Mô hình “Gia đình an toàn Covid-19” góp phần đẩy lùi dịch Covid-19

05/09/2021 10:30

Kinhte&Xahoi Nhằm thực hiện quyết liệt, triệt để, nghiêm túc, có hiệu quả thực chất việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ và thành phố Hà Nội, nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã triển khai mô hình “Gia đình an toàn Covid-19”. Sau thời gian ngắn triển khai, mô hình này đã nhận được sự đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

An toàn từ mỗi gia đình

Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng như hạn chế lượng người và phương tiện ra đường trong những ngày giãn cách xã hội, quận Hai Bà Trưng là địa phương đầu tiên của Hà Nội đã phát bản đăng ký và cam kết thực hiện “Gia đình an toàn Covid-19” tới hơn 82.690 hộ gia đình. Bản cam kết gồm 3 bên: Tổ trưởng tổ dân phố, lãnh đạo UBND phường và đại diện hộ gia đình, vừa ngắn gọn nhưng dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo.

Mục đích của việc ký cam kết là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống dịch. Theo đó, các gia đình thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt, chấp hành nghiêm thông điệp 5K ở mọi lúc, mọi nơi; tự theo dõi sức khỏe hằng ngày các thành viên trong gia đình. Người dân cam kết tự giác ở nhà sau giờ làm việc, học tập, hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài; không đến nhà người khác và không cho người khác vào nhà nếu không có việc thật sự cần thiết; tuyệt đối không tụ tập đông người tại gia đình, bên ngoài cộng đồng, không đi đến vùng có dịch…

Phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng triển khai ký cam kết ‘‘Gia đình an toàn Covid-19’’ tới các hộ gia đình trên địa bàn. (Ảnh: Hoàng Anh)

Là người dân sống trên địa bàn Hai Bà Trưng, ông Nguyễn Xuân Thanh, phường Thanh Lương, luôn ý thức phòng dịch. Ông Thanh cho biết, việc đăng ký và cam kết thực hiện “Gia đình an toàn Covid-19” là hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Sau khi ký cam kết, các hộ gia đình sẽ có trách nhiệm hơn trong việc phòng, chống dịch cũng như hạn chế tối đa việc ra đường khi không có việc cần thiết trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Qua tìm hiểu được biết, phường Thanh Lương có 21 tổ dân phố, địa hình đan xen phức tạp, nên công tác kiểm soát, lập chốt chặn ban đầu gặp nhiều khó khăn do lượng người qua lại đông. Nếu như trước đây, mỗi ngày phường kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính khoảng 3 trường hợp/ngày thì nay, sau khi triển khai ký bản cam kết “Gia đình an toàn Covid-19”, số người bị kiểm tra giảm mạnh, có ngày lực lượng chức năng không phải xử phạt trường hợp nào.

Với bà Nguyễn Thị Tâm, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, việc đăng ký và cam kết thực hiện “Gia đình an toàn Covid-19” là rất ý nghĩa. Bà Tâm cho biết, với bản cam kết này, người dân phải tự giác ở nhà sau giờ làm việc/học tập, hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài; đồng thời, không đến nhà người khác và không cho người khác vào nhà nếu không có việc thật sự cần thiết.

Ngay sau khi phường Vĩnh Tuy triển khai, ông Bùi Công Hoan, Tổ trưởng Tổ dân phố số 7 đã đến 320 hộ gia đình để đưa bản đăng ký và cam kết “Gia đình an toàn Covid-19”. “Tất cả các hộ gia đình đều ký và đồng thuận thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Là thành viên của Tổ Covid cộng đồng, chúng tôi ghi nhận gần một tuần qua, sau khi người dân ký cam kết thì lượng người và phương tiện ra đường giảm rõ rệt, tình trạng vi phạm còn rất ít”, ông Hoan chia sẻ.

Người dân xã Phương Đình, huyện Đan Phượng ký cam kết thực hiện “Gia đình an toàn Covid-19”. (Ảnh: Đào Thắm)

Cũng nhằm thực hiện quyết liệt, triệt để, nghiêm túc, có hiệu quả thực chất việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ và thành phố Hà Nội, huyện Đan Phượng đã nhanh chóng triển khai mô hình “Gia đình an toàn Covid-19”. Trong đó, Phương Đình là một trong những xã đầu tiên của huyện Đan Phượng triển khai mô hình “Gia đình an toàn Covid-19”.

Ông Trần Minh Nhương, xã Phương Đình cho biết, ông đã nghỉ hưu, có tham gia một số hội và câu lạc bộ, tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là trong thời gian giãn cách, ông Nhương chỉ ở nhà không đi đâu. “Việc tổ chức ký cam kết “Gia đình an toàn Covid-19” không chỉ một cá nhân mà tất cả các thành viên trong gia đình đều phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế, gia đình tôi tận dụng thực phẩm của nhà để đỡ phải đi chợ nhiều, hạn chế tiếp xúc với mọi người”, ông Nhương cho biết.

Ông Phạm Văn Bắc, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Phương Đình thông tin, mô hình “Gia đình an toàn Covid-19” đã được 100% hộ dân của xã Phương Đình đồng thuận nhất trí cao. Trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hộ 3.343 hộ/ 3.343 hộ dân của xã Phương Đình đã ký bản cam kết chấp hành nghiêm mọi quy định về công tác phòng, chống Covid-19. “Chúng tôi xác định trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng cần phải triển khai công việc khẩn trương, nhanh chóng, đạt hiệu quả cao; cùng với việc ký cam kết địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu từng hộ gia đình ở trong nhà, không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, “ai ở đâu, ở đó”, ông Bắc cho hay.

Tạo chuyển biến rõ nét trong cộng đồng

Bà Vương Thị Liên, một người dân ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng cho biết gia đình bà có 10 thành viên. Trong thời gian giãn cách, các gia đình nhỏ cũng ở yên trong phòng, hạn chế việc tiếp xúc giữa các thành viên với nhau. Khi thấy thôn tổ chức ký cam kết “Gia đình an toàn Covid-19”, gia đình bà thấy hoàn toàn nhất trí với các nội dung và thấy đây là một việc làm ý nghĩa để các gia đình cùng thực hiện nghiêm túc giãn cách. Bà Liên cho biết: “Vợ chồng tôi thường xuyên nhắc nhở các con phải chấp hành nghiêm, tuyệt đối không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết; không giao lưu với hàng xóm trong thời gian giãn cách”.

Nhiều tuyến đường của xã Phương Đình, huyện Đan Phượng vắng hẳn bóng người sau khi triển khai mô hình “Gia đình an toàn Covid-19”. (Ảnh: Đào Thắm)

Sau khi ký cam kết, chị Nguyễn Hồng Mai, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng thường xuyên làm việc trực tuyến tại nhà thay vì đến cơ quan như trước đây. Sau mỗi giờ làm việc của chị và thời gian tự học của các con, mấy mẹ con cùng nhau quét dọn nhà cửa, chăm sóc cây cối, nấu ăn hoặc cùng đọc sách, chơi trò chơi. Dù không được ra ngoài như mọi khi, trẻ con cũng buồn chán nhưng chị luôn động viên các con ở trong nhà, hạn chế ra ngoài đường, tiếp xúc với người khác. Bản thân chị mỗi tuần chỉ đi chợ một lần, mọi công việc không cần thiết đều gác lại. Bởi chị ý thức việc ký cam kết là phải thực hiện nghiêm để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch của phường, quận và cả Thành phố.

Chị Mai chia sẻ, mỗi ngày, nhìn số người lây nhiễm tại các tỉnh, thành phía Nam liên tục tăng, chị rất lo lắng, ngay cả Hà Nội cũng chưa biết khi nào sẽ khống chế được dịch. Điều cần thiết hiện nay là mỗi người, mỗi gia đình phải tự ý thức bảo vệ mình mới tránh được dịch bệnh lây lan.

Cũng như chị Mai, ông Nguyễn Văn Dũng, cùng trú tại phường Nguyễn Du cũng luôn có ý thức phòng dịch. “Khi chưa ký cam kết, hầu hết người dân đã chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Khi đặt bút ký vào bản cam kết rồi, mỗi thành viên trong gia đình càng hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình”, ông Dũng chia sẻ.

Sau khi triển khai mô hình “Gia đình an toàn Covid-19”, nhiều tuyến đường của quận Hai Bà Trưng lượng người và phương tiện ra đường giảm rõ rệt. (Ảnh: Đình Hiệp)

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du Dương Minh Đức cho biết, sau khi triển khai đến các tổ dân phố, toàn bộ 2.611 hộ dân trên địa bàn phường đăng ký và cam kết thực hiện. “Trước đây mỗi ngày, phường kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính khoảng 3 trường hợp/ngày thì nay số người bị kiểm tra giảm mạnh và chỉ xử phạt 1 trường hợp hoặc có ngày không xử phạt trường hợp nào”, ông Đức cho biết.

Được biết, mô hình “Gia đình an toàn Covid-19” mà quận Hai Bà Trưng là đơn vị đầu tiên triển khai đã được Ban Thường vụ Thành ủy khen ngợi và đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương khác trên địa bàn thành phố học tập, nhân rộng. Đây đồng thời cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng.

Phát huy hiệu quả của việc giãn cách xã hội

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng thôn An Sơn 1, xã Thượng Mỗ cho rằng, việc cam kết “Gia đình an toàn Covid-19” đã góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Với bản cam kết này, 100% người dân trong thôn đã tự giác ở nhà, từ bỏ thói quen nói chuyện, tiếp xúc với hàng xóm. Bà Thanh cũng cho biết, từ khi các hộ gia đình ký cam kết, lượng người và phương tiện đi ra ngoài đã giảm hẳn, chỉ trừ những trường hợp phải đi làm ở doanh nghiệp và công sở có giấy đi đường.

Thiếu tá Hoàng Xuân Khánh, Trưởng Công an xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết, trước đây khi chưa ký cam kết, thì địa bàn vẫn còn một số vi phạm, Công an xã đã xử lý một số trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, từ khi các hộ gia đình ký cam kết, người dân chấp hành nghiêm, không có trường hợp nào bị xử lý vi phạm vì ra ngoài không cần thiết.

Theo đại diện Lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng, đến thời điểm này, 16/16 xã thị trấn của huyện Đan Phượng đã triển khai mô hình “Gia đình an toàn Covid-19”. Các gia đình đều cam kết tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, áp dụng 5K: Khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khoảng cách, khai báo y tế; các cá nhân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hoá thiết yếu được phép hoạt động.

Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng; thực hiện khai báo y tế hàng ngày, liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác; chủ động khai báo với chính quyền; đồng thời giám sát, phát hiện các hộ xung quanh khi có người về từ địa phương khác.

Theo số liệu từ Công an huyện Đan Phượng, trong thời gian từ ngày 27/8 đến ngày 31/8, lực lượng Công an trên địa bàn toàn Huyện đã xử phạt gần 300 trường hợp vi phạm với lý do ra ngoài không thật sự cần thiết; tuy nhiên, con số này có xu hướng giảm trong những ngày đầu tháng 9 khi mà các hộ dân đã thực hiện việc ký cam kết “Gia đình an toàn Covid-19”.

 Có thể thấy rằng, mô hình “Gia đình an toàn Covid-19” là hoạt động thiết thực để bảo vệ sức khỏe mỗi người dân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, góp phần chia sẻ cùng lực lượng phòng, chống dịch đang ngày đêm trực chốt, kiểm soát “vùng đỏ”, canh giữ, bảo vệ “vùng xanh”.

Mô hình này đã tạo chuyển biến đáng kể trong nhân dân, nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh; đúng với tinh thần “Lấy sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên để lan tỏa, coi Tổ Covid cộng đồng làm nòng cốt, chọn những người có uy tín trong cộng đồng làm trung tâm để quy tụ và phát huy vai trò của nhân dân tham gia chống dịch tại các địa bàn dân cư; thực hiện tốt quan điểm lấy xã, phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch và xác định “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân””, đã được nêu rõ trong Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố” vừa được đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội ký ban hành ngày 1/9/2021.

Hà Phong - Đào Thắm - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đừng biến mình thành “những con virus viết Facebook”

Mấy ngày nay, dân mạng truyền nhau mẩu chuyện “đi chợ giúp dân” của chiến sĩ bộ đội. Một số cư dân mạng lấy việc người chiến sĩ nói ngọng và sự khác biệt ngôn ngữ giữa vùng, miền, mua vui trong những câu chuyện cười cợt. Đông đảo người dân và bạn trẻ cả nước đã lên tiếng về việc này…

link bài gốc https://laodongthudo.vn/mo-hinh-gia-dinh-an-toan-covid-19-gop-phan-day-lui-dich-covid-19-129500.html