Kế hoạch thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

15/06/2023 08:48

Kinhte&Xahoi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) vừa ký Quyết định số 43/QĐ-HĐTĐQH ban hành Kế hoạch tổ chức thẩm định Quy hoạch.

Ảnh minh họa. (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn)

Mục đích của Kế hoạch nhằm đảm bảo tiến độ trong quá trình tổ chức thẩm định quy hoạch ngành quốc gia đối với Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; phân công trách nhiệm, tổ chức thực hiện và theo dõi, đôn đốc việc thẩm định quy hoạch theo đúng quy trình và kế hoạch đề ra.

Quyết định phân công rõ nhiệm vu, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng thẩm định.

Theo đó, các thành viên Hội đồng có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch, chuẩn bị ý kiến góp ý bằng văn bản tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định; thẩm định các nội dung của quy hoạch theo quy định Điều 32 Luật Quy hoạch, trong đó nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với các nội dung liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, đơn vị được cử đại diện và tham gia ý kiến đối với các vấn đề liên quan khác của quy hoạch nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của Quy hoạch.

Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng thẩm định và Thủ trưởng cơ quan về nội dung công việc được Chủ tịch Hội đồng thẩm định giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những ý kiến tham gia đối với Quy hoạch; phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch rà soát các nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định trong hồ sơ, tài liệu quy hoạch trước khi hồ sơ, tài liệu quy hoạch được đóng dấu xác nhận.

Thành viên phản biện nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Hội đồng thẩm định toàn bộ nội dung quy hoạch; thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo Điều 35 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ.

Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng thẩm định khi được triệu tập; thực hiện các nhiệm vụ được phân công và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng thẩm định giao.

Các thành viên Hội đồng có quyền yêu cầu cơ quan thường trực hội đồng cung cấp các hồ sơ, tài liệu quy hoạch; bảo lưu ý kiến của mình.

Quyền và trách nhiệm của Cơ quan thường trực hội đồng

Cơ quan thường trực hội đồng thực hiện theo Điều 34 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ và các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch; chuẩn bị nội dung, chương trình họp Hội đồng thẩm định; mời họp và chuẩn bị tài liệu và phương tiện phục vụ các cuộc họp Hội đồng thẩm định.

Đồng thời, đôn đốc các thành viên Hội đồng thẩm định triển khai công tác thẩm định theo nhiệm vụ được giao; tổng hợp các nội dung có ý kiến khác nhau liên quan đến ngành, địa phương trong quá trình thẩm định, báo cáo Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định.

 Phạm Duy - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ẩm thực Việt thời hiện đại

Từ lâu, ẩm thực Việt luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao bởi sự đa dạng, phong phú, đặc sắc trong từng món ăn. Nhưng có lẽ điều làm nên chỗ đứng của ẩm thực Việt trong lòng thực khách bốn phương chính là bởi sức hấp dẫn của hương vị, hình thức mang đậm giá trị truyền thống của dân tộc.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/ke-hoach-tham-dinh-quy-hoach-mang-luoi-co-so-y-te-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-d194919.html