Nhiều người lao động tự do như người bán vé số, bán ve chai, hàng rong...là đối tượng yếu thế nhất khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhất là khi TP HCM Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày bắt đầu từ 0h ngày 9/7. Nhiều người không việc làm, không thu nhập chỉ biết biết trông chờ vào sự hỗ trợ của xã hội.

Bà Trương Thị Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Kho, Quận 1, TP HCM cho biết trong thời gian qua, phường đã lên danh sách trao tiền hỗ trợ tận nhà cho các đối tượng này.  

"Chúng tôi lên kế hoạch đi trao tận tay cho người thuộc đối tượng người bán vé số, chạy xe ôm truyền thống, người lao động mất việc làm... Mỗi cá nhân trong danh sách sẽ được nhận số tiền là 1,5 triệu đồng. Danh sách nhận tiền hỗ trợ chúng tôi vẫn liên tục cập nhật và bổ sung mỗi ngày để không bỏ sót bất kỳ ai"- bà Thuận cho biết.

Tại con hẻm nhỏ số 22 Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, Quận 1, nơi lưu trú của nhiều người lao động, cán bộ phường dừng lại ở một căn nhà nhỏ cũ kỹ số 24/22A, đây là nơi 7 người lớn tuổi bán vé số cùng nhau sinh sống trong không gian chỉ chưa tới 20m2.

Căn nhà nơi 7 người lớn tuổi bán vé số cùng nhau sinh sống.

Nghe tiếng gọi, ông Ngô Văn Tiếng, sinh năm 1962, bước ra cửa mà không quên gọi vọng vào trong nhà: "Các ông, bà ơi đeo khẩu trang vào rồi ra nhận tiền này".

Sau khi đối chiếu thông tin trong danh sách, 6 người trong hộ đều nhận được số tiền 1,5 triệu đồng. Duy chỉ có ông Nguyễn Thành Quý (SN 1968) do mới bị mất toàn bộ giấy tờ nên tạm thời chưa nhận được tiền hỗ trợ.

"Kể từ ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chúng tôi chỉ ở nhà, không còn kiếm được tiền nữa. Nay có được số tiền hỗ trợ này, những người nghèo khó như chúng tôi mừng lắm vì đỡ vất vả, lo lắng hơn trong những ngày trước mắt", ông Tiếng nói.

Chị Diêu Thị Trường An bật khóc khi nhận được số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Được biết, chị là người khuyết tật.

Gia đình bà Lê Thị Thanh Xuân (SN 1957) cũng có hoàng cảnh rất khó khăn. Nhà đơn chiết có bà, mẹ và người cô đều đã ngoài 90 tuổi. Trong gia đình, bà là nguồn thu nhập chính, nhờ vào nghề giúp việc. Tuy nhiên, cũng đã nửa năm nay, bà rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, không có thu nhập ổn định, hàng ngày chỉ đi phụ giúp ngoài chợ để kiếm được vài ba chục nghìn nuôi mẹ già và trang trải qua ngày.

Bà Xuân là nguồn thu nhập chính nuôi mẹ và cô ngoài 90 tuổi nhờ vào nghề giúp việc.

"Nhà chỉ có 3 người nương tựa vào nhau mà sống, nửa năm nay dịch bệnh nên không có ai mướn mình nữa. Thất nghiệp nên làm gì có thu nhập, ăn uống cũng đơn sơ, đâu có dám mua bán gì. Nay mẹ ốm, chuẩn bị phải đưa bà vô bệnh viện mà không biết chi phí trả thế nào đây"- bà Xuân nghẹn ngào.

Số tiền hỗ trợ giúp người lao động nghèo vượt qua khó khăn trước mắt.

Theo rà soát của UBND phường Cầu Kho, tính đến ngày 14/7, địa bàn hiện có 810 trường hợp là lao động tự do, bán vé số, hàng rong, chạy xe ba gác, giao hàng bằng xe thô sơ... được quận đưa thông tin và đang tiến hành trao tiền hỗ trợ. Hiện các tổ dân phố phối hợp với cảnh sát khu vực vẫn tiếp tục lên danh sách, sau đó phường sẽ tiến hành nhanh nhất để xét duyệt trong 2 ngày.

 Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Loạn danh xưng nghệ sĩ

Danh xưng nghệ sĩ là thành quả của những cống hiến, sáng tạo của những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Sao Việt nhận con nuôi và những biến tướng

Nhiều nghệ sĩ Việt nhận con nuôi đơn thuần để nuôi dưỡng con cái như một gia đình bình thường, nhiều nghệ sĩ khác nhận con nuôi vì yếu tố nghề nghiệp, nhằm nuôi dưỡng tài năng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nguoi-lao-dong-ngheo-bat-khoc-khi-nhan-tien-ho-tro-d160793.html