Kẽ hở sau cổ phần hóa là những hệ lụy và có nhằm mục tiêu chiếm đất vàng

20/06/2023 13:46

Kinhte&Xahoi Lợi dụng CPH để mua rẻ doanh nghiệp, thâu tóm quyền điều hành để doanh nghiệp tự suy tàn, rệu rã, người lao động buộc phải nghỉ việc.

Hậu cổ phần hóa và những hệ lụy

Các chuyên gia kinh tế từng nêu rất nhiều lần về thực trạng lợi dụng Cổ phần hóa (CPH) để trục lợi Nhà nước qua chiêu thức: định giá doanh nghiệp thiếu tài sản, giá rẻ, thay vì đấu giá thì chuyển sang thỏa thuận mua cổ phần bằng nhiều thủ đoạn nhằm đạt được giá mong muốn làm thất thoát vốn của Nhà nước.

Sau cổ phần hóa, công thức chung hậu CPH là không tập trung vào ngành nghề chính để cơ sở vật chất xuống cấp, sản xuất kinh doanh kém, sa thải người lao động, “xẻ thịt” đất công để cho thuê trái phép, toan tính, mua rẻ lại cổ phần của người lao động nhằm thâu tóm doanh nghiệp. Trong đó nhiều cảng thủy nội địa CPH cũng không nằm ngoại lệ.

Cảng Hà Nội.

Những ai tâm huyết với nghành vận tải thủy nội địa không khỏi xót xa khi hàng loạt hệ thống cảng thủy nội địa hậu CPH ngày càng xuống cấp, kinh doanh sa sút, sử dụng đất công sai mục đích, người lao động thất nghiệp hàng loạt.

Dưới đây là những minh chứng cụ thể thông qua kết luận của Thanh tra. Theo đó, tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong đó có việc CPH Tổng Công ty Vận tải thủy (viết tắt là VIVASO).

Từ tháng 6/2014 đến tháng 3/2016, Bộ GTVT thực hiện 2 lần thoái vốn tại đây. Từ tháng 4/2016 đến nay, Tổng công ty Vận tải thủy – Công ty Cổ phần không còn vốn Nhà nước mà hoạt động theo Công ty Cổ phần.

Những tưởng sau CPH, cảng Hà Nội, một đơn vị thuộc VIVASO-Công ty Cổ phần, từng là điểm giao nhận hàng hóa quan trọng, sầm uất giữa Thủ đô sẽ phát triển hơn, phát huy vị thế của mình, tạo công ăn việc làm cho người lao động nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Không chỉ cảng Hà Nội, hiện nhiều cầu cảng để hoang hóa, cây dại mọc khắp nơi quá đầu người gây ô nhiễm môi trường, mùi hôi xú uế nồng nặc cùng rác thải.

Xe cộ, phương tiện giao thông gây ách tắc, con đường vào cảng chủ yếu phục vụ các dịch vụ cho thuê kho bãi trái phép tại đây.

Nhiều dãy nhà kho được chia nhỏ làm trụ sở, nơi sản xuất của doanh nghiệp tư nhân, làm bãi đỗ xe tải, xe khách, gara sửa chữa ô tô… nhiều nơi còn là hàng quán sập sệ.

Từ một cụm cảng tạo việc làm cho hàng trăm lao động, nay cảng Hà Nội chỉ còn lại gần chục cán bộ công nhân viên. Vì sao lại như vậy?

Những ngày đầu tháng 6/2023, cũng là thời điểm các ĐBQH đang cho ý kiến Dự thảo Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản nhằm quản lý chặt chẽ tài sản công và phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, nhưng thật xót xa khi Cảng Hà Nội, khu “đất vàng” có diện tích hơn 14ha tại vị trí đắc địa trung tâm Hà Nội hậu CPH bị “xẻ thịt” cho thuê, cơ sở vật chất hoang tàn, đổ nát.

Dư luận đặt câu hỏi, việc CPH doanh nghiệp nhà nước được thông qua nhiều ban ngành, nhiều cơ quan và giám sát chặt chẽ nhưng tại sao lại để như vậy.

Tương tự cảng Việt Trì, một trong những điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng và từng phát triển mạnh tại Phú Thọ thuộc quyền quản lý của VIVASO-Công ty Cổ phần cũng không khá hơn thời hậu CPH. Hoạt động vận chuyển hàng hóa rất cầm chừng, trong vị trí khu đất của cảng, chỉ duy trì các hợp đồng cho thuê kho bãi. Bên thuê lắp đặt máy móc, sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Không chỉ để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực đất đai, khu vực nội khu của Cảng Việt Trì còn xuống cấp nghiêm trọng, máy móc thiết bị cầu cảng đổ nát, bãi rác gây ô nhiễm.

Hình ảnh tại cảng Ninh Phúc, tỉnh Ninh Bình.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cảng Ninh Phúc (Ninh Bình), cụm cảng mà mới đây, Thanh tra Chính phủ đã kết luận VIVASO- Công ty Cổ phần chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã tự ý khai thác, sử dụng một phần cảng để kinh doanh, cho thuê, vi phạm Luật xây dựng "cần phải được cơ quan chức năng xem xét, xử lý, thu về ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận thu được", ghi nhận của phóng viên hầu như không có hoạt động vận chuyển.

Cổ phần hóa xong để doanh nghiệp và người lao động tự giãy chết

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp nhận hồ sơ hai vụ việc sai phạm gây lãng phí và thất thoát số tiền lớn để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Gồm: nội dung CPH đối với các tài sản hình thành từ việc sử dụng nguồn vốn WB6 (cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc) với tổng giá trị đầu tư gần 135 tỷ đồng và việc xác định giá trị doanh nghiệp để CPH, thoái vốn, sai mất vốn nhà nước tại cảng Hà Nội với số tiền trên 16 tỷ đồng trong quá trình CPH Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO)…

"Bi kịch” trên cũng diễn ra tại VFS sau CPH hơn 500 nghệ sĩ, cán bộ của hãng phim bị thất nghiệp và nghỉ việc gần hết do ông chủ mới nợ lương, không có dự án phim truyện, không đầu tư vào lĩnh vực hoạt động chính, cơ sở vật chất của hãng hoang tàn, đổ nát. Một số mặt tiền đẹp thì cho tư nhân thuê kinh doanh nhà hàng.../.

 Điều 10. Nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nươc

1. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm sắp xếp, sử dụng tối đa số lao động tại thời điểm quyết định cổ phần hóa và giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ việc, thôi việc theo quy định hiện hành.

Công ty cổ phần có nghĩa vụ kế thừa mọi trách nhiệm đối với người lao động từ doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển sang; có quyền tuyển chọn, bố trí sử dụng lao động và phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý những vấn đề về tài chính để xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyên thành công ty cổ phần.

3. Công ty cổ phần được sử dụng toàn bộ tài sản, nguồn vốn đã nhận bàn giao để tổ chức sản xuất, kinh doanh; kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp cổ phần hóa.

4. Tài sản thừa hoặc thiếu so với giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và công bố được xử lý như sau:

a) Đối với doanh nghiệp còn vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa:

- Đối với tài sản thừa:

Trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện quyết toán tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần thì xử lý tăng vốn nhà nước tại công ty cổ phần (nếu công ty cổ phần có nhu cầu sử dụng và có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thông qua) hoặc bàn giao tài sản cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (nếu công ty cổ phần không có nhu cầu sử dụng).

Trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện quyết toán tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần thì bàn giao tài sản cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam…

 Ly Ly - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ẩm thực Việt thời hiện đại

Từ lâu, ẩm thực Việt luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao bởi sự đa dạng, phong phú, đặc sắc trong từng món ăn. Nhưng có lẽ điều làm nên chỗ đứng của ẩm thực Việt trong lòng thực khách bốn phương chính là bởi sức hấp dẫn của hương vị, hình thức mang đậm giá trị truyền thống của dân tộc.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/ke-ho-sau-co-phan-hoa-la-nhung-he-luy-va-co-nham-muc-tieu-chiem-dat-vang-d195051.html