Học cách cho đi để nhận lại phước báu trong đời

29/06/2019 09:43

Kinhte&Xahoi Cha ông ta đã từng đúc kết rằng, làm việc thiện nguyện với cái tâm không mong cầu báo đáp thì phước đức sẽ tự tìm tới mà chẳng cần nghĩ bàn. Ở hiền ắt sẽ gặp lành, ấy cũng là quy luật nhân quả trong trời đất này vậy

Cho đi yêu thương, nhận lại phước báu

Xưa có một ông lão làm nghề buôn bán rất giàu có. Mỗi dịp cuối năm, ông thường phải đi đến các địa phương lân cận để thu hồi nợ. Năm ấy, sau khi xong việc, ông lên thuyền trở về nhà đúng vào ngày rét đậm, gió thét ào ào, tuyết bay ngập trời.


Ông trông thấy trên bờ sông có một người đang cố huơ tay ra hiệu xin được lên thuyền. Nhưng người chủ thuyền không muốn quay thuyền trở lại đón người khách ấy. Ông thấy vậy liền nói: “Thời tiết đang lạnh giá thế này, vị khách kia xem chừng cũng đã chờ đợi rất lâu rồi, chúng ta không cho họ lên thuyền thì không biết họ còn phải chờ trong tuyết lạnh bao lâu nữa. Ông chủ, hay là qua đón họ lên đi!”. Người chèo thuyền cuối cùng cũng đồng ý. Khi người khách kia lên thuyền liền lả đi vì đói rét. Ông liền cởi áo khoác của mình ra mặc cho người ấy rồi lấy rượu và lương thực của mình cho người này ăn uống.

Một lát sau, vị khách ấy mới hồi lại. Khi biết ông lão là người đã cứu mạng mình, người khách lập tức quỳ xuống bái tạ. Khi thuyền đi đến giữa dòng sông thì ông lão ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, ông gặp một viên quan âm phủ đang đi bắt hồn người.

Viên quan này lấy ra một cuốn sổ cho ông xem, trong danh sách đó có 33 cái tên của những người đã hết dương thọ, cần phải bắt đưa về âm phủ. Không ngờ tên của ông đứng ngay ở dòng đầu tiên. Ông vội vã quỳ xuống cầu xin.

Vị quan ấy nói: “Đây là mệnh trời rồi, không ai cứu nổi. Tôi làm sao dám làm trái được! Tuy nhiên, ông vừa cứu được một mạng người, tôi sẽ sắp xếp cho ông xuống cuối bản danh sách này, nghĩa là lùi lại vài ngày để ông có thể trở về lo hậu sự. Đầu tháng Ba sẽ tới lượt ông”.

Ông lão tỉnh giấc, nhớ lại điều viên quan nọ đã nói với mình mà lòng nặng trĩu. Khi về đến quê nhà, vừa bước lên bờ thì ông lại gặp hai vợ chồng trẻ đang ôm nhau khóc nức nở. Ông tiến lại hỏi thăm mới biết, hóa ra gia cảnh hai vợ chồng này hết sức khó khăn không thể trang trải nổi nợ nần, người chồng chỉ còn cách bán vợ lấy tiền trả nợ.

Hai vợ chồng họ không đành lòng nên đang định nhảy xuống sông tự tử. Ông lão nghĩ thầm: “Mình cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa, có nhiều tiền cũng chẳng để làm gì, chi bằng đem số tiền mình đang giữ tặng hết cho hai vợ chồng này để họ cùng nhau sinh sống”.

Vậy là hai vợ chồng nhà ấy được bảo toàn mạng sống, cũng không phải chịu cảnh chia lìa. Mấy ngày sau, viên quan dưới âm phủ lại xuất hiện trong mộng và nói với ông: “Tiên sinh có thiện tâm đáng khâm phục, lại cứu sống hai vợ chồng nhà nọ, tích được đại đức. Diêm Vương đã quyết định tăng tuổi thọ cho tiên sinh thêm 12 năm, con cháu được hưởng phúc báo, bổng lộc đầy nhà. Hy vọng sau này tiên sinh sẽ tiếp tục làm nhiều việc thiện hơn nữa”.

Về sau, quả nhiên hai người con của ông lần lượt đỗ đạt làm quan, gia đình ngày càng giàu có hơn. Ông sống rất mạnh khỏe và hạnh phúc. Đúng 12 năm sau, ông lại mộng thấy viên quan âm phủ ngày trước. Ông ta nói với ông: “Thượng đế xét thấy ông sau khi được gia tăng tuổi thọ thì luôn nỗ lực làm việc thiện, không sát sinh mà lại hay phóng sinh, nên đã chỉ định cho ông đến địa phương khác làm Thành Hoàng. Nay dương thọ của ông đã hết, hãy chuẩn bị đi nhậm chức. Ba ngày sau, tôi sẽ đưa người tới rước ông”.

Tỉnh dậy, ông lão gọi con cháu đến, thong thả dặn dò việc hậu sự. Đúng 3 ngày sau, ông tắm rửa thay quần áo sạch sẽ xong ngồi an nhiên chờ đợi, bỗng nghe thấy tiếng thanh la nhã nhạc từ đâu vọng đến. Ông vui vẻ nói: “Người tới đón rước ta đã đến rồi!”.

Khuôn mặt vô cùng thanh thản, ông nhẹ nhàng ra đi. Ngay từ thời Đức Phật còn hiện hữu, Ngài đã khuyến cáo từng cá nhân hãy nỗ lực thực thi làm các việc công đức bằng cả sự nhiệt tâm, tinh cần để đem lại lợi ích lớn. Một việc làm thiện tâm dù rất nhỏ, nhưng đem lại điều tốt đẹp lớn tới nhiều người. Phước đức lớn đều được tích cóp từ những việc thiện nhỏ mà nên, giống như ngày ngày đem gửi vào ngân hàng vậy.

Nếu dư dả thì đời này dùng không hết mà con cháu cũng được thơm lây. Phước đức không phải tự nhiên mà có, đó là cả quá trình đầu tư của mỗi người trong việc thực thi đời sống tu tập,sống đúng Chánh pháp và làm các việc hữu ích cho đời. Giống như cha ông trồng cây chăm bẵm, lại biết bảo ban con cháu noi theo thì quả ngọt đời đời không khi nào dứt.

Không ai nghèo đói đi khi làm từ thiện

Với người Do Thái, hoa màu do chính tay mình trồng được, để lại một chút cho người khác hưởng thụ, đó chính là sự cho đi vô điều kiện. Họ cho rằng, cho đi là một loại biết ơn, một loại hạnh phúc và cũng là đạo đức tốt đẹp của con người trên thế gian. Hơn 2000 năm lịch sử, người Do Thái phải ly biệt quê hương và tản mạn đi khắp mọi khu vực của trái đất.

Mãi đến năm 1947, khi chiến tranh thế giới thứ 2 chấm dứt, người Do Thái mới trở về đất nước của mình. Tuy nhiên, dù là một dân tộc phải lang bạt hơn 2000 năm, nhưng Do Thái lại là dân tộc“độc nhất vô nhị” không có người ăn xin.

Truyện kể rằng, ở vùng nông thôn của đất nước này, mỗi khi đến vụ thu hoạch hoa màu chín, người ta đều để lại một phần hoa màu ở bốn góc ruộng mà không mang về. Bạn có biết lý do vì sao không? Đó là phần hoa màu người Do Thái để lại cho bất cứ người qua đường đói khát nào cũng có quyền hưởng thụ. Họ cho rằng chính Thần đã ban cho người dân Do Thái vốn trải qua nhiều đắng cay nay được sống cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

Vì thế, họ để lại hoa màu ở bốn góc ruộng với ý nghĩa tỏ lòng biết ơn Thần đã ban cho họ cuộc sống như ngày hôm nay, đồng thời cung cấp thức ăn cho những người đói khổ đi ngang qua nơi đây. Với người Do Thái, hoa màu do chính tay mình trồng được, để lại một chút cho người khác hưởng thụ, đó chính là sự cho đi vô điều kiện. Họ cho rằng, cho đi là một loại biết ơn, một loại hạnh phúc và cũng là đạo đức tốt đẹp của con người trên thế gian.

Ngoài ra, hàng năm, người Do Thái đều tổ chức lễ hội Hanukkah để gợi nhớ về sự sung túc. Vào dịp này, họ sẽ ở bên người thân và bạn bè tề tựu quanh một đài cầu nguyện có nhiều nhánh để cắm nến hàng đêm. Họ vừa thắp nến vừa cầu nguyện.

Người Do Thái cho rằng sống trong cảm giác sung túc khiến họ giàu có hơn cả về vật chất và tinh thần. Ngay từ khi mới sinh ra, trẻ em Do Thái đã luôn được dạy dỗ để tiếp nhận quan niệm này. Quan niệm sung túc của người Do Thái còn được thể hiện trong các điều răn, lời khuyên yêu thương người khác như yêu chính mình. Đó là bởi vì mỗi người Do Thái đều trải qua sự đau khổ và kiếp nô lệ, ít nhất là tổ tiên ông bà họ đã trải qua.

Nếu không có sự rộng lượng từ những người hàng xóm, những người lạ mặt và Chúa Trời thì không ai có thể tồn tại được. Vì thế, họ quan niệm rằng cho đi đơn giản là việc đúng đắn cần làm, giống như lời dạy của vị giáo trưởng Maimonides nổi tiếng ngày xưa đã nói: “Không ai nghèo đói đi khi làm từ thiện cả”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Hoàn thiện pháp luật để gia đình là nơi trú ngụ an toàn nhất

Lâu nay, gia đình thường được coi là nơi yên bình nhất cho đời sống bình thường của con người. Nhưng ở giai đoạn hiện nay, vì nhiều lý do, gia đình nhiều khi đã trở thành nơi kém an toàn. Thực tế này đòi hỏi phải xây dựng một khái niệm pháp lý về không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình để gia đình thực sự trở thành nơi trú ngụ an toàn nhất, là chỗ dựa tinh thần và thể xác tốt nhất cho mỗi người.

Nguồn: Pháp luật Plus