Lựa chọn nhà thầu tại EVN SPC: Ai đứng sau những cuộc "thổi giá" gói thầu?

06/07/2020 14:26

Kinhte&Xahoi Hàng năm Tổng công ty điện lực miền Nam (EVN SPC) chi hàng ngàn tỷ đồng cho việc mua sắm… Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu những gói thầu do BQL đấu thầu thuộc EVN SPC, PV nhận thấy đó là tình trạng trúng thầu vượt giá. Đi liền với đó là nghi vấn về nhà thầu “ruột” của chủ đầu tư!? Việc làm này trái với Luật Đấu thầu, trực tiếp gây thất thu cho ngân sách. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về ông Lê Trường Vũ - Trưởng Ban quản lý đấu thầu.

Màn “thổi” giá gói thầu

Hàng năm, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó có EVN SPC chi hàng ngàn tỷ đồng cho việc mua sắm trang thiết bị, nâng cấp, sửa chữa, xây mới các công trình… phục vụ sản xuất kinh doanh. Vì EVN là DN thuộc nhà nước nên chi phí từ đầu tư từ vốn đầu tư công và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó có vốn vay ODA.

Qua phản ánh, xác minh của phóng viên nhận thấy, các gói thầu trúng vượt giá rơi vào trường hợp vay vốn ODA.

Trụ sở Tổng Cty điện lực Miền Nam

Đơn cử, gói thầu SPC- KfW3-W4: xây dựng và lắp đặt VTTB (vật tư thiết bị) công trình: đường dây 110kV Long Mỹ – Mỹ Tú. Dự án thành phần 3: Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ khu vực miền Nam vay vốn ODA của chính phủ Đức. Được biết, gói thầu này có giá phê duyệt dự toán là 21.706.985.041 đồng đã bao gồm thuế VAT. Sau đó được điều chỉnh lên đến gần 25 tỉ.

Qua điều tra, mức điều chỉnh gần 4 tỷ đồng như gói thầu trên chưa phải là con số đạt “đỉnh” của BQL đấu thầu thuộc EVN SPC.

Tại gói thầu SPC-KfW3-W7 Xây dựng và lắp đặt VTTB công trình trạm 110kv Trà Cú, đường dây 110kv Cầu Kè, Trà Cú, Duyên Hải tỉnh Trà Vinh. Dự án thành phần 3: Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ khu vực Miền Nam. Vay vốn ODA của chính phủ Đức có giá trị dự toán được phê duyệt là 62.471.707.888 đồng đã bao gồm thuế VAT. Nhưng sau đó được “hô biến” lên đến 71,1 tỉ.

Tìm hiểu cho thấy, qua những gói thầu “lộ” những con số khó hiểu như trên là sự xuất hiện của một chuỗi nghi vấn, mà qua đó dư luận đặt câu hỏi về “nhóm” lợi ích chia chác những gói thầu “béo bở” tại EVN SPC? Theo đó, các gói thầu trên chỉ có duy nhất 02 nhà thầu trúng, đó là Công ty CP xây lắp điện Cần Thơ và Công ty CP bê tông li tâm Nha Trang. Cần biết, đây là những gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi.

Việc các gói thầu chỉ có một đơn vị “quân xanh” nộp hồ sơ thì việc trúng thầu là điều dễ hiểu. Tiếp sau đó là “chiêu” xin điều chỉnh giá vượt thầu? “Kịch bản” khép kín này sẽ có lợi cho tất cả các bên!? Được biết, người đứng đầu BQL đấu thầu thuộc EVN SPC là ông Lê Trường Vũ.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc

Việc xuất hiện gói thầu có giá chào thầu thấp, sau đó điều chỉnh giá trúng thầu, được các chuyên giá đấu thầu lý giải đó có thể là “chiêu” của bên mời thầu nhằm đánh vào tâm lý các nhà thầu không tham gia vì lợi nhuận kinh tế thấp. Sau khi nhà thầu “ruột” vào cuộc sẽ là màn “thổi” giá gói thầu.

Ví như, tại gói thầu SPC-KfW3-W7 Xây dựng và lắp đặt VTTB công trình trạm 110kv Trà Cú, đường dây 110kv Cầu Kè, Trà Cú, Duyên Hải tỉnh Trà Vinh. Dự án thành phần 3: Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ khu vực Miền Nam, mức giá tăng từ 62.471.707.888 đồng lên hơn 71,1 tỷ đồng, tức là tăng hơn 10%.

Nhân viên điện lực đang kiểm tra đường dây (ảnh minh hoạ)

Luật sư Bùi Quang Thu, một chuyên giá pháp lý về đấu thầu cho hay:  “Theo Khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu quy định: Nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: a) Có hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hợp lệ; b) Có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu; c) Có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu; d) Có sai lệch thiếu không quá 10% giá dự thầu; đ) Có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất đối với phương pháp giá thấp nhất; có giá đánh giá thấp nhất đối với phương pháp giá đánh giá; có điểm tổng hợp cao nhất đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá; e) Có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt.”

“Trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu và tổ chức đấu thầu lại”, luật sư Bùi Quang Thu nhấn mạnh.

Dư luận nghi ngại tại sao có những gói thầu mức điều chỉnh giá tăng hơn 10% nhưng bên mời thầu/chủ đầu tư không tổ chức đấu thầu lại? Ban quản lý đầu thầu đưa ra mức giá ban đầu rất thấp, đột ngột thay đổi? Tại sao các gói thầu này lại rơi vào trường hợp vốn vay quốc tế? Có hay không việc Trưởng ban quản lý đấu thầu thuộc EVN SPC “bắt tay ngầm” với nhà thầu để “thổi giá” những con số tiền tỷ? Chính những nghi vấn tiêu cực về đấu thầu như như trên rất cần được các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Theo luật sư Bùi Quang Thu hành vi làm thất thoát tài sản của nhà nước, với số tiền rất lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi này, có thể cấu thành một số tội như : Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, được quy định tại Điều 144 Bộ luật Hình sự 1999 . 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trải nghiệm "đệ nhất hùng quan" Mã Pí Lèng

Bỏ qua những vụ lùm xùm liên quan đến danh thắng Mã Pí Lèng thời gian gần đây như xây biệt phủ trái phép trên đỉnh đèo, rồi du khách chụp ảnh khỏa thân tự sướng đội lốt bảo vệ môi trường… Mã Pí Lèng vẫn là đệ nhất hùng quan say lòng các nhà nghiên cứu và du khách…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dau-thau/lua-chon-nha-thau-tai-evn-spc-ai-dung-sau-nhung-cuoc-thoi-gia-goi-thau-d128747.html