Học cách đối diện với nỗi đau

31/05/2022 12:13

Kinhte&Xahoi Những vụ tự vẫn liên tục gần đây đã đặt ra nhiều vấn đề trong xã hội. Phải chăng, đời sống hiện nay chất chứa quá nhiều bất ổn khiến con người nảy sinh nhiều bi quan? Hay bởi mỗi con người hiện đại được học và tiếp cận với quá nhiều điều mới mẻ, nhưng không được học cách đối diện với nỗi đau ?

Ảnh minh họa

Những sự việc đau lòng

Thời gian qua, liên tục những vụ thanh, thiếu niên tự vẫn đã khiến dư luận bàng hoàng. Các em đã chọn cho mình những cách chấm dứt cuộc sống đầy đáng buồn: Có em uống thuốc sâu, có em nhảy xuống từ tầng cao chung cư... Trong đó, sự việc một thiếu niên nhảy từ ban công chung cư xuống vào lúc nửa đêm ngay trước mặt người cha đã khiến nhiều phụ huynh phải thảng thốt.

Có thể có nhiều lý do khiến các em lựa chọn cách thức đau đớn để chấm dứt cuộc đời, như áp lực của học hành, thi cử, sự bất lực trước những mâu thuẫn trong gia đình, tình trạng bị bạo hành tại gia đình, nhà trường, sự mất phương hướng tuổi mới lớn... Tất cả dẫn đến nỗi đau dồn nén, trạng thái trầm cảm và đi đến những quyết định đáng tiếc.

Sau những sự việc ấy, có không ít người lên tiếng kêu gọi sự quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh, thiếu niên. Điều ấy là cần thiết. Nhưng nhiều sự việc diễn ra gần đây cho thấy, không chỉ có thanh, thiếu niên mới là đối tượng cần được quan tâm về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Thời gian qua, dường như “tự sát” đang là một từ khóa đáng sợ và phổ biến trong cộng đồng. Liên tục nhiều vụ tự sát ở người lớn, có những vụ đầy bi thương.

Có vụ việc xảy ra tại quận Bình Tân, TP HCM, người chồng đi làm về phát hiện vợ treo cổ, con gái 7 tháng chết trong máy giặt. Nguyên nhân cái chết là sự trầm cảm sau sinh cộng với rối loạn lo âu do thời gian trước dịch bệnh kéo dài, bị phong tỏa, thất nghiệp, kinh tế khó khăn khiến gia cảnh bí bách, người vợ nghĩ quẩn.

Hay như sự việc người cha ở Hội An, sau mâu thuẫn với vợ, ôm con nhảy xuống sông tự sát, dẫu cho cháu bé kêu khóc. Một người mẹ khác ở Thái Bình cũng ôm con nhảy xuống sông sau mâu thuẫn với nhà chồng. Tại Thanh Hóa mới đây, một người mẹ ôm hai con nhỏ nhảy cầu tự sát do mâu thuẫn vợ chồng, nhưng may mắn được một người đàn ông dũng cảm cứu thoát. Gần đây nhất là vụ một nhà bốn người chết trong một chung cư tại Hà Nội. Điều tra ban đầu cho thấy, bố mẹ chết do tự sát, còn hai con nhỏ chết chưa rõ nguyên nhân.

Những câu chuyện đau đớn liên tục xảy ra khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng có một loại “virus tự sát” đầy tiêu cực đang tồn tại trong xã hội, khiến hết người này đến người khác đưa ra những lựa chọn đầy tuyệt vọng, chấm dứt cuộc đời?

Ba bước đối diện nỗi đau

Trước nhiều sự việc đau lòng như vậy, nhiều người bày tỏ sự thương cảm, cho rằng “phải ở trong hoàn cảnh mới biết” và “phải ở đường cùng mới đưa ra lựa chọn ấy”.

Thực tế, không phải người nào, khi đưa ra lựa chọn chấm dứt cuộc sống cũng đều đang ở bước đường cùng, không lối thoát. Có những quyết định được đưa ra trong lúc nóng giận, nông nổi, gây ra biết bao hậu quả tai hại, đau thương. Có những em thiếu niên cả cuộc sống suôn sẻ, chỉ vì một lần thi rớt, hoặc bị cha mẹ mắng mỏ vài lần, đã vội chọn cách ra đi, để lại thư tuyệt mệnh, để lại vết thương không bao giờ lành trong trái tim cha mẹ, người thân. Hay như mới đây, một đôi tình nhân chở nhau trên đường xảy ra cãi cọ, ngang qua cầu, cô gái nhảy xuống xe, lao xuống sông. Tuy nhiên, sau khi rơi xuống sông, cô gái lại kêu cứu, rất may đã được đội cứu hộ cứu thoát.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, ngưỡng chịu đựng của mỗi người khác nhau. Đối với người này có thể chỉ là một va vấp trong đời, đối với người khác có thể là sự thất bại tưởng như “không thể chịu đựng được”. Cùng một bất hạnh, có thể người này dễ dàng vượt qua, nhưng người khác lại tuyệt vọng từ bỏ cuộc sống. Thế nên, việc so sánh các trường hợp, hay chỉ trích, công kích người đã khuất là không nên.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, việc đưa ra những lựa chọn như trên hẳn nhiên là lựa chọn mang tính tiêu cực, để lại hậu quả khôn lường. Chuyên gia Lê Thị Minh Nga chia sẻ, hầu hết thanh, thiếu niên, giới trẻ và thậm chí cả người lớn chúng ta hiện nay được tiếp xúc nhiều với mạng xã hội, hội nhập và hiểu biết nhiều, nhưng có một kĩ năng cần thiết là kĩ năng vượt qua khó khăn, đối diện với nỗi đau của chính mình thì không mấy ai học. Đối diện với nỗi đau, nhiều người thường chạy trốn, vùi lấp nó. Không ít người không thể chịu nổi, muốn khó khăn và đau khổ phải chấm dứt ngay lập tức. Vì vậy, hậu quả là đưa ra những lựa chọn nông nổi, bất hạnh.

“Bất cứ một khó khăn hay nỗi đau khổ nào cũng cần một liều thuốc tốt để vượt qua, đó là thời gian. Cho bản thân mình thời gian để mọi thứ lắng xuống, đừng quyết định bất cứ điều gì vội vàng. Tiếp theo là nhận diện khó khăn và chăm sóc nỗi đau ấy bằng sự độ lượng dành cho chính mình. Nếu không đủ sức mạnh, bạn có thể “cầu cứu” sự chia sẻ, xoa dịu, ở cạnh của những người thân yêu, hoặc nhờ đến một sự trị liệu chuyên nghiệp. Hãy nhớ rằng, khó khăn nào cũng qua, nỗi đau nào rồi cũng sẽ hết. Chỉ cần còn sống, mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp lên”, chuyên gia Lê Thị Minh Nga nhấn mạnh.

Nếu mỗi người, trong quá trình học cách để mưu sinh, học cách sống tốt, vui vẻ, cũng đồng thời học luôn cả cách đối diện với khó khăn, vượt qua nỗi đau, có lẽ sẽ bớt đi rất nhiều vụ việc thương tâm, có thêm nhiều con người, những gia đình hạnh phúc.

 Trân Trân - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hoc-cach-doi-dien-voi-noi-dau-d182917.html