Lâm Đồng: Yêu cầu đưa đội quân đất nung “giống lính Tần Thủy Hoàng” về nơi sản xuất

01/09/2020 14:39

Kinhte&Xahoi Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Liên Minh trả những bức tượng lính xưa về lại Bình Dương.

Tượng được chuyển từ Bình Dương lên Lâm Đồng.

Sáng 1/9, trao đổi với PV, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng - bà Nguyễn Thị Nguyên cho biết: “Sở đã có đoàn kiểm tra và làm việc Công ty CP Tập đoàn Liên Minh (Liên Minh Group). Do không có giấy phép liên quan dự án nên Sở đề nghị chở những bức tượng về lại Bình Dương. Phía Liên Minh Group đã thống nhất với đề nghị này và đang tiến hành triển khai”.

Trước đó, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh hàng chục pho tượng binh lính được vận chuyển bằng xe tải lên TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Các tượng này đều mang vũ khí, mặc quân phục, toàn thân phủ nhũ vàng. Nhiều ý kiến cho rằng đây là tượng đất mô phỏng tượng quân lính Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng.

Theo tìm hiểu của PV, “đội quân đất nung” này được Công ty CP Tập đoàn Liên Minh (trụ sở tại Đà Lạt) đặt mua từ Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) về Đà Lạt trước đó vài ngày.

Theo ông Ngô Quang Phúc, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Liên Minh Group, trước đây ông có dịp tham quan khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) thấy các bức tượng đẹp mà để hoang phí quá nên ông mua về để du khách tham quan. Ông đã mua 230 tượng và mới vận chuyển hơn 60 tượng nhưng bị trầy xước, hư hỏng nhiều.

Những bức tượng gây xôn xao dư luận được Liên Minh Group mua lại của khu du lịch Đại Nam.
 Một bức tượng bị bong tróc.

Trong thông tin phát đi, ông Phúc khẳng định, những bức tượng gây xôn xao dư luận tại khu du lịch thuộc Liên Minh Group quản lý là mô phỏng lại quân lính người Việt chứ không phải lính Trung Quốc. Cụ thể, những bức tượng này mô phỏng tượng lính Việt xưa có họa tiết Đông Sơn hoa văn gốc tích của người Việt trên áo giáp và binh khí (hình chim hạc). Hoàn toàn không phải như cộng đồng mạng thêu dệt thị phi.

Lãnh đạo Liên Minh Group cũng yêu cầu toàn thể cán bộ, nhân viên công ty nghiêm túc quán triệt tư tưởng và nhắc nhở tất cả mọi người không ai được phép lên mạng đôi co, chửi bới...

Thông tin thêm về nguồn gốc “đội quân đất nung”, ông Huỳnh Uy Dũng, chủ Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) khẳng định những bức tượng mà dư luận cho là giống tượng lính thời Tần Thuỷ Hoàng là do ông thuê người đúc, sơn phết. Sau này do không sử dụng nên ông cho bạn bè. Hơn 200 pho tượng còn lại ông Dũng bán cho ông Ngô Quang Phúc với giá 1 triệu đồng/tượng.

 
Theo lãnh đạo khu du lịch Đại Nam và Liên Minh Group, trên khiên có biểu tượng hoa văn như trên trống đồng Đông Sơn, mang truyền thống, văn hóa dân tộc Việt Nam.

“Những hình ảnh đều cho thấy đây thực sự là người lính thời xưa mặc áo giáp. Do những người lính trước đây đều sử dụng cung tên nên phía trước có tam khiên, phía trên có biểu tượng hoa văn tương tự như trên trống đồng Đông Sơn, mang truyền thống, văn hóa dân tộc Việt Nam”, ông Dũng giải thích.

Trung Kiên - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bến đò Tùng Luật: Biểu tượng một thời của “đất lửa, lũy thép” Vĩnh Linh

Tùng Luật vốn là một bến sông bình yên nhìn ra dòng Bến Hải đầy thơ mộng. Thế nhưng, trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, nơi đây đã chứng kiến trọn vẹn nỗi đau chia cắt hai miền, chứa đựng biết bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Quá khứ hào hùng, bi tráng đã biến Bến đò B trở thành biểu tượng cho tinh thần quật cường của quân và dân “Lũy thép Vĩnh Linh” anh hùng.

Tăng cường phòng, chống dịch ở cơ sở thờ tự

Đã thành truyền thống, lễ Vu Lan rằm tháng Bảy hằng năm là dịp người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thường đến các cơ sở thờ tự làm lễ. Năm nay, lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở thờ tự trên địa bàn Hà Nội đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trong cộng đồng nhưng vẫn giữ vẹn nguyên tính hướng thiện, an lành của mùa lễ nhiều ý nghĩa.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/yeu-cau-dua-doi-quan-dat-nung-giong-linh-tan-thuy-hoang-ve-noi-san-xuat-20200901092116874.htm