Nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6: Hành động để bảo vệ hệ sinh thái

04/06/2021 07:11

Kinhte&Xahoi Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề nổi cộm của nhân loại trong nhiều thập kỷ qua, với vô số những kỷ lục về nhiệt độ được thiết lập cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Không nói đâu xa, những ngày này, cả nước đang bước vào đợt nắng nóng lên tới trên 40oC. Tuy nhiên, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đây mới chỉ là đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên, trong tháng 6 sẽ còn 2 - 3 đợt tiếp diễn.

Điểm thu gom rác tái chế đổi quà tại báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Lại Tấn (ảnh chụp vào thời điểm tháng 3/2021, khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát trở lại)

Nhiều hiện tượng cực đoan hơn

 Không phải vô cớ mà Ngày Môi trường thế giới năm nay được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) lấy chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái”, đưa ra thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ, hồi sinh các hệ sinh thái trên thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Bởi lẽ, đây là thời điểm đánh dấu sự khởi động của Liên Hợp quốc về Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021 - 2030), cũng là thời hạn cuối cùng của các Mục tiêu Phát triển bền vững - một mốc thời gian mà các nhà khoa học đã xác định là cơ hội cuối để ngăn chặn thảm họa do BĐKH.

Báo cáo mới đây của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), đến 90% khả năng sẽ có một năm nóng kỷ lục lịch sử nhân loại trong giai đoạn 2021 - 2025. Kỷ lục này vốn được thiết lập vào năm 2016 - thời điểm có hiện tượng El Nino và đến nay vẫn chưa bị phá vỡ. Ngoài ra cũng theo báo cáo, sẽ có 40% khả năng nhiệt độ trên thế giới vượt quá mức giới hạn mà Hiệp định Paris về Phòng chống BĐKH đề ra trong 5 năm tới đây.

Theo Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas, nhiệt độ gia tăng nghĩa là băng tan nhiều hơn, nước biển dâng lên, nhiều đợt sốc nhiệt hơn, nhiều hiện tượng cực đoan hơn và gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thực phẩm, sức khỏe, môi trường và sự phát triển bền vững của nhân loại. Do đó, Tổng Thư ký WMO cho rằng các cuộc đàm phán về khí hậu cần phải nhanh chóng hoàn tất, nhằm ngăn chặn BĐKH trước khi mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát.

Hiện, Việt Nam nằm trong số 10 nước bị tác động nặng nề nhất trong vòng 20 năm qua và là một trong 6 nước chịu tác động lớn nhất trong 4 năm gần đây của BĐKH. Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, được tổ chức theo hình thức trực tuyến mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định, là một nước chịu tác động lớn bởi BĐKH, Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với BĐKH. Cụ thể, giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước, giảm tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương và đa phương. Đồng thời tiếp tục giảm rất mạnh điện than, tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đến năm 2045, nội luật hoá các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để tổ chức thực hiện và đang triển khai chương trình trồng một tỷ cây xanh đến năm 2025.

Nỗ lực của Hà Nội

Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, đặc biệt là nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, TP đã xây dựng, thực hiện nhiều giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) đối với lĩnh vực công thương như Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP Hà Nội; tổ chức lồng ghép phát động phong trào hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện - tiết kiệm năng lượng trong chiến dịch “Giờ trái đất”.

Cùng với những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, thời gian qua, TP Hà Nội đã sớm tiến hành các biện pháp nhằm hạn chế việc đốt rơm rạ trên địa bàn. Đồng thời, tích cực triển khai các hoạt động nhằm hạn chế, loại bỏ việc sử dụng than, bếp than tổ ong góp phần cải thiện chất lượng không khí. TP đã tiến hành duy tu, duy trì 104 hồ điều hòa, xử lý ô nhiễm tại 122 hồ ở nội thành; duy trì và đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải, lắp đặt thêm các trạm quan trắc, tiến hành nạo vét và xử lý rác thải tại các sông trong nội đô. Bên cạnh đó, triển khai chương trình trồng một triệu cây xanh; phát triển vùng cây xanh, công viên; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số công trình bảo đảm ứng phó với BĐKH.

Mặc dù vậy, công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng còn hạn chế. Tuy đã có chính sách, kế hoạch hành động cụ thể nhưng đến nay, một số DN trên địa bàn còn chưa nhận thức đầy đủ về BĐKH. Nhiều nơi chưa quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường nên rất ít mô hình sản xuất, tiêu dùng chú trọng đến phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, con người cần chung tay để hạn chế, tiến tới ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh, chúng ta mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại BĐKH và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.

Vào đúng Ngày Môi trường thế giới (5/6/2021), Liên Hợp quốc sẽ chính thức khởi động Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021 - 2030). Việt Nam - một thành viên tích cực của quốc tế trong hành trình bảo vệ thiên nhiên sẽ huy động sự chung tay của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân để hạn chế sự suy giảm của đa dạng sinh học, sự mất mát của hệ sinh thái, vì sự bền vững của tương lai. 

 

 Thương Huế - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ngưng vĩnh viễn việc kêu gọi đóng góp từ thiện

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khẳng định trên mạng xã hội facebook, sẽ ngưng vĩnh viễn việc kêu gọi đóng góp từ thiện như 20 năm qua đã từng làm. “Sẽ không chuyển dùm ai, không đại diện ai. Quý vị có thể tìm các hội đoàn hay cá nhân khác để đóng góp thiện ý của mình dùm Hưng” – nam ca sĩ nói.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/nhan-ngay-moi-truong-the-gioi-56-hanh-dong-de-bao-ve-he-sinh-thai-422252.html