Chương trình Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 theo kế hoạch sẽ diễn ra vào 20h tối nay tại Cung Hữu nghị nhưng đã bị huỷ trước giờ G
Hình như các danh hiệu từ “ao làng” đến “ao xã”, “ao huyện”, “ao tỉnh”.... hết mất rồi, có chủ nhân rồi thì người ta phải tìm đến các “danh hiệu không địa giới”? Tâm linh là một thành tố của văn hóa, nhưng ai hiểu tâm linh là gì mà có cả tước hiệu của nữ hoàng?
Háo danh là sự thèm khát tiếng tăm nhưng chưa chắc đã có thực tài. Tính háo danh có ở mọi thành phần, tầng lớp. Người thì háo danh bằng cách đánh bóng tên tuổi của mình lên để được nhiều người biết tới. Ngay cả với những người bị cho là “dưới đáy xã hội” cũng muốn mình trở thành “dân anh chị” để có quyền uy nhất định.
Khi xuất hiện “Nữ hoàng văn hóa tâm linh”, nhiều người lục tìm quy định các hình thức khen thưởng đã được quy định trong Luật Thi đua Khen thưởng và Quy chế tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp.
Tất nhiên trong Quy chế, Chính phủ nghiêm cấm đặt danh hiệu và giải thưởng trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục..., nghiêm cấm huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng.
“Quản” không được thì “cấm”. Tuy nhiên, nếu “tiết chế” cảm xúc thì thấy: Với các danh hiệu (trừ danh hiệu Nhà nước), Nhà nước không thể “ôm” . Nhưng nếu để các tổ chức xã hội, kể cả doanh nghiệp truyền thông “kinh doanh” danh hiệu như lâu nay họ vẫn “kinh doanh” thì sao? Các danh hiệu như “Doanh nhân tâm và tài”, “Doanh nhân hiền tài”, “Gia tộc doanh nhân”, “Nữ hoàng Văn hóa tâm linh Việt Nam”, “Nữ hoàng Trang sức”, “Nữ hoàng Thương hiệu ngành Thực phẩm”, “Nữ hoàng ngành Tài nguyên môi trường”, “Nữ hoàng Xây dựng”... toàn “núp bóng” văn hóa, đạo đức. “Đau” cho văn hóa quá.
Một khi danh xưng giả, danh hiệu giả, nhất là các danh hiệu “núp bóng” văn hóa, đạo đức tràn lan sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến môi trường sản xuất, kinh doanh và xã hội.
Loạn danh xưng, danh hiệu đang là “báo động đỏ” cho sự mất kiểm soát... Nó tạo ra tình trạng vàng thau, thật giả lẫn lộn; phô trương danh hão, giả dối; bôi bẩn những chân giá trị vốn có của đời sống văn hóa dân tộc.
Xã hội Việt Nam suy cho cùng vẫn là xã hội “nông dân - nông thôn - nông nghiệp”. Xã hội ấy “bằng lặng quá”, gần như chỉ có một giá trị để người ta vươn lên. Đó là giá trị có tính chất quyền lực, người ta tìm mọi các để đạt được, bất chấp làm “loạn” các giá trị. Không thể cấm, nhưng phải hướng dẫn, không được “tiếp tay” cho các danh xưng, danh hiệu đánh tráo văn hóa và đạo đức.