Kiểm soát dòng vốn FDI 'chảy' vào bất động sản

18/03/2019 15:16

Kinhte&Xahoi Những tháng đầu năm 2019, khoảng sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào bất động sản đang hứa hẹn những khởi sắc của thị trường này trong thời gian tới với nhiều cơ hội mới

Nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản luôn đứng ở vị trí cao. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực; trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 6,93 tỷ USD, chiếm 81,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục duy trì vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư 478 triệu USD, chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản luôn đứng ở vị trí cao. Yếu tố này rất quan trọng nhất là trong bối cảnh nguồn vốn đổ vào bất động sản đang bị hạn chế từ tín dụng ngân hàng trong nước.

Dòng chảy FDI đang được đánh giá là phương án hỗ trợ kịp thời và đắt giá cho các chủ đầu tư phát triển dự án. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu chia sẻ, vốn FDI không chỉ trở thành nguồn vốn hỗ trợ, bổ sung cho lĩnh vực bất động sản mà còn tạo ra nhiều cơ hội và giá trị cho các doanh nghiệp địa ốc.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, trong 3 năm qua, nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam đã tăng theo từng năm. Các chủ đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố, gần vị trí hạ tầng giao thông quan trọng như tầu điện ngầm, đường sắt trên cao...

Cùng đó, nhiều nút thắt về thủ tục pháp lý cũng liên tục được tháo gỡ. Đây cũng là trợ lực để giai đoạn tới, thị trường bất động sản đón nhận nhiều dòng vốn đầu tư mới. Bản thân các doanh nghiệp hiện nay cũng đã chủ động tự tìm kiếm nguồn vốn thay thế tín dụng ngân hàng.

Một số doanh nghiệp đã tái cơ cấu mạnh để niêm yết trên sàn chứng khoán, bắt tay với nhiều đối tác là quỹ đầu tư ngoại cùng hợp tác thực hiện dự án. Như vậy, doanh nghiệp bất động sản cũng giảm bớt phần nào gánh lo tắc vốn khi các ngân hàng siết chặt cánh cửa cho vay - ông Hiếu phân tích.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam hiện chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất quan tâm đến tài sản tạo ra dòng tiền như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ và khách sạn nằm ở khu trung tâm. Nhóm thứ hai tập trung hướng đến việc phát triển nhà ở. Họ phối hợp với các nhà đầu tư trong nước, nhất là các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất để xây dựng chung cư hay khu biệt thự.

Hiện cuộc đua bất động sản đang trở nên nóng hơn khi có sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, ghi nhận lượng đầu tư thiết lập kỷ lục trong những năm gần đây.

Tập đoàn đa quốc gia Jones Lang LaSalle (JLL) tại Việt Nam chia sẻ, quan sát cho thấy dòng vốn FDI hàng trăm triệu USD sẵn sàng đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Hàng loạt tiềm năng được ghi nhận như việc ngành du lịch Việt Nam đạt kỷ lục với 15,5 triệu lượt khách quốc tế và 80 triệu lượt khách nội địa trong năm 2018 cùng mục tiêu đạt 20 triệu lượt khách vào năm 2020.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng, bao gồm 2.000 km đường cao tốc mới, hệ thống tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng nhiều dự án mở rộng, xây dựng sân bay mới khác. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sẵn sàng đổ vốn vào thị trường có tốc độ tăng trưởng cao này.

Tuy nhiên, ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, vẫn còn những điểm nghẽn từ năm 2018 sẽ kéo dài sang năm 2019. Việt Nam hội nhập ngày càng rộng, sâu hơn, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng tác động mạnh đến đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, việc mở rộng các nguồn cấp vốn là rất cần thiết và cần có thể chế. Đơn cử như việc tạo ra khuôn khổ pháp lý về khách sạn căn hộ (condotel), quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ, các loại hình thái khác - ông Chung dẫn chứng.

Cũng theo chuyên gia này, năm 2018 và tới thời điểm này vẫn chưa thấy "bóng dáng" của các chính sách tài chính với thị trường bất động sản. Đặc biệt quỹ tín thác là giải pháp có thể tốt nhất cho thị trường bất động sản, nhưng chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, cần phải kiểm soát dòng tiền nước ngoài đổ vào bất động sản Việt Nam một cách hợp lý.

Nhìn vào tổng quan thị trường, các chuyên gia kỳ vọng, thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc. Trong số này, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ là ngành nóng nhất trong năm 2019, được thúc đẩy bởi sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc và tác động tích cực từ các Hiệp định thương mại.

Mặc dù vậy, quá trình phê duyệt kéo dài có thể ảnh hưởng đến những dự án phát triển mới trong năm 2019. Do đó, việc tìm nguồn cung sạch và minh bạch sẵn sàng để đầu tư vẫn đang là thách thức cho các nhà phát triển và đầu tư trong thời gian tới. Bởi vậy, việc cải cách quy định được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tính minh bạch khiến thị trường bất động sản Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kỳ thú đua voi ở Buôn Đôn

Ngày 14/3/2019, Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk đăng tải hình ảnh đẹp về Hội voi Buôn Đôn trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7