Hôm nay, tân Thủ tướng Nhật Bản bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

18/10/2020 17:05

Kinhte&Xahoi Việt Nam là quốc gia được tân Thủ tướng Suga Yoshihide Nhật Bản lựa chọn trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài kể từ khi nhậm chức.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiều nay - 18/10, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và phu nhân đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. 

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga, diễn ra một tháng sau khi nhậm chức (16/9). Ông Suga Yoshihide là vị thủ tướng Nhật Bản thứ hai liên tiếp, sau Thủ tướng Abe Shinzo, lựa chọn Việt Nam làm điểm dừng chân số một trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục đà phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực. Sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố và các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao được duy trì thường xuyên ở cấp Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội.

Chuyến thăm cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản, cũng như góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của hai nước sau đại dịch Covid-19. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 9/1973. Trong hai thập niên gần đây, quan hệ Việt-Nhật đã phát triển hết sức tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực nhờ sự tương đồng về văn hóa và các lợi ích chiến lược. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Đáng chú ý, hiện nay, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 40 tỷ USD; là nhà đầu tư lớn thứ hai trong số 138 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 4.595 dự án và tổng số vốn đăng ký đến tháng 9/2020, đạt gần 59.870 tỷ USD; và là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác, khuôn khổ quan hệ giữa hai nước đã không ngừng được nâng cấp, từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” vào năm 2002 lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào năm 2006, “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào năm 2009 và “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” vào năm 2014.

Từ đầu năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt – Nhật trên nhiều lĩnh vực, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức. 2 bên cũng đã phối hợp lập trường tại Hội nghị đặc biệt ASEAN + 3 về ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Chính phủ và Quốc hội Việt Nam hỗ trợ tổng cộng 1.190.000 khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế thông qua hợp tác song phương cũng như qua các tổ chức quốc tế, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ theo nhu cầu của Việt Nam; đưa công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản vào đối tượng được cấp khoản tiền hỗ trợ 100.000 Yên/người (khoảng 950 USD).

Việt Nam cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho gần 600 chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản quay trở lại Việt Nam làm việc; đón hơn 5.100 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Nhật Bản về Việt Nam.

 Hải Sơn - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bạch Mã, ngôi đền lâu đời nhất “Tứ trấn Thăng Long“

Thăng Long Tứ Trấn bao gồm: Đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên và đền Quán Thánh. Đây là 4 ngôi đền thiêng được dựng lên để thờ 4 vị thần trấn giữ những vị trí huyết mạch của mảnh đất Thăng Long. Thời xưa, những ngôi đền này thường được nhà vua đến dâng hương vào dịp đầu năm…

Chung tay ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung - Tình người trong gian khó

Bão và lũ lụt miền Trung bắt đầu từ ngày 6-7/10/2020 với hàng loạt cơn áp thấp nhiệt đới, bão số 7 và sau đó là lũ lụt tràn xuống, liên tiếp “vùi dập” miền Trung chìm trong biển nước, nhà cửa tan hoang, xơ xác và thiệt hại lớn về tài sản và cả tính mạng người dân.

Nguồn: Pháp luật Plushttps://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hom-nay-tan-thu-tuong-nhat-ban-bat-dau-tham-chinh-thuc-viet-nam-d138188.html