Liệu có gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió?

10/11/2021 09:53

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng: Việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT là không hợp lý...!

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong 2 ngày 8-9/11, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội, thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Về đề xuất gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương chia sẻ với những khó khăn của các chủ đầu tư và các địa phương có dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, giá FIT là cơ chế giá hỗ trợ của Nhà nước, chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư. Việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá fit là không hợp lý, bởi không đúng với bản chất có thời hạn của chính sách hỗ trợ, gây bất bình đẳng với các dự án cùng cơ chế nhưng đã thực hiện đúng tiến độ.

Theo Bộ trưởng, hiện giá đầu vào các vật tư, nguyên liệu, thiết bị trong lĩnh vực điện gió giảm hơn so với thời điểm ban hành chính sách và tiếp tục có xu hướng giảm mạnh. Nếu kéo dài thời gian hưởng chính sách này có thể sẽ gây ra hậu quả về pháp lý, gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước và các đối tượng sử dụng điện.

Ngoài ra, trong quá trình lấy ý kiến các nội dung trên, Bộ Công Thương không nhận được sự thống nhất của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan. Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo quyết định của Chính phủ quy định về phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời theo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó, điểm cốt yếu là cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá điện.

Các nhà đầu tư sẽ đàm phán với EVN trong khung giá do Bộ Công thương ban hành, các dự án dở dang sẽ được xem xét, giải quyết trong điều khoản chuyển tiếp của dự thảo quyết định nêu trên. Đồng thời, Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng khung giá điện gió, điện mặt trời làm căn cứ cho nhà đầu tư đàm phán với EVN trong thời gian tới.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa - Dự án điện gió Phong Liệu (Quảng Trị) đã COD xong 24 MW, tính đến 22/10. Ảnh: Trần Trung

Về đề nghị quan tâm đến tỉnh Ninh Thuận và một số địa phương trong khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển các nguồn điện, Bộ trưởng cho biết, phát triển năng lượng tái tạo đang được xem là cơ hội khai thác tiềm năng, lợi thế và tăng thu ngân sách cho một số địa phương, tuy nhiên năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vẫn có giá thành cao, chưa phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng sử dụng điện ở Việt Nam. Ở nước ta hiện nay, những nơi có tiềm năng tốt để phát triển các loại hình điện năng lại là nơi có phụ tải thấp. Điển hình như Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, phụ tải chỉ chiếm khoảng 4% đến 10% khả năng cung ứng về nguồn. Trong khi miền Bắc phụ tải luôn tăng mà nguồn vẫn chỉ ở ngưỡng thấp so với nhu cầu.

Việc phát triển quá nóng các nguồn điện trong thời gian vừa qua ở một vài địa phương đã khiến cho hệ thống truyền tải điện không thể đáp ứng, không huy động hết công suất của các nhà máy hiện có, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Việc xây dựng thêm các đường dây truyền tải cao áp, siêu cao áp, kết nối liên vùng khiến chi phí sản xuất tăng cao, làm gia tăng giá thành điện năng. Việc mở rộng quy mô, nâng cấp giữa các dự án nhà máy điện, nhất là thủy điện cũng cần được cân nhắc, tính toán thật kỹ, bởi điều đó tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố khí hậu, kết cấu địa chất và các điều kiện tự nhiên, xã hội khác.

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với tỉnh Ninh Thuận trong phát triển các dự án điện trên địa bàn. Theo đó về quy hoạch đã bổ sung thêm gần 24% công suất nguồn điện so với trước thời điểm dừng dự án điện hạt nhân. Một số đề xuất của tỉnh về phát triển năng lượng tái tạo, Bộ đã và sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trong mặt bằng chung của cả nước, trình Chính phủ xem xét quyết định. Trong giai đoạn tới, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ tỉnh trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo năng lượng sạch trong tương lai.

Hiểu ngắn gọn là FiT là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện. Quy định mức giá mua điện cụ thể cho từng loại công nghệ khác nhau (gió, mặt trời, sinh khối…) sao cho đảm bảo các nhà đầu tư có lợi nhuận.
 

 Chí Nhân - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Huy động nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa

Ngày 5/11, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Hà Nội sau đợt giám sát thực tế các địa phương về việc thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND TP về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/lieu-co-gia-han-thoi-gian-ap-dung-co-che-gia-fit-cho-cac-du-an-dien-gio-d170393.html