Ngày 20/11 trong mơ - suy ngẫm từ ký ức thời học sinh

11/11/2019 11:13

Kinhte&Xahoi Tôi đã làm nghề giáo được 20 năm ở bậc đại học nhưng thực sự nhiều khi tôi nghĩ có lẽ không cần phải có ngày 20 tháng 11...

Chúng tôi là thế hệ tốt nghiệp trung học phổ thông cách đây đã hơn 20 năm.

Thời ấy, trong tất cả các cấp học, những thầy cô giáo dạy chúng tôi đều thật sự tận tâm dạy bảo, truyền thụ kiến thức trong từng tiết giảng; rất nghiêm khắc nhưng đầy tình yêu thương bao dung, nhất là đối với những học sinh nghịch ngợm, quậy phá, thậm chí hay đánh bạn.

Ký ức của tôi và ngày 20 tháng 11 hàng năm, nhất là thời học tiểu học và trung học cơ sở, hầu như bây giờ không đọng lại gì đáng kể bởi vào ngày 20 tháng 11, chúng tôi vẫn đi học bình thường, thầy cô vẫn đi dạy bình thường.

Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. (Ảnh minh họa trên internet)

Nhà trường chắc có lẽ đã lồng nghép việc kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam trong các cuộc họp, sinh hoạt chuyên môn.

Và chúng tôi thì cũng không có hoa hay quà gì để tặng thầy cô dạy mình.

Cả lời chúc mừng các thầy cô dạy những tiết đúng vào ngày này, những đứa học sinh chân lấm tay bùn, nhịn ăn buổi sáng đi học rất ngây thơ và non nớt về nhận thức cuộc sống như chúng tôi, cũng không biết trao gửi đến thầy cô giáo.

Thế mà thầy cô thì vẫn luôn vui vẻ với chúng tôi không chỉ trên lớp mà cả lúc chúng tôi gặp ở ngoài trường học.

Thế nhưng vào dịp Tết thì lớp chúng tôi luôn tập hợp các thành viên đầy đủ để đúng vào ngày mồng 3 âm lịch là đến thầy cô giáo chơi và chúc Tết, sau đó là đến nhà nhau và tụ tập.

Không có hoa nhưng quà mà chúng tôi mang đến tặng các thầy cô quý mến của mình là bộ ấm chén pha trà hoặc lọ hoa mua ở các cửa hàng nhỏ ven các con đường lớn.

Được gặp và nói lời chúc Tết thầy cô vào dịp Tết đối với chúng tôi là một niềm vui rất lớn và trong chúng tôi luôn dâng lên một cảm xúc thật khó tả.

Vào các dịp hè, kể cả sau này khi chúng tôi đã tốt nghiệp trung học phổ thông, đứa vào đại học, bao đứa cất cánh đi muôn nơi xây dựng sự nghiệp, lập nghiệp, mưu sinh thì khi về quê, chúng tôi lại tụ họp và cùng nhau đến thăm nhà thầy cô.

Đứa nào có quà gì mang về quê thì đến tặng thầy cô, còn không thì cả nhóm mua túi trái cây đến và giấu thầy cô đặt ở góc bàn, góc tủ.

Đến bây giờ vẫn vậy, nhóm bạn lớp 12 chúng tôi ở miền Nam dù sống cách xa nhau đến hàng trăm cây số thì đến ngày Tết, ngày 20 tháng 11, vẫn tụ hội khá đông đủ để đến chúc thầy giáo chủ nhiệm cũng sống trong đó.

Còn khi thầy chủ nhiệm về quê thì nhóm bạn ở miền Trung chúng tôi gọi thêm mấy đứa ở Hà Nội về nữa để cùng tụ hội và mời thầy chủ nhiệm cùng một số thầy cô giáo bộ môn khác đến dự những bữa tiệc nho nhỏ để thêm vui, ấm áp tình thầy trò, cô trò.

Giờ đây, tôi đã làm nghề giáo được 20 năm ở bậc đại học nhưng thực sự nhiều khi tôi nghĩ có lẽ không cần phải có ngày 20 tháng 11 bởi lẽ:

Việc tổ chức kỷ niệm ngày 20 tháng 11 đôi khi trở nên hình thức với nhiều hoạt động thi đua thao giảng, dự giờ và tổ chức văn nghệ, thể thao.

Dẫu vẫn có nhiều hoạt động đưa lại niềm vui cho giáo viên nhưng có thể làm ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy và thời gian dành cho gia đình của giáo viên.

Đã có những việc làm diễn ra không đúng với mục đích tôn vinh tất cả nhà giáo như tập thể và một số cá nhân giáo viên thuộc đơn vị cấp dưới lại đi chúc mừng giáo viên lãnh đạo cấp trên của mình.

Hơn nữa, nếu cùng với hoa được mang đến để chúc mừng là các phong bì đựng tiền thì nó làm mất đi nét đẹp của ngày Nhà giáo Việt Nam và làm mờ nhạt nét đẹp về tâm hồn và nhân cách nhà giáo.

Vào dịp ngày nhà giáo Việt Nam, sinh viên hầu hết các lớp lại góp tiền để mua hoa, mua quà tặng thầy cô của mình như là một cái lệ.

Điều đáng nói là ở nhiều lớp, sinh viên thường ngày không quan tâm giao tiếp, hỏi thăm thầy cô của mình nhưng vào dịp 20 tháng 11 lại tìm cách đến nhà thầy cô hoặc đến cùng với Ban cán sự lớp để gây dựng tình cảm, sự chú ý từ phía các giảng viên chứ không phải xuất phát từ tình cảm chân thành của mình.

Tôi nghĩ rằng nghề nào cũng là nghề cao quý. Nghề nào cũng cần có sự tôn vinh và trân trọng.

Bất cứ ai làm nghề gì, nếu tận tâm, tận lực phục vụ đối tượng mình cần phục vụ, mang lại những giá trị, những điều tốt đẹp cho họ thì đều cần được trân quý.

Và sự biết ơn, sự cảm mến, sự tri ân từ người được phục vụ, được mang lại giá trị là một điều tự nhiên, là niềm hạnh phúc đáng được nhận trong đời đối với bất cứ ai làm ngành nghề gì, trong đó có người làm nghề giáo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ký ức tuổi thơ tôi!

Ai trong mỗi chúng ta đều có những ký ức về tuổi thơ, nhưng mỗi người lại có những ký ức khác nhau do môi trường sống, nhận thức…của mỗi người lại khác nhau nên ký ức tuổi thơ của mỗi người cũng khác nhau.

Theo Báo giáo dục Việt Nam/ Pháp luật Plus