Miền Trung: Gần 1 nghìn trường học tổ chức khai giảng muộn

07/09/2019 10:39

Kinhte&Xahoi Mưa lũ tại khu vực miền Trung thời gian qua khiến 3 người chết, 1 người mất tích. 67 nhà bị hư hại, 15.279 nhà bị ngập nước. Ngoài ra hàng chục nghìn hecta hoa màu, diện tích cây ăn quả của người dân bị ngập úng, 360 điểm đường quốc lộ bị sạt lở, hư hỏng.

Mưa lũ gây ngập úng tại xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh trong mấy ngày qua.

Sáng 7/9, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, theo số liệu quan trắc cho thấy, từ 19h ngày 6/9 đến 7h ngày 7/9, các khu vực trên cả nước không mưa hoặc lượng mưa nhỏ không đáng kể, phổ biến dưới 10mm.

Trong khi đó, tổng lượng mưa trong 3 ngày qua (19h ngày 3/9 đến 19h ngày 6/9) ghi nhận: Các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa to (tập trung chủ yếu vào ngày 4-5/9), lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, một số trạm mưa lớn hơn như: Vinh (Nghệ An): 442mm; Hà Tĩnh (Hà Tĩnh): 535mm; Hương Khê (Hà Tĩnh): 430mm; Mai Hóa (Quảng Bình): 627mm; Khe Sanh (Quảng Trị): 438mm...

Từ 19h ngày 5/9 đến 19h ngày 6/9, các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa, mưa vừa, lượng mưa phổ biến từ 20-30mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Mường Tè (Lai Châu): 41mm; Nậm Mức (Điện Biện): 58mm; Mộc Châu (Sơn La) 50mm.

Với diễn biến thời tiết trên, hiện cơ bản không còn nhà dân bị ngập nước tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Ở Hà Tĩnh, còn 897 nhà/8 xã của huyện Hương Khê bị ngập sâu khoảng 1 m (các xã Hương Thủy, Hương Giang, Phúc Đồng, Hà Linh, Hòa Hải, Phương Điền, Phương Mỹ, Gia Phố).

Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo trung ương Phòng chống thiên tai tổng kết, mưa lũ tại khu vực miền Trung thời gian qua khiến 3 người chết, 1 người mất tích. 67 nhà bị hư hại, 15.279 nhà bị ngập nước. Ngoài ra hàng chục nghìn hecta hoa màu, diện tích cây ăn quả của người dân bị ngập úng, 360 điểm đường quốc lộ bị sạt lở, hư hỏng.

Trước thiệt hại nặng nề do thiên tai, ngày 6/9 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định hỗ trợ 2.000 tấn gạo cho Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Ban chỉ đạo trung ương Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường, tiếp cận các khu vực bị ngập, chia cắt, chỉ đạo tổ chức cứu trợ nước, lương thực, thực phẩm. Tổ chức các đoàn công tác trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân.

Đặc biệt đã chỉ đạo khai giảng năm học mới cho 928 trường (Nghệ An: 183, Hà Tĩnh: 323, Quảng Bình: 239, Quảng Trị: 173, Thừa Thiên Huế: 10) bị ảnh hưởng lũ chưa tổ chức khai giảng.

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo trung ương Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; Đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là các khu vực bị ngập nước, đề phòng tai nạn do điện; học sinh tới trường;

Kiểm tra, tổ chức cứu trợ nước uống, lương thực, thực phẩm kịp thời khi có yêu cầu, không để người dân bị đói; Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục nhà cửa, vệ sinh môi trường ngay khi lũ rút, phòng chống dịch bệnh; thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khôi phục sản xuất;

Khẩn trương tổ chức xử lý các sự cố sạt lở đất, thông tuyến giao thông; Kiểm tra, đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa, đê điều, công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội rộn ràng khai mạc Tết Trung Thu truyền thống 2019

Tối 6/9/2019, tại phố Bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã khai mạc Tết Trung Thu truyền thống năm 2019, với nhiều hoạt động trưng bày, tương tác tại các điểm di tích trong khu Phố cổ Hà Nội.

Báo động tình trạng xâm hại di tích khảo cổ

Khoảng 90% số lượng di tích được thống kê đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Nhiều di tích chỉ còn trên giấy; số lượng các nhà khảo cổ học cực kỳ ít ỏi; sự thiếu kinh phí khảo sát, khai quật, thiếu kinh phí chỉnh lý, thiếu kinh phí phân tích mẫu, mua sắm, thiếu trang thiết bị hiện đại, thiếu kinh phí công bố, thiếu kinh phí bảo tồn di sản khảo cổ học… Đó là những thực tế đã được các nhà khảo cổ học chỉ ra.

Theo Kinh tế Đô thị/ Pháp luật Plus