Him Lam rút lui, Hà Nội quyết định chuyển sang đầu tư công cầu Vĩnh Tuy mới 2.561 tỷ đồng

04/07/2019 11:08

Kinhte&Xahoi Him Lam đã xin dừng đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 theo hình thức BT do phải tạm dừng chờ nghị định của Chính phủ, vì thế Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án này theo hình thức đầu tư công.

Do TP Hà Nội hiện đang nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu vực bố trí quỹ đất cho nhà đầu tư là Công ty CP Him Lam theo chỉ đạo của Thủ tướng, cũng như hình thức đầu tư BT đang phải tạm dừng để chờ nghị định mới của Chính phủ dùng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư. Vì thế, Him Lam muốn dừng đầu tư dự án này.

Tổng mức đầu tư xây dựng công trình này là 2.561 tỷ đồng. Theo báo Thanh Niên đưa tin thì ngày 28/6, Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội đã có báo cáo gửi Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cho phép chuyển dự án sang đầu tư công, và đã được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố diễn ra trong 2 ngày 2 và 3.7.

Việc chuyển sang hình thức đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước như trên, dự kiến Hà Nội sẽ phải bố trí khoảng 300 tỉ đồng cho dự án này trong năm 2020. Các năm tiếp theo, nguồn vốn sẽ được bố trí từ nguồn tăng thu kết dư ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 (nếu có), và chuyển từ các dự án chậm triển khai, không có khả năng thực hiện sang, cũng như huy động thêm nguồn vay ngân quỹ nhàn rỗi, phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô….

Nguồn đất dự kiến thanh toán cho dự án này sẽ được bố trí cho dự án khác, hoặc đấu giá để thu ngân sách cho thành phố.
 
Trước đó, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt quyết định đầu tư từ năm 2011. Tuy nhiên, đến năm 2017 công trình được chuyển sang đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) do Công ty CP Him Lam đầu tư.

Theo đó, Hà Nội dự kiến bố trí quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư vào khoảng 440ha đất trên địa bàn các phường Long Biên, Cự Khối, Bồ Đề, Thạch Bàn (quận Long Biên) và xã Đông Dư (huyện Gia Lâm), thuộc khu vực đất bãi ngoài đê tả sông Hồng, nằm trong ranh giới quy hoạch phân khu đô thị N10 (khoảng 320 ha) và phân khu đô thị sông Hồng hiện đang quy hoạch, để thanh toán cho dự án và dự án nút giao khác mức giữa vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của nhà đầu tư, đây là công trình cầu Vĩnh Tuy mở rộng cách mép cầu cũ 2m, dự kiến triển khai từ 2019 đến 2022. Cầu có mặt cắt ngang 19,25m với 4 làn xe, trong đó có 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đi bộ. Chiều dài của cầu là 3.504 m, không phải giải phóng mặt bằng, do việc này đã được thực hiện khi thi công giai đoạn 1. Theo dự kiến, quý 3/2020, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà thầu, thi công trong hơn 1 năm và hoàn thành dự án vào tháng 12.2022.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phải chăng còn thiếu tiêu chuẩn thẩm định lời văn quảng cáo?

Liên quan tới công văn của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của nhãn hàng Coca - Cola Việt Nam, khi sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo, bên cạnh những “lùm xùm” về mặt ngữ nghĩa mà dư luận đang hướng tới, câu chuyện trên còn tồn tại một nghịch lý khác.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn: Vì sao không giữ chân được du khách?

Là một trong những công trình cổ xưa với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Thảo Cầm Viên TP HCM là một trong những điểm đến nổi tiếng ở Sài Gòn. Nhưng vì sao, nhiều du khách đến Thảo Cầm Viên thường “một đi không trở lại”?

Theo CafeF/ Pháp luật Plus