Nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao ở Tuyên Quang (Ảnh minh họa)
Hoạt động này cũng nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Bên cạnh đó triển khai có hiệu quả những nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đồng thời tái hiện, giới thiệu quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam hướng tới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở; Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ; Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Theo đó, "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" năm 2022 sẽ diễn ra từ 16 - 19/4, dự kiến có 4 nhóm hoạt động chính gồm: Diễn đàn văn hóa với chủ đề "Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường Văn hóa"; Hội nghị gặp mặt nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc; Triển lãm "Sen trong đời sống văn hóa Việt".
Sự kiện cũng tái hiện những lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc như: Lễ cấp sắc của dân tộc Dao; Lễ Kin chiêng boọc mạy của dân tộc Thái; Lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai và các hoạt động diễn tấu cồng chiêng, dân ca dân vũ dân tộc Gia Rai, Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer.
Ngày hội được tổ chức trang trọng, thiết thực, tiết kiệm và đảm bảo an toàn phòng chống dịch tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân và du khách tham gia.
Hương Thu - TTTĐ