Một số kiến nghị về công cuộc phòng chống tham nhũng

27/05/2019 10:29

Kinhte&Xahoi Công tác phòng chống tham nhũng vừa qua đã thu được kết quả rất khả quan. Nhiều vụ đại án đã được phanh phui; một số vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng lâu nay được cho thuộc “vùng cấm”, “vùng nhạy cảm” đã được xử lý dứt điểm, nghiêm minh có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng.

Hình minh họa.

Xây dựng tổ chức chống tham nhũng ở cơ sở

Thành tích đó được toàn Đảng, toàn dân rất trân trọng, hoan nghênh và bước đầu lấy lại được lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng kết quả đó còn khiêm tốn so với mong đợi của nhân dân. Để tiếp tục phát huy thắng lợi vừa qua, tiếp tục tấn công vào quốc nạn tham nhũng, rõ ràng, Đảng và Nhà nước ta còn nhiều việc phải làm. Theo đó cần tiếp tục khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, bộ ngành. 

Đây có thể nói là căn bệnh trầm kha. Nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước, nhiều bài viết của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, của những người tâm huyết với việc chống trì trệ, mong muốn đất nước phát triển mạnh mẽ đã đề cập đến vấn đề này song “chứng bệnh” này vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn. Chính điều này đã làm hạn chế nhiều Nghị quyết, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng, làm giảm lòng tin của quần chúng. Những hành vi đến cổng nhà cựu Phó Viện trưởng Viện KSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh “check- in” trong vụ ông này xâm hại bé gái trong thang máy… là biểu hiện thái độ tiêu cực, mất lòng tin của quần chúng và sau đó Nguyễn Hữu Linh đã bị khởi tố. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, trên đà thắng lợi của cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay, Đảng cần phát động cuộc chiến chống “bệnh” “trên nóng dưới lạnh”.

Để thực hiện chủ trương này cần tiến hành 2 việc sau đây: Phát động cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí trong toàn Đảng, toàn dân, xây dựng hệ thống tổ chức chống tham nhũng từ TƯ xuống cấp cơ sở. Cơ cấu tổ chức và thành phần bộ máy chống tham nhũng ở địa phương có thể gồm Bí thư đảng bộ địa phương, Trưởng cơ quan nội chính, cán bộ của cơ quan Công an, Tòa án, Quân đội, Viện kiểm sát, Thanh tra... (Ở cấp xã có hình thức chống tham nhũng riêng). Ở cấp xã, cuộc chiến này sẽ do cơ quan Phòng chống tham nhũng cấp huyện xác định cho từng xã, thị trấn trực thuộc, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương đó và theo những mục tiêu, nguyên tắc và mô hình chung. Bên cạnh đó cần xây dựng một văn bản riêng về tổ chức và hoạt động của Hệ thống cơ quan phòng chống tham nhũng này.

Tuy nhiên, ngoài Kế hoạch hoạt động, chế độ báo cáo, chế độ kiểm điểm, đánh giá, chấn chỉnh hoạt động trong toàn quốc và trong từng cấp, từng tổ chức…, cần lưu ý phải có cơ chế để huy động được toàn bộ các cơ quan trên vào cuộc và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong từng vụ việc cụ thể. Đồng thời phải có chủ trương để những cán bộ đã nghỉ hưu có năng lực, có tâm huyết, tự nguyện tham gia vào hoạt động chống tham nhũng ở vị trí thích hợp.
 
Cần có cách nhìn mới về khái niệm tham nhũng

Bên cạnh đó để công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả cần có cách nhìn mới đối với khái niệm tham nhũng: Từ trước tới nay, tham nhũng được quan niệm là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. 12 hành vi quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 cũng thể hiện vụ lợi là dấu hiệu cơ bản của tội tham nhũng. Tuy nhiên, trong thực tiễn quản lý nhà nước hiện nay, tình trạng những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ không thể quy kết vì vụ lợi còn phổ biến. 

Cụ thể như thực hiện không đúng thời hạn do pháp luật quy định thường gặp trong công tác  cấp sổ đỏ, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cấp bằng, cấp visa,…thậm chí cấp giấy khai sinh, khai tử… Thời hạn cấp sổ đỏ trước đây quy định khoảng 45 ngày, nay là 15 ngày kể từ ngày hoàn tất hồ sơ nhưng đến nay còn khoảng hơn 20% số mảnh đất chưa được cấp sổ đỏ lần đầu. Hay như tình trạng gây phiền hà, bức xúc cho người dân có vụ người cha xin giấy báo tử cho con bị chết vì tai nạn nhiều lần không được là một thí dụ… Hay việc lập biên bản vi phạm hành chính rồi, ra quyết định xử phạt hành chính rồi nhưng bỏ đấy để đối tượng tiếp tục vi phạm. Đây ít nhất là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm, xem thường kỷ luật công vụ và cũng có thể hiểu đó là tình trạng tham nhũng về quyền lực…

Với Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, lưới chống tham nhũng mới đã được trang bị để quét những hành vi vi phạm trên. Còn về thẩm quyền xử lý đối với vi phạm: Hiện nay một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tồn đọng đơn khiếu nại, tố cáo là cấp trên chuyển trả đơn về cấp dưới vì không đúng thẩm quyền. Những đơn thư có cả đơn gửi đúng trình tự, thủ tục; đơn bị gửi trả về vì bị cho là “né”, “đá” trách nhiệm. Điều này dẫn tới tình trạng tồn đọng đơn thư, gây bất lợi, phiền hà cho dân, tạo điều kiện cho cấp dưới lộng quyền, khiến kỷ luật công vụ lỏng lẻo…

Đối với việc phát hiện tham nhũng, hiện nay chúng ta chủ yếu dựa vào truyền thông, báo chí, đơn thư của công dân… Do đó, cơ quan phòng chống tham nhũng cần chủ động phát hiện tham nhũng bằng những phương thức khác như: Tiếp công dân, tiếp xúc cử tri… Những phương thức này nếu không phát hiện được vi phạm pháp luật phòng chống tham nhũng thì chí ít cũng là biện pháp răn đe rất có hiệu quả đối với những người thừa hành pháp luật mà tâm chưa trong sáng. Những vấn đề cần được đưa vào quy định trong pháp luật để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Luật chịu thì để đạo đức xã hội điều chỉnh

Ngọc Trinh, một người mẫu Việt ăn mặc hở hang một cách táo bạo gây xôn xao cộng đồng. Mặc dù nhận không ít chỉ trích và sự bức xúc từ dư luận trong nước lẫn một bộ phận dư luận, báo chí nước ngoài, tuy nhiên, khó có một chế tài nào để xử phạt cô gái này.