Hình minh họa
4 xin: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; 4 luôn: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ; 4 có: có lên, có xuống, có vào, có ra.
Nếu tuân thủ những nguyên tắc này hẳn là cán bộ, công chức không chỉ được lòng dân mà còn xứng đáng là người công bộc của dân, chẳng những hoàn thành nhiệm vụ và còn làm tốt đẹp hình ảnh bộ máy công quyền.
Đặc biệt là việc áp dụng nguyên tắc “4 có” như một sự chế tài làm tốt nguyên tắc “4 xin, 4 có” thì lên chức, ngược lại thì xuống, phấn đấu “vào” là tốt nhưng đừng yên vị mà phải nghĩ đến lúc phải “ra”.
Đối nghịch với 3 cái 4 nói trên là thái độ “4 không” theo nhiều người còn khá phổ biến của cán bộ, công chức hiện nay. Đó là không nghe, không thấy, không biết và 'không bao giờ biết nói không với tiền'.
Dẫn chứng cho “nguyên tắc 4 không” này thì rất nhiều. Ví dụ như một cánh rừng bị lâm tặc tàn phá đến mức khủng khiếp ở ngay bên cạnh một Trạm kiểm lâm mà cán bộ Kiểm lâm không hề hay biết gì cả, chính quyền địa phương cũng không biết, cấp trên nữa thì “không thấy báo cáo”.
Những xe gỗ lậu thản nhiên đi qua Trạm kiểm lâm nhưng hẳn là phải có gì để lại. Cái để lại đó không khác gì ngoài tiền, vụ án trùm gỗ lậu “Phượng râu” bị bắt đã minh chứng điều này.
Hoặc, lực lượng chức năng cũng không nghe, không thấy, không biết khi hàng kém chất lượng xuất hiện nhiều nơi mà chẳng ai để mắt đến. Lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm cũng vậy, thỉnh thoảng chỉ làm mấy vụ “lấy điểm” và lấy lệ thôi.
Vì không biết nói không với tiền mà một nữ thượng úy cảnh sát ở Hà Nội bày cách cho người khác bỏ ma túy vào xe rồi báo Công an bắt, để lấy 1 tỷ đồng.
Tương tự, một cán bộ Hải quan ở TP HCM lập công ty giả để nhập hàng lậu, một kiểm sát viên ở Lâm Đồng kiêm luôn chức Phó giám đốc công ty đòi nợ thuê, tất cả đều vì tiền!
Không thực hiện “4 xin, 4 luôn” nhưng lại quá mẫn cán trong việc bắt người.
Ví dụ gần nhất là vụ 2 người đàn ông đi ăn liên hoan trong một đám tiệc ở nhà người quen thì bị bắt về đồn, giữ lại hàng chục tiếng đồng hồ vì không có Giấy chứng minh nhân dân trong người. Mặc dù các công dân lương thiện này có biên nhận mất chứng minh nhân dân, có bằng lái xe để chứng minh danh tính của mình, vẫn phải về đồn như thường bởi có quy định như vậy.
Đây cũng là một cách thể khác của không nghe, không thấy, không biết và hành xử cực kỳ máy móc.