Hôm nay (24/11) diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021

24/11/2021 06:32

Kinhte&Xahoi Hôm nay (24/11), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.

Hội nghị lần này diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất, do vậy "được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam...".

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin

Khoảng 600 đại biểu sẽ tham dự hội nghị tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Các bộ, ngành; Văn nghệ sĩ và đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội... Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và có thể mở rộng đến tận các xã, phường, thị trấn.

Dấu mốc lịch sử quan trọng

 Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; Kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; Liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ của Đảng, chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc với những chủ đề khác nhau. Hội nghị toàn quốc về văn hoá là sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý không chỉ của những người trong lĩnh vực văn hóa mà còn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Điều đó, tự nó nói lên tính thời sự, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đang đặt ra những vấn đề cấp thiết mà xã hội kỳ vọng.

Nghị quyết Đại hội Đảng cũng như các Nghị quyết chuyên đề, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hoá; của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, là động lực xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bác Hồ nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, khó có cách diễn đạt nào hay hơn để nói về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa.

“Chúng ta luôn nhấn mạnh con người giữ vị trí trung tâm, mọi chủ trương, chính sách cần phải hướng tới; Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng đất nước. Ở hội nghị, chúng ta sẽ có cơ hội nhìn lại một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới đã có những thành tựu gì về văn hóa, cũng như những yếu kém gì đang tồn tại.

Để xây dựng và phát triển đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chúng ta nhất định phải dựa vào, phải phát huy nguồn lực tiềm tàng vốn có - nguồn lực nội sinh văn hóa, con người Việt Nam.

Trong đấu tranh để chinh phục và cải tạo tự nhiên, trong chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, ông cha ta và thế hệ chúng ta luôn dựa vào nguồn sức mạnh nội sinh ấy. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, càng phải dựa vào nguồn lực dồi dào vô tận ấy của chính chúng ta”, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chia sẻ.

Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hiện đại

Hiến kế cho sự phát triển văn hóa của đất nước

 PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây là thời điểm vô cùng phù hợp để tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Sự phù hợp này đến từ nhiều lý do, thứ nhất là đây là dịp kỷ niệm 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946).

Hội nghị được tổ chức khi thực dân Pháp mới nổ súng vào Hải Phòng được mấy hôm, đất nước đang đứng trước những tình thế vô cùng nguy hiểm nhưng chúng ta vẫn quyết tâm tổ chức một Hội nghị văn hóa để khơi dậy sức mạnh của dân tộc từ văn hóa, bằng văn hóa. Những thông điệp quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất như “Văn hóa soi đường quốc dân đi” đã truyền thêm sức mạnh và niềm tin cho dân tộc để chúng ta có được văn hóa cứu quốc. Chính nhờ văn hóa cứu quốc đó chúng ta giải phóng dân tộc.

Chương trình nghệ thuật trong giai đoạn giãn cách xã hội do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức (Ảnh: TTXVN)

Thứ hai là chúng ta tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tại Đại hội này, Đảng ta đã có nhiều thông điệp, quan điểm đột phá về phát triển văn hóa, xây dựng con người văn hóa. Chúng ta cần triển khai đồng bộ những thông điệp, quan điểm này để từ đó có những kế hoạch cụ thể phát triển văn hóa.

Thứ ba, trong bối cảnh xã hội ngày nay, sự phát triển của kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đặt rất nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa và con người Việt Nam. Chính vì thế chúng ta cần có cách tiếp cận và tư duy mới để xử lý những vấn đề về văn hóa, những vấn đề liên quan đến xây dựng con người để bảo đảm được những mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra là đến năm 2030 chúng ta trở thành nước công nghiệp có mức thu nhập trung bình, đến năm 2045 chúng ta trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao.

Toàn bộ những bối cảnh và vấn đề này cần phải có cách tiếp cận mới về văn hóa, con người Việt Nam vì chúng ta luôn coi văn hóa và con người Việt Nam là mục tiêu, mục đích của sự phát triển bền vững xã hội. Khi chúng ta tạo động lực, có niềm tin và truyền cảm hứng từ sự phát triển văn hóa thì đất nước mới phát triển bền vững, tạo điều kiện lan tỏa lợi ích cho những lĩnh vực khác như chính trị, xã hội, giáo dục, công nghệ… từ sức mạnh của văn hóa.

“Hội nghị Văn hóa toàn quốc là sự kiện được trông đợi, được coi là “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa”. Ở đó những người yêu văn hóa, những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có thể đề xuất những sáng kiến và hiến kế cho sự phát triển văn hóa của đất nước. Ở đó lãnh đạo Đảng và Nhà nước khẳng định quyết tâm phát triển văn hóa nghệ thuật, đưa ra những thông điệp quan trọng cho phát triển văn hóa nghệ thuật.

Tôi hy vọng sau hội nghị việc truyền cảm hứng từ Hội nghị sẽ tác động đến các cấp, các ngành ở địa phương đối với việc chăm lo cho phát triển văn hóa nghệ thuật. Khi đã ý thức nhiều hơn về phát triển văn hóa, về lợi ích và trách nhiệm trong phát triển văn hóa cũng như đưa ra những kế hoạch trong tương lai để phát triển văn hóa thì chúng ta tin tưởng văn hóa có nhiều cơ hội đóng góp vào sự phát triển đất nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn mong muốn.

 Lam Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cần có trách nhiệm với nền nghệ thuật nước nhà

Thời gian qua, có không ít nghệ sĩ dường như đã quên mình chính là “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” để xác định trách nhiệm của mình, chuyên chở những giá trị tốt đẹp đến với cuộc đời. Họ đã có những hành động không phù hợp, thậm chí là trái pháp luật, đáng bị lên án.

Đưa bảo tàng lên không gian mạng

Bảo tảng phải thay đổi để thích ứng theo thời đại, đổi mới cách thức, trưng bày để thu hút khách tham quan qua hình thức online đang là xu hướng mới.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hom-nay-2411-dien-ra-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc-nam-2021-183787.html