Năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 4 tỷ USD là "trong tầm tay"

27/07/2023 15:39

Kinhte&Xahoi Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông tin, trong tháng 7-2023, xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Tính chung từ đầu năm đến nay, cả nước xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng hơn 17% về lượng và tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu gạo tăng cao do giá bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu năm nay tăng mạnh. Cụ thể là giá bình quân xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 530 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ gần 490 USD/tấn.

Ảnh minh họa

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, năm nay, xuất khẩu gạo gặp thuận lợi nhất khi sản xuất trong nước chuyển động tốt khi phần đông các vùng sản xuất lúa đã chuyển đổi sang giống chất lượng tốt, giá trị cao. Đặc biệt, với thị trường thế giới, nhu cầu nhập khẩu gạo đều tăng mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn, bất ổn chính trị cũng gây khó khăn không nhỏ cho xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng, song mặt hàng gạo vẫn đạt kết quả tích cực, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản... Với tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới ở thời điểm hiện tại và 6 tháng cuối năm, đặc biệt mới đây, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường. Đây là cơ hội cho gạo Việt Nam bứt phá ở thời điểm cuối năm...

Bộ NN&PTNT dự báo, năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 7,2 triệu tấn, đạt hơn 4 tỷ USD là trong tầm tay. Đây sẽ là mức kỷ lục lịch sử xuất khẩu gạo Việt Nam.

Để tạo đà bứt phá ở thời điểm cuối năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết sẽ phối hợp thực hiện một số nội dung: Tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn giữ vai trò dẫn dắt, như: Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam... tổ chức thu mua, tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành; yêu cầu hội viên thực hiện nghiêm túc quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo tại thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Hiệp hội tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo; chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên về khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng, lưu thông gạo trên thị trường trong nước và quốc tế, báo cáo, đề xuất với bộ, ngành liên quan để có giải pháp phù hợp...

 Đỗ Minh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xã Nam Thái: Tổ chức Lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ

Hàng năm, vào dịp tháng Bảy – tháng tri ân các Anh hùng, Thương binh, Liệt sĩ trên cả nước là Đảng bộ, chính quyền và người dân trên địa bàn xã Nam Thái (huyện Nam Trực, Nam Định) thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta với thế hệ cha ông đã có công giữ gìn và bảo vệ đất nước. Trong đó, tổ chức Lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang xã là hoạt động chính.

Bảo tồn làng nghề truyền thống trước thách thức của thời đại

Làng nghề truyền thống Việt Nam không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn đóng góp rất lớn vào bức tranh văn hóa của đất nước. Bảo vệ, phát triển các làng nghề truyền thống cần sự chung tay từ các chương trình của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ của địa phương cho đến sự nỗ lực thích ứng với thời cuộc của chính các làng nghề.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/nam-2023-xuat-khau-gao-viet-nam-dat-tren-4-ty-usd-la-trong-tam-tay-636505.html