Nguyễn Hữu Linh và nỗi sợ từ bản năng đạo đức!

25/06/2019 20:13

Kinhte&Xahoi Sáng 25/6, ông Nguyễn Hữu Linh, bị TAND quận 4 (TP HCM) đưa ra xét xử với tư cách bị cáo của vụ án nghi dâm ô bé gái trong thang máy.

Vụ án chấn động dư luận suốt nhiều tháng qua. Cho đến nay, ai cũng có thể tường tỏ câu chuyện của ngày 1/4 tại chung cư Galaxy 9 (đường Nguyễn Khoái, quận 4) vừa qua, khi một bé gái cầm bọc đồ đi vào thang máy, ông Linh tiến đến và ôm hôn. Những hành vi của Linh được camera chung cư ghi lại. Cơ quan chức năng quận 4 đã khởi tố và truy tố ông Linh theo khoản 1 điều 146 Bộ luật hình sự 2015 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Liên quan vụ án ông Linh, khi đón nhận thông tin, người tại địa phương ông sinh sống, trong đó có cả vợ con, người thân ông Linh và hàng xóm đều cảm thấy như một cú sốc. Cái tên Linh “nựng” Đà Nẵng, nhà Linh “ấu dâm”… cũng từ đó đã trở thành "chết danh" trên mạng xã hội lẫn ngoài đời, khi có du khách đến Đà Nẵng hay vô tình ngang qua ngôi nhà ông.

Ông Nguyễn Hữu Linh trước vòng vây của đám đông và báo chí.

Có thể nói rằng, đó là cái giá ông phải trả giữa bão dư luận và thời đại mạng xã hội phát triển mạnh. Để hôm nay, Nguyễn Hữu Linh đã đứng trước tòa!

7h06 phút ngày 25/6, bị cáo Nguyễn Hữu Linh đi xe hơi 4 chỗ đến tòa tham gia phiên xét xử. Điều đáng chú ý ở đây, ông Linh mở cửa xe rồi đi như chạy vào Tòa. Và chưa dừng lại, khi đám đông với nhiều ống kính chĩa vào, ông Linh càng chạy thì càng bị đuổi theo.

Anh Đức Sơn, một người dân Đà Nẵng khi xem qua clip “đuổi nhau” trước phiên Tòa của Nguyễn Hữu Linh phát tán trên các trang mạng sáng nay đã thốt lên: “Với một người nhiều năm kinh qua các chức vụ ở Viện Kiểm sát như ông Linh, việc nhìn nhận sự quan sát đó của đám đông, đâu có gì là lạ.

Cho nên, ông Linh có thể từ tốn đi vào phòng xét xử, sao phải lăn tăn. Bởi lẽ ai cũng biết, mặt ông Linh từ lâu đã quá phổ biến với dân tình phố thị rồi, không cần nói cũng đã “được khoe”. Cho nên, ông Linh có “chường mặt” thêm ra với công chúng thế nào, có ảnh chụp trên đường đi vào tòa, hay lúc đứng trước tòa, cũng vậy mà thôi”.

Ông Linh bỏ chạy trước ống kính của PV.

Nhiều người cũng cùng chung suy nghĩ này của anh Sơn!

Nhưng ở góc nhìn khác, theo tôi, phản ứng của bị cáo Linh trước đám đông ống kính, là bình thường. Trải nghiệm có thể đầy mình, nhưng bước xuống xe và nhìn thấy đám đông báo chí máy to máy nhỏ, bị cáo ắt phải giật mình.

Giật mình không phải vì sợ người ta biết mình bị xử, không phải sợ người ta nhận ra mình, hay sợ mức án mình sẽ chịu theo căn cứ pháp luật và nghị án của Tòa, mà theo tôi chính là cú giật mình hoảng hốt khi nhìn lại hậu quả hành vi của chính mình.

Cái đó, người ta gọi là bản năng đạo đức, điều đáng sợ nhất đối với mỗi người trong cuộc sống và trong cõi nhân luân xưa nay. Nó là mực thước cầm cương khiến người ta, trước khi làm một việc gì đó, phải chững lại để suy nghĩ, nên hay không nên và cái giá phải trả là gì. Pháp luật do con người nghị luận ra, khi xã hội đã tiến bộ. Còn bản năng đạo đức, là cái mà con người tự động cập nhật trong suốt quá trình cuộc sống, kể từ khi con người mới thành hình, nó là một sự phán xét vô hình nhưng kéo dài bất tận, thậm chí hết đời cha lại đến đời con.

Có thể trước truyền thông, ông Linh giật mình vì sực nghĩ đến hậu quả những gì đã làm, xuyên suốt từ quá khứ, kể cả những việc chẳng liên quan gì đến bản án được xử hôm nay, khiến ông hoảng hốt và co giò chạy, là một động tác rất bình thường, trực quan và phi lý trí. Nó chính là chìa khóa để giữ chúng ta lại là chính mình.

Cho nên, đừng truy cùng giết tận kẻ đang chạy trốn bản năng đạo đức. Đừng vì một sự việc trước mắt mà phán xét cả một quá trình, và hãy tôn trọng một phút giây thức tỉnh của người ta, dù đó là ai và đã làm sai thế nào đi nữa.

Bản thân tôi cũng đã biết bao lần thức tỉnh bản năng đạo đức và hốt hoảng che đậy, chống chế, thậm chí tấn công lại kẻ đã chỉ ra cái lỗi trong bản năng đạo đức của tôi.

Tôi hay ông Linh, đều có một nỗi sợ từ bản năng đạo đức. Còn các bạn, các bạn có không?.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lao động trẻ em trong nghệ thuật: Làm sao để không bị 'tuýt còi'?

Trước sự kiện bộ phim “Vợ ba” phải ngừng chiếu ở Việt Nam vì việc có diễn viên trẻ em đóng “cảnh nóng” với một số hành động, lời thoại trong phim không phù hợp và trước xu thế phòng chống lao động trẻ em của thế giới và Việt Nam, đã đặt ra cho các nhà làm nghệ thuật câu hỏi: Phải làm thế nào để không vi phạm pháp luật khi sử dụng lao động trẻ em trong nghệ thuật?

Nguồn: Pháp luật Plus