Mệnh lệnh từ trái tim của người chiến sĩ phòng cháy chữa cháy

18/08/2022 11:32

Kinhte&Xahoi “Trước ngọn lửa dữ, mình và đồng đội chẳng có đủ thời gian để nghĩ gì, ngoài việc làm thế nào tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn được các nạn nhân, đưa họ ra ngoài nhanh, an toàn nhất. Đó là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi chiến sĩ công an như mình”.

Đó là tâm sự của Thượng úy Nguyễn Viết Quân, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khi mở đầu câu chuyện bén duyên với nghề.

Vào biển lửa cứu người

 Tốt nghiệp THPT, năm 2011, theo tiếng gọi của Tổ quốc Thượng úy Quân lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự. Khi đó, anh được phân công về Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an quận Hoàn Kiếm. Ba năm trong quân ngũ giúp anh rèn luyện, trưởng thành hơn. Đặc biệt, tình yêu với nghề cứ lớn dần lên trong anh. Vì thế, hết thời gian nghĩa vụ, anh thi đỗ hệ trung cấp tại Đại học Phòng cháy chữa cháy.

Thượng úy Nguyễn Viết Quân cứu được nạn nhân và đưa ra khỏi đám cháy

Ra trường, anh tiếp tục được điều về Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an quận Hoàn Kiếm làm việc. Hơn 11 năm đứng trong hàng ngũ lực lượng Công an Nhân dân và cũng chừng đó thời gian Thượng úy Nguyễn Viết Quân gắn bó với công việc, nhiệm vụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Trong suốt 11 năm qua, rất nhiều những vụ cháy lớn đã được anh và đồng đội tham gia dập tắt, cứu hộ cứu nạn thành công.

Thượng úy Quân vẫn còn nhớ, đêm 17/7/2022, anh đang trực ở đơn vị cùng đồng đội thì khoảng 0h52’ ngày 18/7, tiếng chuông báo động của đơn vị réo vang. Tin báo cháy tại địa chỉ số 378 phố Phúc Tân (Hoàn Kiếm) nhanh chóng được Đại úy Trần Quốc Oai, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC thông báo, yêu cầu đơn vị khẩn trương di chuyển đến hiện trường để tham gia chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.

“Kể từ lúc nhận được tin báo cháy và di chuyển đến hiện trường vụ cháy có lẽ chỉ tính bằng giây bằng phút. Ngoài tổ chữa cháy, đơn vị còn bố trí một tổ công tác có nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn các nạn nhân. Mình nằm trong tổ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn”, Thượng úy Quân kể.

Trong khi đồng đội phun nước từ vòi rồng vào đám cháy thì Thượng úy Quân cùng với cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn bất chấp hiểm nguy lao vào đám cháy để tìm kiếm các nạn nhân. Lúc này, toàn bộ tầng 1 của ngôi nhà dường như bị ngọn lửa bao trùm. Ở phía trên tầng 2 và 3, tầng 4 của ngôi nhà, những tiếng hô hoán, kêu cứu của các nạn nhân cứ lịm dần, bởi khói, lửa đang xâm chiếm lên phía trên.

Anh và đồng đội không màng nguy hiểm luôn cố gắng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ nhanh nhất

Khói mù mịt, đêm hôm hệ thống điện bị chập, cháy. Bên cạnh đó, cầu thang của ngôi nhà làm bằng gỗ lại xoắn ốc càng khiến cho công tác tìm kiếm khó khăn. Thượng úy Quân cùng với đồng đội nhanh chóng mở toang những cửa sổ trên tầng 2 để khói đặc phía trong thoát bớt ra ngoài.

Những người trong căn nhà bị cháy dù đã chạy lên tầng 2, tầng 3 và 4 đồng thời đóng chặt cửa vào nhưng khói vẫn len vào bên trong, khiến họ bị sặc khói. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã khẩn trương dùng khăn ướt, làm biện pháp chống ngạt khói và nhanh chóng đưa mọi người ra ngoài an toàn.

Lúc này, trong ngôi nhà trên vẫn còn người. Tiếng kêu cứu yếu ới và hoảng loạn càng thôi thúc Thượng úy Quân cùng đồng đội chạy đua với giặc lửa, với khói độc lao lên tầng thượng tìm kiếm. Trên tầng thượng của ngôi nhà, ông Đỗ Đức Kiện lúc này bị lửa trùm lên người, bỏng nặng. Khói khiến ông dần ngất lịm đi. Nếu không được sơ cứu kịp thời thì cho dù có đưa được ông Kiện xuống phía dưới thì nạn nhân cũng sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Thượng úy Nguyễn Viết Quân dạy các em nhỏ kỹ năng chữa cháy

“Mình đã cố gắng làm nhiều biện pháp, giằng giật sự sống lại cho nạn nhân. Khi hơi thở của ông Kiện đã được kéo trở lại, nhịp tim dần đập bình thường, mình nhanh chóng xốc người bị nạn lên lưng, trùm chăn ướt kín người nạn nhân và đưa xuống phía dưới”, Thượng úy Quân chia sẻ.

Từng thoát chết trong gang tấc

 Bằng sự mưu trí, dũng cảm, với nỗ lực, quyết tâm cao nhất, trong vụ cháy ở Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) Thượng úy Quân và đồng đội, có sự giúp sức của người dân đã đưa được 4 nạn nhân thoát khỏi bàn tay của “tử thần”. Hôm đó, các anh cũng có một đêm thức trắng chiến đấu với giặc lửa để bảo vệ tính mạng, tài sản cho Nhân dân.

Thượng úy Quân chia sẻ, mọi người vẫn nói nghề phòng cháy chữa cháy là “mọi người chạy ra thì các anh phải lao vào”, bản thân anh từng thoát chết trong gang tấc nhưng mỗi lần lên đường làm nhiệm vụ, anh chưa bao giờ nao núng tinh thần. Khi đó, anh và đồng đội chỉ có một tâm niệm duy nhất, phải làm sao cứu được người, dập đám cháy nhanh nhất.

Ngoài hoạt động chuyên môn anh dành nhiều thời gian tham gia công tác Đoàn

Kể về lần thoát chết trong gang tấc, Thượng úy Quân cho biết đó là khi anh và đồng đội tham gia chữa cháy tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô (đường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khu vực sân khấu bị lửa thiêu dụi, anh cùng 6 cán bộ, chiến sĩ khác lao vào phun nước dậy lửa. Bức tường chịu nhiệt nóng khi gặp nước gây ra tiếng nứt lách tách rồi đổ ập xuống.

“Khi nghe tiếng nứt lách tách, mình cùng đồng đội tìm cách thoát ra ngoài. Mình là người chạy cuối cùng, khi vừa rút chân ra khỏi cửa thì bức tường đổ sập xuống. Mình đã thoát chết trong gang tấc. Sau lần đó, bạn bè, đồng đội vẫn đùa vui với mình “Các cụ gánh hộ còng lưng”, Thượng úy Quân tâm sự.

Theo Thượng úy Quân, đặc thù nghề nghiệp không cho phép các anh nấn ná với thời gian bởi lý do khi xảy ra cháy, người chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải tranh thủ từng giây từng phút chạy đua với thời gian để đến hiện trường nhanh nhất, kịp thời khống chế ngọn lửa, tìm kiếm, đưa người bị nạn ra ngoài an toàn.

Nhiều người từng hỏi Thượng úy Quân, khi lao vào biển lửa cứu người, cứu tài sản cho dân anh nghĩ gì? Khi đó, anh cười hiền nói: “Mình chẳng kịp nghĩ gì cả. Lúc ấy, chỉ mong sao lao vào lửa tìm kiếm được người bị nạn để đưa họ ra ngoài an toàn một cách nhanh nhất”.

Ngọn lửa quá hung dữ và như một phản xạ tự nhiên, một mệnh lệnh của trái tim, những người Cảnh sát phòng cháy chữa cháy như Thượng úy Quân sẵn sàng hy sinh cả bản thân để bảo vệ tài sản, tính mạng và sự bình yên cho Nhân dân.

Nguyễn Dũng - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Se sẽ thu về…

Tờ lịch treo tường báo tiết Lập thu đã được mươi hôm nhưng thu không như hạ, cũng chẳng giống mùa đông, đã đến là ồn ào, hầm hập nóng hoặc rét buốt tái tê. Thu về se sẽ. Nhẹ đến nỗi, nếu chẳng nhìn vào hóa đơn tiền điện, chẳng khẽ so vai khi có việc đi ra ngoài đường vào sáng sớm khi trời vẫn còn đang trong xanh thì có lẽ ít người nhận ra Hà Nội đã thật sự thu rồi.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/menh-lenh-tu-trai-tim-cua-nguoi-chien-si-phong-chay-chua-chay-203790.html