Những món ngon gợi nỗi nhớ quê hương Nga Sơn, Thanh Hóa

31/07/2019 14:28

Kinhte&Xahoi Nga Sơn, một vùng quê mang nhiều màu sắc huyền thoại với sự tích Mai An Tiêm và quả dưa hấu đỏ, Di tích lịch sử chiến khu Ba Đình vẻ vang, làng nghề truyền thống chiếu cói Nga Sơn hay hấp dẫn hơn là nét văn hóa ẩm thực… khi nhắc đến lại làm cho nhiều người không khỏi xốn xang và rộn ràng.

Cách thành phố Thanh Hóa 60km về phía Đông Bắc, cách Hà Nội 130km, nằm trên trục đường 10, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa từ lâu đã nổi tiếng với những đặc sản như: gỏi cá nhệch, dê ủ trấu, rượu nếp, mắm tôm… vô cùng độc đáo và hấp dẫn.

Gỏi cá nhệch

Gỏi cá nhệch là món ngon nức tiếng ở vùng quê Nga Sơn. Đây là một món ăn đặc biệt, đặc biệt từ nguyên liệu đến những món ăn kèm và đồ chấm khác so với những loại gỏi thông thường. Gỏi cá nhệch đã làm say lòng bao du khách đến với Nga Sơn bởi vị ngọt mát, dai, giòn của những miếng cá và vị thơm, béo ngậy của chẻo. Khi ăn, gói ngoài cùng là chiếc lá sung (hoặc lá lộc vừng) theo hình phễu sau đó cho những miếng cá vào trước, tiếp theo là một miếng sung nhỏ, một miếng ớt cùng một số loại rau thơm như bạc hà, rau húng, ngổ, lá cúc tần… rồi cuối cùng là dùng thìa tráng lên trên cùng lớp chẻo cá nóng hổi và thưởng thức. Những miếng gỏi cá ngập miệng, khi cắn cho ra đầy đủ vị cay, chát, béo bùi và mùi thơm của rau thơm hòa quyện vào với nhau… mang đến trải nghiệm ẩm thực khó quên cho người thưởng thức.

Gỏi cá nhệch, món ngon nức tiếng ở vùng quê Nga Sơn

Dê ủ trấu

Dê núi ủ trấu là một trong những món ẩm thực độc đáo, khoái khẩu ở Nga Sơn. Những con dê được chăn thả trên núi một cách tự nhiên nên dê nơi đây ngày càng nổi tiếng bởi vị ngon, ngọt của nó. Món dê ủ trấu ở đây có cách chế biến khác lạ. Trước khi ủ trấu, dê được làm thịt, nhồi các loại lá thơm vào bụng. Phủ trấu lên toàn bộ thân dê và đốt rơm để mồi lửa. Khi ủ trấu xong toàn bộ thịt dê sẽ chín om, thịt vẫn còn màu hơi đỏ, da vàng ruộm tỏa một mùi thơm mà bất cứ ai cũng không thể kiềm lòng. Sau khi chín dê sẽ được mang ra thái xoăn từng lọn nhỏ, chấm ăn cùng với tương bần. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn khác nhau được chế biến từ dê như: Dê tái chanh, dê hầm thuốc bắc, óc dê hầm ngải cứu, cháo dê…

Dê ủ trấu được chế biến vô cùng độc đáo, là món khoái khẩu của nhiều người

Ốc núi

Với người dân Nga Sơn, mùa hè không chỉ là mùa của những cơn mưa rào chợt đến chợt đi, ào ào, dữ dội, mà đó còn là mùa của ốc núi, một món ăn quen thuộc của người dân nơi đây mỗi khi mùa mưa đến. Ốc núi còn được người dân ở đây gọi là con Còi. Là loại ốc sống ở trong các khe núi, hang hốc, chủ yếu ở khu vực núi Nga An, Nga Giáp. Ốc núi có nhiều vào thời điểm mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, cũng là thời điểm ốc bò ra sinh sản. Chúng chỉ ăn lá cây nên thịt rất thơm, theo người dân nơi đây thì Còi có tác dụng chữa nhức mỏi rất tốt.

Còi gần giống ốc bươu nhưng nhỏ và dẹt hơn, thường được nấu canh chua với mẻ hoặc nấu bún. Tuy nhiên, được yêu thích nhất vẫn là món ốc hấp gừng sả. Khi thưởng thức món ốc núi, việc đầu tiên là lấy miệng con ốc ra hút thật nhanh những giọt nước ngọt và thơm nồng có trong con ốc, sau đó lấy ruột ốc ra chấm với mắm được pha với gừng, ớt, chanh. Ốc núi ngon nhất ở phần thịt bởi vị bùi dai và không dễ ngấy.

Ốc núi cũng là 1 đặc sản không thể bỏ qua khi đến Nga Sơn.

Rượu Nga Sơn

Nhắc đến ẩm thực Nga Sơn không thể không nhắc đến rượu nếp. Rượu Nga Sơn cay về nồng độ nhưng uống vào rất êm, khiến cho thực khánh uống đến “quên cả lối về” lúc nào không biết. Không ở địa phương nào, mà nhiều xã, nhiều vùng cùng nấu được rượu ngon như ở Nga Sơn. Nga Thạch với rượu Thanh Lãng, Nga Bạch có rượu Bạch Câu, Nga Liên rượu Hói Đào, Nga Điền rượu Chính Đại,...

Uống rượu Nga Sơn, thực khách sẽ cảm nhận được mùi thơm của nếp, vị cay nồng của rượu, đậm đà nhưng không rát bỏng, êm nhẹ, vừa độ, chắc chắn sẽ làm say lòng du khách khi thưởng thức.

Nếu có dịp du lịch Thanh Hóa, hãy ghé về Nga Sơn để thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng quê này, chắc chắn hương vị mới lạ của nó sẽ khiến bạn không thể nào quên. 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gặp người đã “khai sinh” chóp tháp inox trên đỉnh Fansipan

Với người Việt Nam, chóp tam giác bằng inox đánh dấu độ cao 3.143m (nay là 3.147,3m) của đỉnh Fansipan giống như một biểu tượng của sự chinh phục, của niềm tự hào về non sông gấm vóc. Thế nhưng, ít ai biết câu chuyện về những người đã “khai sinh” ra cột mốc đặc biệt này.

Nguồn: KD&PL