Lãnh đạo thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đền Hạ
Dự buổi lễ có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Phạm Thị Thanh Mai; đại diện một số sở, ngành, quận, huyện, thị xã cùng lãnh đạo huyện Ba Vì, đông đảo người dân địa phương...
Trình bày diễn văn tưởng niệm, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng nhấn mạnh: Núi Ba Vì là nơi phát tích của truyền thuyết về Sơn Tinh - Thủy Tinh, về Đức Thánh Tản, vị thần đứng đầu hàng "Tứ bất tử" trong thần điện Việt. Ngài không chỉ là thành hoàng bảo trợ cho làng xã mà còn được nhân dân tôn thờ là Phúc thần, Thượng đẳng tối linh thần. Đức Thánh Tản cũng được nhân dân tôn thờ là Anh hùng văn hóa, Anh hùng trị thủy, khơi nguồn nước cứu nạn dân chúng, dạy dân nhiều nghề nghiệp...
Tôn vinh công trạng, ân đức của ngài, nhân dân lập nhiều đền thờ trên địa bàn huyện Ba Vì và ở nhiều nơi trong vùng văn hóa xứ Đoài. Hiện, trên địa bàn huyện Ba Vì có 397 di tích, trong đó, có hơn 100 di tích thờ Đức Thánh Tản, 128 di tích đã được xếp hạng.
Năm 2008, cụm di tích đền thờ Tản Viên Sơn Thánh đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng. Năm 2018, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh, huyện Ba Vì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì gắn biển công trình chào mừng 55 năm thành lập huyện Ba Vì
Theo ngọc phả còn lưu giữ tại di tích đền Trung (xã Minh Quang, huyện Ba Vì), Thánh Tản sinh nhằm ngày Rằm tháng Giêng, hóa thánh vào mùng 6 tháng Mười Một và nơi ngài hóa thánh là đỉnh núi Tản Viên. Sau này, nhân dân lập đền thờ và đó là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Thượng. Trải qua hàng nghìn năm, việc thờ cúng, tế lễ để tưởng nhớ ngài đã ăn sâu vào đời sống nhân dân.
Vào những ngày này, nhân dân các dân tộc Ba Vì thường tổ chức lễ hội, dâng hương, dâng các sản vật do chính người dân làm ra lên Đức Thánh để tri ân công đức của ngài và cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, gia đình hạnh phúc.
Di tích lịch sử văn hóa đền Hạ nằm dưới chân núi Tản Viên, bên sông Đà, thuộc địa phận xã Minh Quang.
Kiến trúc của đền Hạ theo kiểu chữ Tam, tọa lạc ở độ cao 34m so với mực nước biển, theo thế tựa lưng vào dãy núi Ba Vì, quay mặt ra phía sông Đà. Theo sách Sơn Tây tỉnh địa chí, đền Hạ còn được gọi là Tây cung. Ngoài sân có tấm bia đá ghi dòng chữ "Tản Viên từ ký" (ghi chép về đền thờ Tản Viên), dựng vào năm Tự Đức thứ Nhất (1848) triều Nguyễn.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Tản Viên Sơn
Đền Hạ được xây dựng từ lâu và được trùng tu sửa chữa qua các triều đại Lý, Trần, Lê. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, di tích lịch sử văn hóa đền Hạ từng bước được mở rộng, đầu tư xây dựng nhiều hạng mục.
Năm 2021, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ba Vì chọn dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Hạ làm công trình chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập huyện. Với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng, dự án gồm các hạng mục: Nhà Mẫu, nhà Tả vu, Hữu vu, nhà bia, nhà hòm đòn, nhà khách, nghi môn nội...
Sau gần 1 năm thi công, dự án đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, bảo đảm các yêu cầu về kiến trúc, kỹ thuật, mỹ thuật và giá trị văn hóa - lịch sử của di tích, tạo nên tổng thể không gian văn hóa biểu tượng của niềm tự hào quê hương Ba Vì.
Trọng Toàn - HNP