Khi giới trẻ "rót" tiền vào cuộc chơi chứng khoán...

16/10/2021 09:56

Kinhte&Xahoi Chứng khoán với lời mời gọi là kênh đầu tư ít rủi ro nhất đang ngày càng trở thành mối quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp những câu chuyện về mua mã cổ phiếu này, bán mã cổ phiếu kia khắp mọi ngóc ngách trên mạng xã hội.

Chứng khoán đã xuất hiện từ khá lâu và không còn là đề tài quá lạ lẫm với những người quan tâm đến đầu tư, kinh doanh. Phải đến khi cuộc sống của mỗi người đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, ngồi nhà suốt một thời gian dài, người ta mới nghĩ đến việc kiếm tiền online nhiều hơn.

Nhiều bạn trẻ đang "rót sạch" tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán (Ảnh tư liệu)

Khi mà tiền ảo đã bị đánh bật khỏi thị trường, các công việc kiếm tiền online khác bị ảnh hưởng do dịch thì mọi người, nhất là những người trẻ bắt đầu đổ xô vào chọn lựa một kênh đầu tư cho riêng mình. Với những lời mời gọi ngon ăn về lợi nhuận cao và rủi ro thấp, chứng khoán nhanh chóng vươn lên, trở thành nơi chốn mà nhiều người trẻ mong muốn rót tiền vào nhất.

Ngô Hoàng Tuấn (25 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ tình cờ biết chứng khoán thông qua một người bạn. Mới đầu, Tuấn chỉ sử dụng số tiền "nhàn rỗi" để đầu tư và được khuyên nên giữ cổ phiếu trong dài hạn. Tuy nhiên, càng chơi càng ham, Tuấn đã dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để đầu tư chứng khoán.

Thời gian đầu, với tâm lý thích "ăn xổi", Tuấn đã lựa chọn đầu cơ ngắn hạn và kết cục như hầu hết người chơi nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán này, lãi thì ít mà thua thì nhiều. Tiền tích cóp trong nhiều năm đi làm, Tuấn đã đầu tư hết vào chơi chứng khoán.

Chàng trai trẻ phát hiện ra rằng, trong khoảng thời gian còn "nghiện" chứng khoán, những dao động của thị trường có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của mình.

"Cảm xúc của mình dao động nghiêm trọng theo sự lên xuống của thị trường và những cổ phiếu mình nắm giữ hàng ngày. Thậm chí, đồng nghiệp còn trêu đùa rằng chỉ cần nhìn mặt là biết thị trường chứng khoán hôm nay lên xuống thế nào", Tuấn nhớ lại.

Bắt đầu chơi chứng khoán từ đầu tháng 5 sau khi bạn bè “gạ gẫm”, Ngọc Huyền (24 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, dù có tìm hiểu qua trên mạng xã hội, các hội nhóm đầu tư và sách vở nhưng tham gia rồi, cô gái trẻ mới biết mọi thứ không như mơ.

“Bắt đầu chơi, mình quyết định dùng 2/3 số tiền tiết kiệm dành dụm được sau hơn 4 năm đi làm. Ngay tháng đầu tiên, mình đã mất 5% trên tổng tiền vốn ban đầu. Lần đầu tiên thấy mã cổ phiếu mình mua rớt giá xuống "vực thẳm" cảm giác rất buồn. Lúc đó, màn hình xanh đỏ, lên xuống của các mã còn quyết định tâm trạng cả ngày của mình”, Huyền kể.

 Tâm trạng lúc lên lúc xuống, thậm chí nhiều lúc muốn "thót tim" là trạng thái cảm xúc của nhiều người trẻ khi đầu tư chứng khoán

"Mỗi khi đặt lệnh mua cổ phiếu, tâm trạng của mình lên xuống theo biểu đồ giá của thị trường, ăn uống, vệ sinh mình đều dán chặt mắt vào màn hình điện thoại. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, cái bảng xanh xanh đỏ đỏ lúc nào cũng song hành bên mình kể cả khi làm việc, đi tụ tập với bạn cũng liếc mắt xem… lúc nào mình cũng xem.

Khi thị trường đóng cửa vào ngày lễ, mình buồn tẻ và cảm thấy kỳ nghỉ là một cực hình. Mình đã đánh mất niềm vui khi đến cuối tuần. Mình chỉ muốn nhanh đến thứ Hai còn mong hơn cả lương về tài khoản", Huyền chia sẻ thêm.

Sau 5 tháng đầu tư vào chứng khoán, cô gái trẻ có lúc lời, lúc lỗ nhưng tổng kết lại thì Ngọc Huyền lỗ nhiều hơn. Dù vậy, Ngọc Huyền không có ý định từ bỏ loại hình đầu tư này. Cô gái trẻ cho rằng, một khi chơi chứng khoán, không thua lỗ, người đầu tư sẽ không học được gì. Trước khi chơi chứng khoán, dù bỏ vào một số tiền khá lơn nhưng Huyền đã xác định rõ chỉ được chơi trong khoản tài chính đó, không được vay mượn vì cô ghét nợ nần.

Đến với chứng khoán để tìm kiếm nguồn thu nhập mới cho bản thân sau nhiều năm làm công việc mình không yêu thích, Hoàng Hải Anh (28 tuổi, nhân viên kinh doanh) chính thức từ bỏ công việc và bắt đầu tìm hiểu, đầu tư vào chứng khoán cuối năm 2020.

“Thú thực là mình đã có công việc ổn định với chuyên môn mình đã theo học nhưng do háo hức muốn nhanh chóng tích lũy tài sản, thoát khỏi vòng lặp an toàn nhiều năm qua nên mình quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán. Mình chấp nhận từ bỏ tất cả để có một cuộc sống tự do, dư dả và không áp lực”.

Đầu tư chứng khoán là một cuộc chơi không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với người trẻ

Người ta nói nhiều về sự "ngon ăn" của chơi chứng khoán, còn về chuyện cả ngày cứ quanh quẩn dõi theo biểu đồ nến, tâm trạng lên xuống thất thường theo những đường xanh đỏ thì có lẽ chưa. "Ngon ăn" thế thì ai cũng giàu, nhiều người đầu tư vào chứng khoán rồi tiền mất, tật mang, tổn hại sức khỏe, mất tự tin, chán nản, thậm chí là trầm cảm.

Sau gần một năm tham gia sân chơi này, những mã cổ phiếu đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí Hải Anh. Khoản tiền tiết kiệm mà chàng trai kiếm được sau nhiều năm đã cạn. Dù không vay nợ ai nhưng chứng khoán đã khiến sức khỏe chàng trai suy giảm, tâm trạng luôn chán nán. Sau khi suy nghĩ kỹ, Hải Anh quyết định về quê để bắt đầu lại từ đầu.

“Các bạn trẻ không nên lâm vào tình trạng vay mượn tiền để đầu tư, chỉ nên dùng số tiền nhàn rỗi để hạn chế rủi ro và cũng không bị gặp áp lực tài chính nếu đầu tư sai. Vay mượn tiền để đầu tư nếu thị trường không thuận lợi sẽ gặp áp lực khá lớn về tài chính, dẫn tới tâm lý không vững, đưa ra các quyết định thua lỗ nặng nề, có nhiều người lâm vào cảnh nợ nần cũng vì thế”, Hải Anh chia sẻ thêm.

Chứng khoán thoạt nhìn có vẻ "dễ ăn" nên nhiều người chưa hiểu rõ đã vội đầu tư. Cuộc chơi này giống như một tảng băng trôi, nhìn bên ngoài chỉ thấy phần nổi nhưng lặn sâu sẽ thấy có nhiều phần chìm. Người trẻ chơi chứng khoán từ sớm vẫn tốt nhưng nên xác định rõ tài chính và tìm hiểu thật kỹ để không bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần khi "nghiện" loại hình đầu tư này.

Trung Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Âm nhạc thi thoảng lại có “rác”

Thời gian vừa qua, dư luận lại một phen phẫn nộ khi một số các hiện tượng âm nhạc tung ra với nội dung phản cảm, tục tĩu, "sáng tạo" quá trớn. Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra văn bản chấn chỉnh điều này, các nghệ sĩ và dư luận cũng lên án gay gắt. Một lần nữa chúng ta có thể khẳng định sáng tạo không hợp thuần phong mĩ tục, không dựa trên nền tảng văn hóa thì những "nghệ sĩ" kia đang tự đào hố chôn mình. Song, bài học đặt ra sau những sự việc như thế này là gì?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khi-gioi-tre-rot-tien-vao-cuoc-choi-chung-khoan-180412.html