Người dân không đeo khẩu trang, lơ là phòng dịch Covid-19 khi đến nơi công cộng

13/11/2021 14:35

Kinhte&Xahoi Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên một bộ phận người dân đã có tâm lý lơ là phòng dịch, không đeo khẩu trang, tụ tập đông người ở nơi công cộng.

Vô tư tụ tập đông người, không đeo khẩu trang

Tình hình dịch bệnh của Hà Nội trong khoảng hơn một tuần trở lại đây diễn biến phức tạp với có số ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng nhanh, đặc biệt là số ca được ghi nhận tại cộng đồng. Ngày "kỷ lục" 9/11, Hà Nội ghi nhận 222 ca mắc Covid-19 trong đó có 105 ca mắc tại cộng đồng.

Ngày 12/11, Hà Nội cũng ghi nhận 165 ca bệnh Covid-19; trong đó số ca cộng đồng vẫn là 27 ca. Đáng lo ngại là trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao thì người dân đang có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động tại chỗ với điều kiện không vượt quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách giữa khách với khách hoặc có vách ngăn, tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19; Yêu cầu khách hàng quét mã QR.

Người lớn không đeo khẩu trang vô tư tụ tập chỗ đông người

Tuy nhiên, trên thực tế, các quán ăn đêm vỉa hè tự phát vẫn luôn đông đúc, bàn ghế kê sát nhau, các thực khách vô tư ăn uống trò chuyện.

Tại các nơi công cộng, công viên hoặc các sân vui chơi chung, đặc biệt tại các khu vực chung cư, nhiều người tụ tập vui chơi thể thao vô tư không đeo khẩu trang. Nhiều người còn cho rằng tiêm 2 mũi vắc xin thì khả năng mắc bệnh sẽ không còn...

Người lớn, trẻ em vui chơi tại các nơi công cộng không đeo khẩu trang

Với cách nhìn nhận như vậy, nhiều người dân Hà Nội đang truyền đi lối sống chủ quan, nên dịch bệnh rất dễ tái phát, đặc biệt với những biến chủng mới, nguy cơ lây lan nhanh và khó lường.

Các chuyên gia y tế từng cảnh báo rằng dịch vẫn còn ở trong cộng đồng, có cơ hội sẽ bùng phát, chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả không lường cho thành phố.

Trước sự thờ ơ, chủ quan của người dân, các quận, huyện đã tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Hà Nội vẫn ở cấp độ 2, riêng phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) ở cấp độ 4

Ngày 12/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội có báo cáo số 4270/BC-KSBT về kết quả đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 (các tiêu chí 1 và 2, cập nhật đến sáng 12/11).

Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19, riêng phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) ở cấp độ 4.

Theo đó, hiện thành phố ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, 30 quận, huyện, thị xã đạt cấp độ 2; 293 xã, phường ở cấp độ 2 (tăng 29 xã, phường so với công bố 6 ngày trước đó); 281 xã, phường ở cấp độ 1 (giảm 40 xã, phường); 4 xã, phường ở cấp độ 3 (tăng thêm 1 phường) và có duy nhất phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) ở cấp độ 4.

Thực hiện Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12-10-2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, CDC Hà Nội đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn thành phố với tiêu chí 1 về tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian và tiêu chí 2 về độ bao phủ vắc xin.

Theo đó, hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố là 98% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 70%); Tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 là 61% (chưa đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).

Ngoài ra, trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 580 ca mắc trong cộng đồng, đạt tỷ lệ 3 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần. Như vậy, hiện thành phố và 30 quận, huyện, thị xã vẫn đạt cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 5.778 ca; Trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.202 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.758 ca.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong mấy ngày gần đây Hà Nội liên tục phát sinh những ca F0 trong cộng đồng, không rõ nguồn lây. Dự báo, tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp và khó lường.

Trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh, Hà Nội sẽ tiếp tục có những điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, các biện pháp cách ly nhằm đảm bảo vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, vừa phù hợp thích ứng linh hoạt với tình hình cụ thể của địa phương.

Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, theo quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 4800/QĐ-BYT và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh, năng lực y tế, năng lực triển khai các khu cách ly tập trung, xem xét các điều kiện cách ly tại nhà mà từng địa phương sẽ chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp về công tác phòng, chống dịch bệnh, với mục đích là đảm bảo an toàn sức khỏe tốt nhất cho người dân và phòng, chống sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Thành phố luôn thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng có dịch về và quản lý cách ly F1.

Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đoàn làm phim tự ý tô vẽ lên giếng cổ: Không đơn thuần là hành vi “thiếu ý thức”

Liên quan đến sự việc đoàn làm phim hài Tết trong quá trình quay phim tự ý sơn trát, tạo bối cảnh lên thành giếng đình thôn Mông Phụ (Đường Lâm) gây bức xúc cho người dân, chuyên gia pháp lý cho rằng, cơ quan chức năng không những xem xét hành vi vi phạm của đoàn làm phim mà cần xem xét trách nhiệm của Ban Quản lý di tích.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-dan-khong-deo-khau-trang-lo-la-phong-dich-covid-19-khi-den-noi-cong-cong-182851.html