Nhộn nhịp chợ 'lộc biển'

03/03/2020 11:02

Kinhte&Xahoi Tờ mờ sáng, chợ ruốc biển ở bãi biển Mân Thái (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã nhộn nhịp. Chợ ruốc họp từ tháng 11 đến hết tháng 3 âm lịch, chỉ bán duy nhất một mặt hàng là ruốc biển, nhưng lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán.

Mỗi mùa ruốc, chợ ruốc ở bãi biển Mân Thái (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) luôn nhộn nhịp, tấp nập khách mua Ảnh: Giang Thanh

Chèo thuyền thúng chở những sọt đầy ăm ắp ruốc từ thuyền lớn vào bờ, ông Phạm Tấn Kim (55 tuổi, tổ 20, phường Mân Thái) nhanh nhẹn cùng bạn thuyền của mình bê ruốc lên bờ bỏ vội lên cân. Một thương lái đứng chờ sẵn nhanh nhẹn nhìn mặt cân rồi ghi chép vào cuốn sổ tay đã sờn góc vì muối biển. Lau mồ hôi trán, ông Kim khoe: “Chuyến ni cũng kiếm khá!”.

Dong thuyền ra khơi từ chập choạng tối hôm qua, sau một đêm dập dềnh trên những con sóng, cả người ông Kim ướt nhẹp, mặn chát. Nghề đánh bắt ruốc vẫn được những ngư dân gọi đùa là nghề xúc “lộc biển” bởi hôm nào đúng luồng thì kiếm vài chục triệu là chuyện thường. “Làm nghề ni cũng hên xui lắm. Hên thì thuyền về cả tấn ruốc. Xui thì vài chục hay đôi ba trăm cân. Cứ có ruốc về là thương lái mua đi bỏ mối hết, có khi còn không dư mang về ăn”, ông Kim chia sẻ.

Đã 27 năm nay, cứ đến tháng 11 âm lịch, thuyền nhà ông Kim lại chuyển sang nghề xúc ruốc. Ruốc lên bao nhiêu bán hết bấy nhiêu nên ngư dân vùng biển Mân Thái cũng kiếm kha khá vào mùa xúc ruốc. Đánh bắt ruốc biển thường có 2 cách. Một là bủa lưới rồi chong đèn suốt đêm để thu hút luồng ruốc. Hai là dong thuyền theo con sóng, dùng đèn pha rồi dùng vợt xúc khi gặp luồng. Thường những ngư dân Sơn Trà thường dùng cách xúc ruốc vì hiệu quả kinh tế cao hơn, lượng ruốc đánh bắt nhiều hơn.

Những mẻ ruốc tươi rói, nhảy tanh tách sẽ được đổ vào từng sọt lớn xếp gọn trên thuyền. Sáng sớm, những sọt ruốc tươi đỏ au được mang vào chợ ruốc bằng thúng. Chợ ruốc mở từ khoảng 5h sáng, người mua chủ yếu là thương lái cũng như tiểu thương các chợ trên địa bàn Đà Nẵng. Những cuộc mua bán ở đây diễn ra chóng vánh, phần vì chủ thuyền và thương lái đều quen mặt nhau, phần vì giá ruốc xưa nay vẫn vậy, chỉ lên xuống vài ba đồng.
 
Trong lúc ông Kim cùng bạn thuyền chở ruốc vào bờ, vợ ông thỏa thuận với thương lái giá cả, số lượng. Những sọt ruốc nhanh chóng được đổ vào các thùng lớn để thương lái mang đi. Ở chợ, ruốc chia thành 2 loại: một là ruốc tươi thường được các tiểu thương mua về để bán lẻ ở các chợ, hai là ruốc làm mắm - mặt hàng chính được các thương lái thu mua để bán cho các hộ làm mắm ruốc ở Đà Nẵng, Huế...

Chợ ruốc mở từ khoảng 5h sáng, người mua chủ yếu là thương lái cũng như tiểu thương các chợ trên địa bàn Đà Nẵng. Những cuộc mua bán ở đây diễn ra chóng vánh, phần vì chủ thuyền và thương lái đều quen mặt nhau, phần vì giá ruốc xưa nay vẫn vậy, chỉ lên xuống vài ba đồng. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhon-nhip-cho-loc-bien-d118530.html