHH Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Việt Lào xuất gạo sang Lào. Khi 17 xe chở 400 tấn gạo đến Cha Lo thì Chính phủ có lệnh phong tỏa để chống Covid-19.

Xe chở gạo nằm trong bãi tại cửa khẩu Cha Lo.

Trước tình hình khó khăn, chia sẻ với Công ty TNHH Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Việt Lào, Công ty Đức Toàn có kho hàng tại Cha Lo đã cho bốc gạo ở 8/17 xe xuống gửi nhờ. Không hiểu vì lý do gì, Hải quan Quảng Bình thúc giục, bắt bốc đi, và còn dọa tịch thu số gạo trên.

“Công ty biết bốc đi đâu, vận chuyển đi đâu khi chưa được phép. Gạo thì không thể để ngoài trời mặc mưa gió”, bà Nguyễn Thị Lệ Phúc lo lắng.

Covid-19 gây thiệt hại lớn lao cho cả nền kinh tế, trong đó có từng doanh nghiệp, từng cá nhân, không riêng Viê Nam. Do vậy, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Trong đó giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt...Nhiều gói hỗ trợ tín dụng cũng đang được thực hiện, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Giám đốc Nguyễn Thị Lệ Phúc (áo nâu vàng) hỗ trợ chống Covid-19 tại Lào.

Ngành Hải quan ngay từ đầu tháng 3/2020, để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg (ngày 4/3/2020), Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua biên giới.

“Bộ Công thương Lào đã có văn bản gửi Bộ Công Thương Việt Nam về việc cho thông quan số gạo mua bán theo 2 hợp đồng của Công ty nhưng chưa nhận được phúc đáp”, bà Nguyễn Thị Lệ Phúc cho biết.

Thiết nghĩ Hải quan Quảng Bình hãy chia sẻ, thấu cảm cùng doanh nghiệp chứ không nên ép họ trong tình huống “dở khóc dở cười” như Công ty TNHH Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Việt Lào đang gặp.

Bản thân Giám đốc Nguyễn Thị Lệ Phúc cũng đang ở Lào, không thể di chuyển về Việt Nam để giải quyết công việc.

Ngày 10/4, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ Công thương về việc cho phép xuất khẩu gạo trở lại trong tháng 4/2020 với số lượng 400.000 tấn. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hóa giải tức giận theo nguyên tắc chữ Nhẫn của nhà Phật

Nhẫn theo giáo lí nhà Phật là cách tu để hóa giải sự tức giận từ đó thoát khỏi những đau khổ, khó chịu để đạt được sự an lạc, tự tại. “Nhẫn nhục” là tiêu diệt tức giận; là một liệu pháp điều tiết, cân bằng trạng thái tâm lí. Khi đạt đến mức độ cao nhất thì “Nhẫn vô khả nhẫn”, tức là đang nhẫn nhục mà an lạc, tự tại như không phải “Nhẫn”.

Những thiên đường du lịch thời Covid-19

Trong khi nhiều người dân chấp hành tốt lời kêu gọi hoặc lệnh cách ly xã hội của chính quyền đất nước sở tại, có những địa điểm vẫn phớt lờ điều này. Những du khách không muốn ở nhà đã lựa chọn đặt an toàn của cả xã hội lên bàn cân.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/hang-tram-tan-gao-bi-tac-tai-cua-khau-cha-lo-doanh-nghiep-mong-hai-quan-quang-binh-go-kho-d121859.html