Năm 2022, Quảng Ninh xảy ra hơn 600 vụ tai nạn lao động

02/02/2023 15:37

Kinhte&Xahoi Theo thống kê từ Sở Lao động - TB&XH tỉnh Quảng Ninh, năm 2022 trên địa bàn xảy ra 619 vụ tai nạn khiến 32 người thiệt mạng.

Theo số liệu báo cáo, thống kê năm 2022 trong khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 619 vụ TNLĐ làm 632 người bị nạn, trong đó: số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người là 31 vụ, số người chết là 32 người; số người bị thương nặng là 417 người.

So với năm 2021, tổng số vụ TNLĐ giảm 16 vụ, tổng số nạn nhân giảm 13 người; số vụ TNLĐ chết người bằng nhau, số người chết giảm 01 người.

Các doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (số liệu phải thống kê, báo cáo theo quy định pháp luật) xảy ra 24 vụ TNLĐ chết người, làm chết 25 người; so với năm 2021, số vụ TNLĐ chết người tăng 01 vụ, số người chết tăng 01 người.

Chi phí thiệt hại do TNLĐ năm 2022 là 35.430 triệu đồng, trong đó: chi phí y tế là 8.932 triệu đồng, trả lương trong thời gian điều trị là 10.366 triệu đồng, bồi thường, trợ cấp cho người bị nạn, thân nhân của người bị nạn là 13.830 triệu đồng, thiệt hại tài sản là 2.302 triệu đồng. Tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 42.870 ngày.

Thông báo điểm rõ một số vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người như: Vụ TNLĐ do ngạt khí độc xảy ra ngày 04/4/2022 tại Trạm bơm nước thải sinh hoạt PS5, khu công viên Lán Bè, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long làm chết 01 công nhân, bị thương 03 công nhân thuộc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hạ Long Quảng Ninh.

Tai nạn lao động trong lĩnh vực khai thác mỏ khiến nhiều công nhân thiệt mạng tại các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (ảnh minh hoạ).

Vụ TNLĐ do bỏng bột liệu nóng xảy ra ngày 24/8/2022 tại khu vực Cyclone C3B tầng 7 tháp trao đổi nhiệt - Xưởng Clinker thuộc Công ty cổ phần xi măng Hạ Long làm chết 01 cán bộ (Quản đốc xưởng Clinker), bị thương 03 cán bộ, công nhân.

Vụ TNLĐ do nổ mìn xảy ra ngày 29/9/2022 tại Lò dọc vỉa 3 trong đá mức +125T.IIA÷T.IV thuộc Phân xưởng Khai thác đào lò 13, Công ty than Nam Mẫu - TKV làm chết 02 công nhân, bị thương 01 công nhân.

Qua điều tra các vụ TNLĐ chết người cho thấy trong một vụ TNLĐ thường có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân của người lao động và người sử dụng lao động (là giám đốc, phó giám đốc, cán bộ phòng ban chuyên môn, cán bộ chỉ huy sản xuất cấp công trường, phân xưởng).

Nguyên nhân do người lao động như, do trình độ, kinh nghiệm, ý thức, nhận thức về công tác đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình thực hiện công việc còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chưa nhận định được nguy cơ xảy ra TNLĐ; chủ quan, vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn; sự phối hợp thực hiện công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng đội, chiếm 94,7% tổng số vụ. 

Qua đó, Sở Lao động - TB&XH Quảng Ninh cũng đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiếu mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động có thể xảy ra ra trong năm 2023, Cụ thể: tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung, giải pháp nêu trong Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/11/2013 của Ban Bí thư, Chương trình hành động số 21-Ctr/TU ngày 05/12/2013 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 1266/KH-UBND ngày 18/3/2014 của UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Quan tâm thực hiện công tác quản lý về ATVSLĐ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 10/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đảm bảo công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 19/10/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về Chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh than trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn Tỉnh, Sở Lao động - TB&XH đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm triển khai thực hiện 04 nội dung liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động; trong đó cần quan tâm đến công tác quản lý về ATVSLĐ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 10/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đảm bảo công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 19/10/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về Chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh than trên địa bàn tỉnh.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, huấn luyện biện pháp thi công, biện pháp an toàn, huấn luyện phương án ứng cứu sự cố, tìm kiếm cứu nạn cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý các cấp và người lao động; nâng cao ý thức, nhận thức, kỹ năng phòng ngừa TNLĐ để người lao động hiểu và nắm rõ các tình huống sự cố có thể xảy ra trong quá trình làm việc, phòng tránh TNLĐ.

 Đại Văn - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tăng cường kiểm tra chất lượng dịch vụ các khu, điểm du lịch

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, để bảo đảm hoạt động du lịch diễn ra an toàn, văn minh, chất lượng trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra tại các khu, điểm du lịch và các điểm đến tập trung đông người trên địa bàn thành phố.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/dia-phuong/nam-2022-quang-ninh-xay-ra-hon-600-vu-tai-nan-lao-dong-d189650.html