Khám phá 'chiếc vòng thần kỳ' trên tay người Êđê

13/08/2019 10:09

Kinhte&Xahoi Đối với mỗi người đồng bào dân tộc Êđê, chiếc vòng đồng không chỉ là vật trang sức mà còn mang ý nghĩa văn hóa tâm linh.

Vòng đồng là vật được người ta tin tưởng trao cho nhau trong những dịp lễ trọng như hứa hôn, kết hôn, kết nghĩa... Vòng đồng mang nét đẹp văn hóa độc đáo, thiêng liêng trong đời sống của người Ê đê.

Nghi lễ trao vòng cầu hôn của đồng bào dân tộc Êđê

Chiếc vòng đồng, nghe có vẻ đơn thuần, nhìn vẻ ngoài nó là một vật dụng bình thường, nhưng bên trong nó mang ý nghĩa rất lớn lao về tình nghĩa vợ chồng trao nhau khi kết hôn; vật để hai người xa lạ xem nhau như anh em ruột thịt bởi một lễ kết nghĩa; hoặc như là tấm bùa hộ mệnh cầu may, cầu xin thần linh phù hộ cho gia chủ luôn khỏe mạnh gặp nhiều điều tốt trong cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần.

Chiếc vòng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Êđê

Đối với đồng bào Êđê ở Đắk Lắk, chiếc vòng đồng có ý nghĩa quan trọng trong nhiều nghi lễ, nó không chỉ là lời giao ước hôn nhân, gắn kết tình nghĩa vợ chồng, anh em mà còn là vật mang lại nhiều may mắn, phù hộ cho sức khỏe con người, là sợi dây kết nối tình cảm yêu thương giữa mọi người trong bộ tộc, dòng họ và cả những người khác bộ tộc với nhau.

Chính vì ý nghĩa quan trọng đó, mỗi người Êđê khi muốn đeo chiếc vòng đồng phải tổ chức lễ cúng để báo với thần linh, để thần linh phù hộ, che chở cho chủ nhân của chiếc vòng. Và khi đã đeo vào tay, chiếc vòng là sự gắn kết với chủ nhân suốt cả cuộc đời.

Nghi lễ cúng vòng đồng của đồng bào Êđê

Thông thường, lễ cúng vòng đồng của đồng bào Êđê phải diễn ra năm lần. Lễ vật bắt buộc phải có đó là chiếc vòng đồng, rượu cần, gà, lợi, trâu, bò. Tuy nhiên, cũng tùy vào điều kiện kinh tế, nếu gia đình nào khá giả thì làm lễ cúng đầy đủ trọn vẹn; còn nếu khó khăn thì cúng một, hai lần để dâng lễ vật và chiếc vòng đồng lên vị thần linh để thần linh phù hộ cho chủ lễ sức khỏe, công việc làm ăn thuận lời, no đủ quanh năm… Sau lễ cúng, chiếc vòng được khắc tên người đeo và gắn bó suốt cuộc đời với chủ nhân cho đến lúc chết.

Đối với người Êđê, chiếc vòng đồng còn là nơi giao ước hôn thú của các cặp thanh niên nam, nữ khi đến tuổi lập gia đình. Ông Y Cuc Nie, Buôn Hra A, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar chia sẻ, trong các hôn lễ, nghi lễ trao vòng, cầu hôn là nghi lễ quan trọng, đây là nghi lễ bắt buộc của các cô gái khi làm đám cưới thể hiện sự công nhận của thần linh, gia đình, cộng đồng cho đôi trai gái được tổ chức đám cưới nên vợ nên chồng.

Thầy cúng cầm vòng đồng đeo trên tay gia chủ và đọc lời khấn cầu sức khỏe, nhắc lại lời hẹn ước

Theo đó, khi đồng ý lời cầu hôn thì cô gái sẽ thông báo cho chàng trai về nói với gia đình đến làm lễ trao vòng đính ước. Khi chiếc vòng đươc đeo vào tay của hai người thì chàng trai, cô gái chính thức trở thành vợ chồng, phải ở bên nhau trọn đời. Sau khi kết hôn, nếu một trong hai không còn muốn sống với nhau nữa thì phải trả vòng lại và phạt đền cho bên còn lại gấp đôi hoặc gấp ba lần sính lễ được trao trong ngày cưới. 

Cũng như lễ đính hôn, trong nghi lễ kết nghĩa của người Êđê không thiếu chiếc vòng đồng, bởi nó là sự gắn kết giữa hai người xa lạ với nhau.

Theo lãnh đạo UBND xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, khi người Êđê thương mến ai đó ngoài dòng tộc và muốn trở thành anh em thì sẽ tiến hành làm kết nghĩa. Theo đó, gia đình sẽ chuẩn bị lễ vật gồm: Một con gà, rượu cần và một chiếc vòng đồng. Sau khi cúng, gia đình người Êđê trao cho người anh em kết nghĩa chiếc vòng đồng. Kể từ đó, người kết nghĩa sẽ được xem như anh em trong họ hàng. Mỗi lần có việc gia đình, người anh em kết nghĩa đều được mời về tham dự, khi gặp khó khăn thì hai bên cùng nhau san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau…

Các thiếu nữ Êđê hiện đại trong trang phục truyền thống

Cũng chiếc vòng đồng ấy, với mỗi người đồng bào Êđê nó như một vị cứu tinh giúp mình được “tai qua nạn khỏi” sức khỏe, mọi sự tốt lành. Anh Y Yuin Niê ở Buôn Phowng (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) kể, sau một lần bị tai nạn giao thông thập tử nhất sinh, anh được bố mẹ trao vòng đồng với hi vọng “gặp dữ hóa lành”. Và như một phép màu, chiếc vòng đồng đã giúp anh vượt qua cơn bạo bệnh. Sáu đó, hàng năm anh Y Yuin đều được làm lễ cúng sức khỏe và dùng dao khắc tên mình lên chiếc vòng đồng đã được trao sau lần gặp tai nạn. 

Ngày nay, cuộc sống ngày càng phát triển, tuy nhiên, chiếc vòng đồng luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt, tâm linh của đồng bào Êđê. Chính vì những ý nghĩa tốt đẹp ấy nên đồng bào Êđê xem chiếc vòng đồng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình và được lưu truyền từ đời này sang đời khác.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chuyện rằm tháng 7!

Tháng 7, dân gian gọi “tháng cô hồn”, theo truyền thuyết cửa địa ngục sẽ mở, các linh hồn dưới âm giới được trở về dương gian. Vậy nên, nhà nhà cúng lễ, người người mua vàng mã để “gửi” cho người đã khuất. Có những chuyện làm người ta lại băn khoăn, lại tranh cãi về cái tháng 7 “cô hồn” này!

Nguồn: Pháp luật Plus