Muốn đi xa, hãy dũng cảm sống thật

17/07/2019 10:08

Kinhte&Xahoi Câu chuyện phượt thủ Hoàng Lê Giang nói dối chinh phục đỉnh Denali nổi tiếng dường như không phải một câu chuyện quá xa lạ, nó phản ánh lối sống ảo và không dám nhìn nhận vào sự thực của những người trẻ tuổi thành công quá sớm.

Phượt thủ Hoàng Lê Giang vừa xác nhận thông tin bị tố lừa dối trong việc chinh phục đỉnh Denali.

Hoàng Lê Giang là một phượt thủ dũng cảm, một người trẻ đã chinh phục nhiều vùng đất xa xôi, đó là điều không thể phủ nhận. Anh cũng là người truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ thực hiện những chuyến hành trình khám phá thế giới.

Nhưng Hoàng Lê Giang cũng đã mắc phải một sai lầm không hề nhỏ: anh tự nhận rằng đã thực hiện một cuộc hành trình đầy gian khó và dũng cảm, leo lên Denali, ngọn núi cao nổi tiếng của Mỹ, niềm mơ ước của dân leo núi thế giới. Trên thực tế, anh chỉ mới tham gia một khóa huấn luyện tập sự cho việc leo lên ngọn núi này, và việc tập sự diễn ra ở một ngọn núi khác, thấp hơn nhiều.

Ban đầu, những ghi chép hành trình “Chinh phục Denali” của Giang khiến bao người trẻ trong nước hâm mộ, nể phục. Và có thể hình dung được phản ứng thất vọng thế nào khi sự thật được phơi bày, Giang hoàn toàn chưa hề đặt chân lên đỉnh Denali như anh tự nhận. Toàn bộ nhật kí hành trình lẫn những hình ảnh đẹp có vẻ chỉ là một trò “đánh lận” mà thôi.

Sai lầm của Hoàng Lê Giang không phải là một sai lầm quá cá biệt. Không ít lần, người trẻ thần tượng và rồi vỡ mộng khi thần tượng của mình nói dối.

Từ Huyền Chip với 800 USD đi khắp thế gian hóa ra là có nhà tài trợ. Từ một nhiếp ảnh gia có bức ảnh đẹp say lòng hóa ra là hàng chôm chỉa. Từ chàng nhạc sĩ nổi tiếng với bài hát được yêu thích hóa ra lấy nhạc từ nước ngoài... Nhiều, nhiều lắm, người trẻ cứ phải thần tượng rồi tự vỡ mộng hoài.
 
Giang, cũng như nhiều trường hợp nói dối, nổ, chưa hẳn ban đầu đã thực tâm lừa dối công chúng. Nhưng, người trẻ ấy sớm đã khoác lên mình những vầng hào quang đầy hào nhoáng, và họ bị chính cái ảo ảnh của hào quang ấy che phủ, lôi kéo, có những phút, họ tặc lưỡi nói dối, nhằm tiếp tục duy trì cái ảo ảnh cho bản thân mình. Bất chấp phản bội niềm tin những người đã tin yêu họ.

Cách làm của Hoàng Lê Giang đáng trách, lẽ dĩ nhiên, nhưng có thể hiểu được. Công chúng cũng có quyền “ném đá”, và Giang cũng có quyền xin lỗi cũng như sửa chữa. Dù gì, thì khi người ta trẻ, ai mà chẳng có sai lầm.

Chỉ hy vọng rằng, đó là những phút bốc đồng che mắt duy nhất trong hành trình của Giang, và của nhiều người trẻ sớm nổi tiếng khác. Bởi, cuộc đời có thế nào thì giá trị ảo luôn bị phơi bày, muốn là một người dũng cảm và tạo cảm hứng đẹp, trước hết hãy sống thật.

Hy vọng rằng Hoàng Lê Giang, dù đi ngắn, đi dài, hay hay dở, đừng để ảo ảnh của nổi tiếng biến mình thành kẻ lừa dối một lần nữa. Và câu chuyện của Giang là một bài học cực kì hữu ích cho nhiều người trẻ khác.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chị Kim Nhung với tấm lòng yêu thương ‘lá lành đùm lá rách’

Xuất phát từ tấm lòng nhân ái “lá lành đùm lá rách”, thương cảm với những cảnh đời bất hạnh, chị Nguyễn Thị Kim Nhung ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội nhiều năm qua đã tự bỏ tiền túi của mình và của người thân trong gia đình giúp đỡ mảnh đời còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ những hành động ý nghĩa và nhân văn đó, chị Kim Nhung đã thắp lên niềm tin cho biết bao nhiêu cuộc đời kém may mắn, vươn lên hoàn cảnh hiện tại để có được cuộc sống hạnh phúc.

Tôn vinh hay chỉ là “thương vụ”?

Cuối chiều ngày 13/7 tức là chỉ trước lúc chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” diễn ra vài giờ, lãnh đạo Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô đã chính thức ra văn bản hủy chương trình này với lý do phía Cung đã nhiều lần yêu cầu đơn vị tổ chức cung cấp các giấy tờ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của việc tổ chức chương trình, tuy nhiên cho đến 15h30 ngày 13/7, đơn vị này vẫn không cung cấp được.

Nguồn: Pháp luật Plus