Lồng đèn thủ công truyền thống đang “hồi sinh”

20/09/2018 08:38

Kinhte&Xahoi Có một thời, lồng đèn thủ công truyền thống dường như hoàn toàn mất dạng, lép vế trước lồng đèn điện tử xuất xứ Trung Quốc đủ màu sắc, chức năng thu hút con trẻ. Thế nhưng, trong vòng 2 mùa Trung thu gần đây, với sự nỗ lực của các bậc phụ huynh, lồng đèn thủ công đang dần trở lại với trẻ thơ ở TP mang tên Bác.

Xóm lồng đèn lại tấp nập 

Hai năm trở lại đây, xóm lồng đèn Phú Bình (quận 11) dường như đã bắt đầu quay lại cái thời nhộn nhịp làm đèn lồng như thuở lồng đèn điện tử Trung Quốc còn chưa tràn ngập thị trường. Ra đời cách đây gần 6 thập kỉ, xóm lồng đèn Phú Bình được coi là nơi sinh ra những chiếc lồng đèn dán giấy xanh, đỏ truyền thống để bán khắp Sài Gòn mỗi dịp Trung thu hoặc Noel.

Tuy nhiên, cách đây gần chục năm trở lại, xóm bắt đầu đìu hiu đi do người dân ngày càng ít ưa chuộng lồng đèn truyền thống, thay vào đó là lồng đèn điện tử chạy pin đủ màu sắc, tiện lợi, xài được nhiều mùa. Tưởng như xóm lồng đèn, cùng số phận với nhiều làng nghề thủ công khác ở Sài Gòn, sẽ dần thu hẹp và biến mất, nhưng hai năm gần đây, tình hình bỗng khởi sắc khi nhiều phụ huynh bắt đầu mong muốn cho con trở lại chơi lồng đèn giấy dán truyền thống.

Lồng đèn giấy kiếng hình các nhân vật hoạt hình được bày bán cho mùa Trung thu năm nay.

Anh Hạnh, một gia đình làm lồng đèn ở xóm Phú Bình chia sẻ, hai năm gần đây, mùa Trung thu xóm bán trên 1.000 chiếc lồng đèn mỗi ngày. Những thợ thủ công của xóm có nhà làm không kịp để bán cho các tiệm lồng đèn ở quận 5 và các tiệm bán đèn lồng thủ công trên mạng.

Đáng mừng nhất là nhiều phụ huynh từ các quận xa cũng đưa con chạy đến tận nơi để đặt lồng đèn, cho con chọn mẫu và chịu khó giải thích cho con nghe về lồng đèn thủ công truyền thống gắn liền với Tết Trung thu.

Anh Thịnh, một hộ làm lồng đèn khác thì chia sẻ, gia đình anh có nhận được hai đơn hàng từ các trường tiểu học làm tới hàng ngàn cái để tặng cho các học sinh trong trường. Cạnh đó, các mạnh thường quân cũng đặt số lượng lớn lồng đèn giấy dán cho các bé ở trại mồ côi, điều này làm anh thấy rất vui.

Một điều có thể nhận thấy là những năm gần đây, để cạnh tranh với lồng đèn điện tử và các loại lồng đèn ngoại nhập, lồng đèn thủ công truyền thống đã được những người thợ chịu khó trau chuốt và “nâng cấp” để hợp thời hơn. Ngoài các mẫu truyền thống như ngôi sao năm cánh, các con vật thì còn có thêm các nhân vật hoạt hình được ưa chuộng cho các bé như Doraemon, mèo Kitty, Minion…

Cạnh đó, còn có các loại lồng đèn “khủng” to gấp 3, gấp 5 lần lồng đèn thông thường, được làm tinh tế, màu sắc đẹp như lồng đèn phượng hoàng, lồng đèn lân, lồng đèn chim công… dùng để treo trang trí trong nhà, có thể thắp bên trong hàng chục ngọn nến trông rất lộng lẫy.

“Nói không” với lồng đèn pin không rõ nguồn gốc

Thời điểm này, trên mạng xã hội, các bậc phụ huynh cũng kêu gọi nhau “nói không” với lồng đèn điện tử để cho con quay lại với lồng đèn truyền thống Việt. Chị Minh Thy, ngụ quận 3, TP HCM chia sẻ, con trai 5 tuổi của chị xem một chương trình trên ti vi giới thiệu về lồng đèn kéo quân nên rất thích thú. Anh chị tìm mãi thấy trên mạng có bán lồng đèn kéo quân giao tận nơi, nhưng muốn chắc ăn đó là sản phẩm thủ công, đúng kiểu lồng đèn kéo quân truyền thống nên hai vợ chồng chị đã chạy đến quận Tân Phú để xem mặt hàng rồi mới mua về cho con chơi.

Hình ảnh chiếc lồng đèn kéo quân truyền thống lung linh đẹp mắt được chị Thy đăng tải trên trang cá nhân đã thu hút nhiều bạn bè hỏi địa chỉ để mua về cho con chơi Trung thu.

Cạnh lồng đèn thuần thủ công truyền thống, một số loại lồng đèn thủ công cách tân cũng đang được phụ huynh chọn cho con. Đó là lồng đèn giấy mô hình, hoặc lồng đèn ráp giấy thông minh. Các loại lồng đèn này có giá từ vài chục đến hàng trăm ngàn đồng một chiếc, với ưu điểm là màu sắc, hình ảnh đẹp mắt, có thể cho trẻ “vừa chơi vừa học hỏi” bằng việc tự lắp ráp cho mình chiếc lồng đèn từ nhiều mảnh giấy theo hướng dẫn.

Một số phụ huynh thì chọn cách tự tay làm lồng đèn cho con từ các video clip hướng dẫn cắt lồng đèn giấy. Nhiều phụ huynh còn “trở về với tuổi thơ” khi tận dụng các ống bơ, vỏ lon nước ngọt để làm cho con lồng đèn thủ công kiểu “con nhà nghèo” cách đây vài thập niên.

Có nhiều loại lồng đèn từ thủ công truyền thống đến thủ công hiện đại để các bậc phụ huynh chọn cho trẻ nhỏ có thể thay thế cho lồng đèn nhựa, chạy pin nguồn gốc không rõ ràng. Tại các cửa hàng, lồng đèn thủ công dán giấy xanh, đỏ đã được bày bán không ít cạnh lồng đèn chạy pin, đó là một dấu hiệu rất đáng mừng khi lồng đèn nhựa hiện đại đang dần dần thu hẹp thị phần, nhường chỗ cho lồng đèn chất liệu truyền thống. Dường như, những mùa Trung thu truyền thống, giản dị và vui vẻ của tuổi thơ xưa đang trở lại, bằng tấm lòng hoài cổ của các bậc cha mẹ hôm nay.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mẫu ảnh Nguyễn Thị Hương Linh bén duyên với điện ảnh

Ngoại hình sắc sảo và cá tính của Nguyễn Thị Hương Linh không trở thành rào cản ở những phân cảnh giàu cảm xúc. Trong những vai diễn khởi đầu cho nghiệp diễn người đẹp tuổi 19 đã khẳng định khả năng hóa thân có chiều sâu nội tâm và đầy xúc cảm, khi vào rất nhiều vai yếu ớt nhưng không yếu đuối. Dự định trong tương lai của Nguyễn Thị Hương Linh là tiếp tục được cọ sát với nhiều vai diễn khó và cũng như không ngừng học hỏi các đàn anh đàn chị để hoàn thiện mình hơn để đem đến cái nhìn khác cho khán giả về “cô gái sang ngang đa tài”.