Năm 2023 sẽ giám sát nguồn lực chống dịch và đổi mới sách giáo khoa

19/04/2022 11:33

Kinhte&Xahoi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề giám sát trình Kỳ họp thứ 3, trong đó có việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Quang cảnh Phiên họp thứ 10 sáng 19/4.

Trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã báo cáo dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, trên cơ sở kết quả lựa chọn của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Ban, năm 2023, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề, được lựa chọn trong số 5 chuyên đề cụ thể như sau:

Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020.

Các ý kiến thảo luận đều đánh giá các chuyên đề được đưa ra đều trúng và đúng, phù hợp với thực tế hiện nay. Cho ý kiến thêm về các chuyên đề giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị có thể cân nhắc giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vì năm nào cũng báo cáo, thảo luận tại Quốc hội về vấn đề này mà kết quả chưa thực sự hiệu quả.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thông qua phiếu xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề 1, 2, 3, 4 trình Kỳ họp thứ 3 để Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).

 Tuấn Kiệt - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lan tỏa hình ảnh Hà Nội thân thiện, giàu bản sắc

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) do Việt Nam đăng cai sẽ chính thức diễn ra. Cùng với cả nước, Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện các phần việc để bảo đảm một kỳ đại hội thành công và ý nghĩa cũng như khai thác “cơ hội vàng” quảng bá văn hóa, con người Thủ đô; lan tỏa hình ảnh một Hà Nội thân thiện, giàu bản sắc… trong lòng du khách và bạn bè quốc tế.

Văn hóa công sở Hà Nội và những “ga tàu” mới - Bài 1: Gian nan thử sức

Các ca bệnh có xu hướng giảm mạnh dần tại Hà Nội, nhiều hoạt động đã được mở lại, xã hội dần trở lại trạng thái bình thường để thích nghi, sống chung với virus SARS-CoV-2. “Con tàu” văn hóa công sở của Hà Nội sẽ đi trên “đường ray” nào để “chở” được hết các giá trị: Vẫn phòng, chống dịch hiệu quả, thiết lập nền nếp làm việc theo kỉ cương trong giai đoạn mới đồng thời phát huy tốt nhất những thành quả tốt đẹp đã thiết lập được suốt thời gian qua đến những “ga tàu” mới?

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nam-2023-se-giam-sat-nguon-luc-chong-dich-va-doi-moi-sach-giao-khoa-d180342.html