Ngừng việc do dịch Covid-19, người lao động có được nhận lương?

21/03/2020 10:35

Kinhte&Xahoi Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người lao động đang là bài toán khó. Các bên nên ứng xử thế nào cho đúng luật?

Hình minh hoạ. (Ảnh: Báo Lao động)

Trước tình trạng dịch Sars-Cov-2 kéo dài, diễn biến phức tạp, ngày 11/03/2020, WHO tuyên bố Covid – 19 là đại dịch toàn cầu. Đại dịch này đã gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam và thế giới, làm đóng băng một số ngành nghề kinh tế. Kéo theo đó là hàng loạt người lao động có nguy cơ mất việc làm do Doanh nghiệp phá sản hoặc ngành nghề không còn ứng dụng sau dịch. Mấy ngày qua, chúng ta đang chứng kiến, hàng loạt tập đoàn lớn, nhỏ đang có kế hoạch cho nhân viên nghỉ việc. Vậy, xã hội cần có phương án gì để bảo vệ người lao động khi mất việc làm.

Trao đổi với Pháp luật Plus, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Cty Luật TAT Law firm cho biết, tại Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 quy định trong trường hợp sự kiện bất khả kháng do dịch bệnh hoặc địch hoạ, Người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc thì Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Người lao động. 

Trong trường hợp này, người lao động rơi vào trường hợp bị thôi việc. Theo đó, người lao động sẽ được hưởng một khoản trợ cấp thôi việc do người sử dụng lao động và Bảo hiểm xã hội chi trả. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp.

Rất có thể, trong thời gian tới Chính phủ sẽ công bố tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nếu trường hợp này xảy ra, chúng ta có thể căn cứ Điều 46 và Điều 48 Bộ luật Lao động 2012, trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, doanh nghiệp xem đây là một cơ hội tốt mang tính chất sàng lọc nhân sự và tái cấu trúc doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cần có những biện pháp xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động để trình Sở Lao động Thương Binh & Xã hội xem xét.

Tuy nhiên, trong trường hợp nền kinh tế tái cấu trúc lại, vô số người đang độ tuổi lao động không có việc làm, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập xã hội. Thiết nghĩ, trên cơ sở Bộ luật lao động 2012 và Luật Việc làm 2012, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nhanh chóng xây dựng chương trình việc làm của Địa phương về Lao động và việc làm. Trong trường hợp cần thiết thì có thể rút ngắn các quy trình, phối hợp với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương và địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tham gia thực hiện chương trình việc làm.

Các tổ chức dịch vụ việc làm có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động. Tất nhiên với tình hình khó khăn như hiện nay thì những giải pháp đó cũng chỉ mang tính chất bổ sung, thứ yếu.

Khi người lao động bị thôi việc hàng loạt, khó tránh khỏi mâu thuẫn và tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Thấu hiểu được sự khó khăn của doanh nghiệp cũng như Người lao động trước nguy cơ mất việc làm, để hạn chế tối đa tranh chấp, đây là thời điểm cần phát huy hết chức năng của Công đoàn cơ sở, trên cơ sở tôn trọng thoả ước lao động tập thể. Phải đảm bảo tối đa nhất quyền lợi của Người lao động, được nhận đủ các khoản trợ cấp khi mất việc. 

Để khống chế được tình trạng mất việc làm của người lao động dẫn đến bất ổn xã hội, Nhà nước cần can thiệp mạnh tay để buộc các cơ quan ban ngành và các tổ chức kinh tế dốc toàn lực chống đỡ. 

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Cty Luật TAT Law firm.

Trong bối cảnh này, những người sử dụng lao động cần cân nhắc đảm bảo việc làm cho Người lao động, vì sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp và hãy xem việc chấm dứt hợp đồng lao động với Người lao động là giải pháp cuối cùng, vì người lao động chứ không phải vì lợi ích doanh nghiệp. Thiết nghĩ, trong giai đoạn khó khăn này, mới tỏ rõ bản lĩnh của người sử dụng lao động. Mà như người xưa nói, “thời loạn mới tỏ mặt anh hùng”.

Bên cạnh đó, rất cần sự can thiệp và vào cuộc kịp thời bằng các chính sách của Nhà nước, để tác động đến các cơ quan, tổ chức cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Theo đó: 

Đối với lĩnh vực Bảo hiểm Xã hội: Trong những năm gần, mức đóng bảo hiểm xã hội của Người lao động và Doanh nghiệp liên tục tăng (năm 2007 – 2008: 23%; năm 2009: 28%; năm 2010 – 2011: 28,5%; năm 2012 – 2013: 30,5%; năm 2014 – 2017: 32,5%; năm 2017 – nay: 32%). Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật lao động 2019, có hiệu lực thi hành vào ngày 01/07/2020, thì độ tuổi nghỉ hưu của Người lao động nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi, Người lao động nam tăng từ 60 tuổi lên 62 tuổi. Như vậy, có nghĩa là, nguồn thu bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên một con số đáng kể, và việc chi bảo hiểm giảm đi rất nhiều.

Luật Bảo hiểm Xã hội quy định nhiệm vụ và chức năng của Quỹ Bảo hiểm Xã hội nhằm đảm bảo, ổn định duy trì đời sống cho Người lao động khi gặp rủi ro, khó khăn đồng thời góp phần ổn định sản xuất kinh doanh cho Doanh nghiệp hoạt động. Trên cơ sở đó, Nhà nước có nên xem xét việc miễn, giảm đóng bảo hiệm xã hội cho Doanh nghiệp và Người lao động trong khoản thời gian khó khăn này. Ngay trong khi chúng tôi viết bài báo này, ngành BHXH đã phát đi những tín hiệu tích cực về vấn đề này.

Đối với các chính sách Thuế: Thực tế, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tính từ tháng 1 đến nay đã có một lượng lớn các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản. Các doanh nghiệp khác cũng phải “oằn mình” để tồn tại trước những khó khăn “doanh thu thấp, chi phí lớn”, tình hình sản xuất kinh doanh bị trì trệ, đóng băng trong khoảng thời gian khá dài. Vì vậy, cần thiết phải có những giải pháp thiết thực, kịp thời để đảm bảo các doanh nghiệp bị thiệt hại được hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Mặc dù, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 897/TCT-QLN về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên cần phải có thêm những gói chính sách hỗ trợ bằng văn bản cụ thể, miễn hoàn toàn thuế đối với các Doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giảm mạnh hoặc giảm mạnh đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng.

Đối với lĩnh vực Nhà nước về Ngân hàng: Ngân hàng nhà nước vừa ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid – 19. Theo đó, buộc các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp mức độ ảnh hưởng của dịch Covid - 19 và đảm bảo kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay, cho thuê tài chính.

Buộc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề, sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid -19 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Đây được xem là một phản ứng kịp thời của Nhà nước, làm giảm sức ép cho Người sử dụng lao động.

Ngoài ra, đối với các lĩnh vực Quản lý nhà nước khác: Cần xem xét miễn tiền thuê đất và giảm các khoản thuế, lệ phí cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn như xem xét, hỗ trợ giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, … Về mặt chủ trương, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Do đó, Bộ Lao động Thương Binh & Xã hội cần sớm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tập trung xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động, Có biện pháp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và các giải pháp để động viên tinh thần của Người lao động; Có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hoa cà phê nhuộm trắng trời Tây Nguyên

“Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật” cũng là mùa hoa cà phê ở khắp các buôn làng đại ngàn Tây Nguyên đua nhau nở trắng núi đồi. Đến Tây Nguyên vào những ngày này, du khách không chỉ được trực tiếp “mục sở thị” vẻ đẹp thuần khiết của hoa cà phê mà còn được mê đắm mùi hương nồng nàn, đặc trưng đầy quyến rũ...

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doi-song/ngung-viec-do-dich-covid-19-nguoi-lao-dong-co-duoc-nhan-luong-d119883.html