Làm gì để tiếp sức doanh nghiệp du lịch?

09/06/2021 10:23

Kinhte&Xahoi “Lần bùng phát dịch Covid-19 thứ tư đang khiến cho hoạt động của doanh nghiệp du lịch rơi xuống đáy. Với tình trạng này, dự báo, số doanh nghiệp xác định dứt bỏ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch sẽ rất lớn”, ông Nguyễn Công Hoan - Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ.

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp du lịch kiệt sức do Covid-19. (Ảnh minh họa)

Những “thành trì thép” chao đảo

Thời điểm cuối tháng 3, ngành du lịch hào hứng với câu chuyện “hộ chiếu vắc xin” và kỳ vọng vào đợt khách mới trong dịp nghỉ lễ và du lịch hè. Nhưng, đợt dịch Covid-19 một lần nữa khiến sức kháng cự của ngành du lịch gần như đuối hẳn.

Ông Từ Quý Thành - Giám đốc Công ty Lien Bang Travel - chia sẻ: “Giờ hỏi người làm du lịch có khỏe không thì đúng là chẳng biết trả lời sao. Mười mấy tháng qua chỉ cầm cự, giờ lai rai bán combo, tư vấn cho một số khách từ nước ngoài về Việt Nam có nhu cầu đặt vé máy bay, làm thủ tục, công văn, tìm khách sạn cách ly… để giảm lỗ. Vốn liếng lớn nhất là nguồn nhân lực cũng đã phải cắt dần từ 70% xuống 50%, bây giờ chỉ còn khoảng 20%, cố gắng cầm cự để giữ thương hiệu”.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2021, số lượng DN, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động trên địa bàn Hà Nội ước khoảng 95%; đã có 267/1.191 DN lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động; 11/103 DN lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh; số lao động nghỉ việc, khoảng 90% tổng số lao động DN đại lý lữ hành, tương đương 12.168 người chấm dứt hợp đồng lao động.

Trên thực tế, dù đợt dịch lần này không tác động đến nhiều DN lữ hành như những lần trước vì nhiều công ty đã đóng cửa, chưa “tái hòa nhập,” nhưng mức độ thiệt hại và hệ lụy của nó đối với những công ty còn tồn tại lại lớn hơn rất nhiều. Một số DN đã dùng tất cả nguồn lực cuối cùng để tranh thủ cơ hội, thậm chí có những DN huy động thêm các nguồn lực khác để đầu tư cho dịch vụ, sản phẩm du lịch. Thời điểm này, dịch bệnh trở lại khiến tinh thần, niềm tin và kỳ vọng của DN giảm xuống rất thấp. Nhiều người lo lắng không biết Covid-19 còn dai dẳng đến lúc nào.

Hỗ trợ thuế vẫn chưa đủ

Hiện nay, các phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng đang gặp những “chỗ khó”. Nhiều ý

kiến cho rằng, hỗ trợ thuế của Nhà nước thời điểm này là “không có ý nghĩa” vì DN không có doanh thu. Mặt khác, hỗ trợ trả lương cho người lao động thì chưa biết đến khi nào du lịch mới phục hồi trong khi chính sách hỗ trợ phải xác định được thời điểm bắt đầu và kết thúc. Cùng với đó, nếu thời gian qua Nhà nước hỗ trợ trả lương cho nhân viên, vô hình trung sẽ tạo sức ỳ cho nhân sự ngành.

Nhiều chuyên gia đồng tình rằng, việc “chảy máu nhân lực” đang là vấn đề nguy cấp của du lịch. Nhà nước cần nghiên cứu chính sách khuyến khích những ngành sản xuất kinh doanh phù hợp tạo ra nhiều việc làm mới cho nhân sự ngành du lịch chuyển sang hay các DN du lịch chuyển sang đầu tư nhằm duy trì hoạt động và giải quyết việc làm cho người lao động; cần có quỹ hỗ trợ, chương trình ưu đãi lãi suất cho các DN du lịch với những khoản vay đầu tư lĩnh vực mới tiềm năng trên cơ sở đánh giá, thẩm định tính khả thi hiệu quả của dự án.

Nhà nước cũng nên có cơ chế khuyến khích các DN không thuộc ngành du lịch sử dụng nhân sự của ngành kinh tế xanh. Bởi, nhân sự ngành du lịch có nhiều kỹ năng mềm về marketing (tiếp thị), bán hàng, phiên dịch; đồng thời, thành lập, đầu tư cho bộ phận nghiên cứu đánh giá thị trường du lịch với các nhiệm vụ dự báo khi nào du lịch có thể phục hồi; thị trường nào phục hồi trước, phục hồi sau; những dòng sản phẩm nào sẽ tương ứng với mỗi thị trường trong thời gian tới.

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết: “Thời điểm này hầu hết doanh nghiệp đã cạn lực. Vì thế để hoạt động du lịch sớm được “hồi sinh,” một mặt các doanh nghiệp phải tìm mọi cách giữ chân người lao động, mặt khác rất cần được Chính phủ tiếp sức về tài chính đồng thời có chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp để họ không bỏ ngành”.

Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường liên kết chặt chẽ hơn, phối hợp với nhau trong việc đào tạo, duy trì và giữ chân nguồn nhân lực hiện nay. Điển hình, vừa qua 6 doanh nghiệp du lịch đã chung tay, liên kết thành lập Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế đầu tiên tại Hà Nội - Prato (Practical Tourism).

 Hà Trang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khám phá Tết Đoan Ngọ xưa và nay

Sau rất nhiều năm nghiên cứu, lối sống, sinh hoạt ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) ở cung đình Thăng Long dần lộ diện. Để tăng cường các sản phẩm du lịch đến với du khách, vào dịp đón Tết Đoan Ngọ năm nay, từ ngày 10/6, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ giới thiệu đến du khách một số nghi lễ như lễ dâng hương tổ tiên, lễ ban quạt trong cung đình… với chủ đề “Tết Đoan Ngọ xưa và nay - Gió lành Đoan Dương”.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/lam-gi-de-tiep-suc-doanh-nghiep-du-lich-d157766.html