Những chính sách dân sinh mới có hiệu lực từ tháng 10/2022

28/09/2022 09:08

Kinhte&Xahoi Cắt giảm thủ tục hành chính liên quan kinh doanh lĩnh vực hàng hải; Người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử… là những chính sách, pháp luật mới có hiệu lực kể từ tháng 10/2022.

Cắt giảm thủ tục hành chính liên quan kinh doanh lĩnh vực hàng hải

 Ngày 23/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.

Nghị định số 69/2022/NĐ-CP gồm 6 Điều, sửa đổi bổ sung 5 Nghị định quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải gồm: Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016, Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017, Nghị định số 37/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017, Nghị định số 05/2017/NĐ-CP ngày 16/1/2017.

Sửa đổi quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải (Ảnh minh họa)

Nghị định số 69/2022/NĐ-CP sửa đổi một số thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải quy định tại 5 Nghị định trên.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 69/2022/NĐ-CP là yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, quy định của thủ tục hành chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và giảm bớt chi phí tuân thủ khi thực hiện thủ tục hành chính.

Nghị định số 69/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ thi hành từ ngày 30/10/2022.

Không còn giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

 Chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022 được đề cập tại Nghị quyết số 116/NQ-CP năm 2021. Cụ thể: "Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp". Trong đó, nhóm đối tượng được giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022) là người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.

Người sử dụng lao động được giảm mức đóng nêu trên không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang Nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Như vậy, từ ngày 1/10/2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Khi đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử

 Chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Đây là nội dung tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử, được Chính phủ ban hành ngày 5/9/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022.

Nghị định này quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh chân dung; vân tay.

Danh tính điện tử người nước ngoài bao gồm: Số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; ảnh chân dung; vân tay.

Danh tính điện tử tổ chức gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.

Mức chi bồi dưỡng chuyên môn giảng viên, giáo viên đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật

 Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 54/2022/TT-BTC (có hiệu từ ngày 5/10/2022) quy định về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để thực hiện các Đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao.

Trong đó, quy định nội dung và mức chi bồi dưỡng, tập huấn, chuẩn hóa, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo và hướng dẫn học sinh, sinh viên tài năng ở trong nước và thực tập ở nước ngoài như sau:

- Đối với bồi dưỡng, tập huấn trong nước: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 36/2018/TT-BTC;

- Đối với bồi dưỡng, tập huấn và thực tập ngắn hạn ở nước ngoài (thời gian dưới 3 tháng đối với đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý; dưới 6 tháng đối với học sinh, sinh viên):

+ Đối với các chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài: Thực hiện thanh toán theo thông báo hoặc hóa đơn học phí của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hoặc chứng từ, hóa đơn hợp pháp do cơ sở dịch vụ ở nước ngoài ban hành hoặc theo hợp đồng cụ thể do cấp có thẩm quyền ký kết (chi bằng đồng đô la Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại);

+ Chi sinh hoạt phí và các khoản chi phí khác (gồm chi phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa, bảo hiểm y tế bắt buộc, vé máy bay khứ hồi): Đối với khóa học dưới 3 tháng, thực hiện theo quy định tại Thông tư 102/2012/TT-BTC. Việc thanh toán căn cứ theo thời gian thực tế bồi dưỡng, tập huấn và thực tập ở nước ngoài theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đối với khóa học trên 3 tháng, thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 54/2022/TT-BTC.

 Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhớ về hương khúc ngày mưa

Trong cơn mưa cuối thu, nằm cuộn tròn trong chăn thưởng thức đợt không khí lạnh đầu mùa đầy nuối tiếc và nghe tiếng hoa sấu quả sấu chín vàng rụng xuống mái ngói rêu phong của căn nhà nép sâu trong ngõ nhỏ, chợt nhói lòng vì tiếng rao “Khúc… ơ” văng vẳng, ngàn ngạt.

Tiếp tục phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Xòe Thái

Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm cho các cấp, ngành và cộng đồng cần phải phát huy và bảo tồn để di sản này lan tỏa và trường trồn mãi mãi.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhung-chinh-sach-dan-sinh-moi-co-hieu-luc-tu-thang-102022-206776.html