Đầu bếp đang trình bày món ăn tại hội thi. Ảnh: UBND huyện Tu Mơ Rông
Với chủ đề “Ẩm thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh” có 21 đội thi tham dự, gồm: 11 đội của 11 xã, hợp tác xã trên địa bàn và đội khách mời đến từ Lào, Thụy Sỹ... và các tỉnh, thành phố.
Mỗi đội thi có sự tham gia tối đa của 3 đầu bếp chính. Các đội trổ tài chế biến ít nhất 6 món ăn chính có thành phần từ cây dược liệu sâm dây Tu Mơ Rông.
Theo anh Lê Văn Tiến (18 tuổi) đội thi tỉnh Đồng Nai dành thời gian khoảng 1 ngày để cắt tỉa những củ sâm dây thành hình dáng con rồng, chim, cá trang trí món ăn bắt mắt.
"Tác phẩm rồng uốn tốn nhiều thời gian và nguyên liệu nhất với khoảng 3 giờ đồng hồ và 1kg sâm dây. Tác phẩm đôi chim sẻ được tạo tác từ 0,5kg sâm dây. Những tác phẩm này dùng để trang trí trong các món ăn, làm tăng thêm phần thẩm mĩ", anh Tiến nói.
Những chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, các đầu bếp nổi tiếng được mời làm Ban giám khảo, cuộc thi chấm điểm dựa trên việc thưởng thức món ăn và khả năng trưng bày, thuyết trình của đội thi. Những món ăn sau khi chế biến, trao giải du khách được thưởng thức miễn phí.
Trong khuôn khổ hội thi, Công ty Cổ phần Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietkings sẽ công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn được chế biến từ sâm dây cho huyện Tu Mơ Rông.
Món sâm dây Ngọc Linh hầm. Ảnh: UBND huyện Tu Mơ Rông
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, đây là lần thứ 2 huyện tổ chức Hội thi ẩm thực dược liệu. Khác với lần trước, hội thi lần này mang tầm quốc tế khi có sự tham gia của các đầu bếp giỏi đến từ nhiều quốc gia. Việc được xác lập kỷ lục Việt Nam 120 món ăn chế biến từ sâm dây khẳng định giá trị, chất lượng, sức hút của sâm dây Tu Mơ Rông so với sâm trồng ở các vùng, địa phương khác.
Qua hội thi, huyện sẽ in công thức chế biến các món ăn từ sâm dây Tu Mơ Rông thành sách. Sau đó phát hành rộng rãi để mọi người, mọi nhà trên đất nước Việt Nam và thế giới có thể tự tay chế biến.
Trình diễn cồng chiêng tại hội thi. Ảnh: UBND huyện Tu Mơ Rông
Hội thi diễn ra từ ngày 25/4 đến 26/4 tại làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) với chủ đề “Ẩm thực dược liệu – tinh hoa núi rừng Ngọc Linh”.
Thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đang khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng sâm dây; đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực vào đầu tư. Hiện đã có doanh nghiệp vào liên kết với dân và mở nhà máy. Khi nhà máy được xây dựng, ngoài 120 món ăn được chế biến từ sâm dây vừa được xác lập kỷ lục nói trên, sẽ có thêm nhiều thức uống, thực phẩm khác từ sâm dây ra đời, góp phần nâng cao sức khỏe cho người sử dụng.
Ngọc Anh - Pháp luật Plus