Những ngày thu Hà Nội...

19/08/2022 09:18

Kinhte&Xahoi Những ngày thu tháng 8 Hà Nội, trời trong xanh, gió thổi nhẹ dọc những con phố dài như mang theo hơi hướng mùa thu cách mạng của 77 năm về trước để thắp lên trong lòng mỗi người niềm tự hào và biết ơn khôn tả. "Trời xanh đây là của chúng ta” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi), cuộc cách mạng “long trời lở đất” đã mang về tự do, độc lập cho đất nước để hôm nay chúng ta được thụ hưởng nền hòa bình và phát triển, sánh ngang với các nước trên thế giới. Đi trên phố phường những ngày thu Hà Nội, nhiều người muốn được đến thăm những “địa chỉ đỏ” còn lưu lại dấu ấn của Cách mạng tháng Tám năm nào.

Nếu là một hướng dẫn viên, bạn sẽ dẫn bạn bè, người thân và cả những vị khách nước ngoài của mình đến đâu đầu tiên để tìm hiểu về Cách mạng Tháng Tám? Còn tôi, tôi muốn đưa bạn đến ngôi nhà số 101 Trần Hưng Đạo (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm). Xưa con phố này có tên gọi là đại lộ Gambetta. Tại đây, sáng 16/8/1945, Ủy ban Quân sự Cách mạng (tức Ủy ban Khởi nghĩa) của Mặt trận Việt Minh được thành lập.

Cùng ngày, dựa vào bản chỉ thị ngày 12/3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng: "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", Ủy ban Khởi nghĩa nhận thấy cần phải cấp tốc khởi nghĩa, chớp thời cơ giành chính quyền.

Ngôi nhà 101 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Ngôi nhà 101 Trần Hưng Đạo là một điểm di tích quan trọng trong chuỗi những di tích cách mạng, kháng chiến ở Hà Nội.

Điểm tiếp theo, tôi muốn dẫn các bạn đi đó là Quảng trường Nhà hát Lớn. Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, hay Quảng trường 19/8 là một quảng trường nằm ở trước mặt Nhà hát Lớn Hà Nội

Chiều ngày 17/8/1945, nhân buổi mít tinh do Tổng hội viên chức chính quyền Trần Trọng Kim tổ chức tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham dự của hàng chục nghìn người, quần chúng cách mạng đã chiếm lấy buổi mít tinh, biến thành một cuộc tuần hành biểu dương lực lượng trên các đường phố Thủ đô, mở đầu cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 trong cả nước.

Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội

Dưới sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ, Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu, quần chúng nội - ngoại thành phố xếp thành đội ngũ, đi từ Nhà hát Lớn qua đường Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) tỏa đi khắp các phố phường và hô vang khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh!", "Đả đảo bù nhìn!", "Việt Nam độc lập!".

Phố Tràng Tiền ngày nay thơ mộng với các hiệu sách, với hàng kem nổi tiếng đông đúc quanh năm kể cả mùa đông, cho những buổi hoạt động đường phố của những nhóm nhảy trẻ trung đến tụ tập biểu diễn cho khán giả xem vào mỗi cuối tuần. Nếu quay ngược thời gian trở về 77 năm trước, chắc chắn chúng ta sẽ được hòa vào dòng người như thác lũ để tham gia vào cuộc cách mạng đầy ý nghĩa với lịch sử dân tộc ấy.

Theo dòng người, tôi muốn đưa bạn tiếp đến Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ (12 Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), là một di tích lịch sử - văn hóa quan trọng của Thủ đô Hà Nội.

Theo kế hoạch đã định trước, ngày 19/8/1945, hàng vạn Nhân dân nội - ngoại thành xuống đường biểu dương lực lượng. Quần chúng cách mạng, có sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu, chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ (Bắc Bộ phủ), cơ quan đầu não của Chính phủ Trần Trọng Kim. Lính bảo vệ phủ đã hạ vũ khí trước sức mạnh của quần chúng Nhân dân. Sau đó, Nhân dân tiếp tục đánh chiếm sở mật thám, sở bưu điện, trại bảo an binh.

Bắc Bộ phủ nay là Nhà khách Chính phủ

Nơi đây, hiện giờ ngôi nhà 2 tầng màu vàng với sảnh có mái che rất đặc trưng vẫn luôn là một chứng tích lịch sử quan trọng và là một trong những công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật gắn với bề dày lịch sử - văn hóa, giúp du khách hiểu sâu hơn về một Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Sau khi đánh chiếm thành công Bắc Bộ phủ, quần chúng cách mạng tiếp tục đánh chiếm Sở Cảnh sát Trung ương bên Hồ Gươm. Tòa nhà này, ngày nay là trụ sở Công an quân Hoàn Kiếm (số 2 Tràng Thi). Đến tối 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi.

Tiếp nối hành trình “tour mùa thu Hà Nội”, tôi còn muốn dẫn các bạn đến nơi Bác Hồ ở và làm việc đầu tiên khi về Hà Nội. Theo đó, từ chiều 23/8 đến 25/8/1945, từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An, là cơ sở cách mạng thời kỳ 1941 - 1945 thuộc thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ).

Ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An

Tại đây, Bác đã nghe báo cáo về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và bàn việc chuẩn bị ra mắt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thủ đô Hà Nội với các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh...

Ngôi nhà của gia đình cụ An hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Với 14 di vật, hiện vật cùng hàng chục tài liệu, hình ảnh liên quan đến sự kiện Người lưu lại đây, ngôi nhà được công nhận là Nhà lưu niệm Bác Hồ và mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996.

Năm 2019, ngôi nhà đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp thành phố với tên "Địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An". Năm 2021, nơi đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia.

Điểm cuối cùng, tôi muốn đưa bạn đến trong hành trình này là Bảo tàng Công an Nhân dân. Ngày 19/8 năm nay cũng là dịp kỷ niệm 77 năm ngày Truyền thống lực lượng Công an Nhân dân.

Bảo tàng Công an Nhân dân

Đến với Bảo tàng Công an Nhân dân tại số 1 Trần Bình Trọng - Hoàn Kiếm - Hà Nội bạn sẽ được dạo bước qua 3 tầng dành cho trưng bày, diện tích trưng bày khoảng 1.200m2 là nơi lưu giữ và bảo quản gần 20.000 hiện vật về lịch sử truyền thống chiến đấu, xây dựng và phát triển của Công an Nhân dân Việt Nam.

Trong đó, riêng hệ thống trưng bày bảo tàng đã giới thiệu gần 2.000 hiện vật đến với công chúng trong nước và khách quốc tế, khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Công an “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Đến đây, bạn sẽ được tìm hiểu về những cống hiến tiêu biểu của CAND trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thông qua một số sưu tập tiêu biểu như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an Nhân dân; Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; Lá thư thời chiến Công an Nhân dân; Kế hoạch phản gián CM-12; Hợp tác quốc tế của Công an nhân dân Việt Nam..

Tin rằng, chỉ với một tour du lịch ngắn ngủi như vậy, bạn sẽ thấy ngày thu của Hà Nội thêm ý nghĩa và trân trọng hơn những gì mình đang được hưởng. Tìm hiểu để tri ân lịch sử của dân tộc cũng là một cách ta sống có văn hóa, ân tình hơn với mảnh đất này, với quê hương đất nước của mình.

 Ngọc Hân, Ảnh: Internet - TTTĐ

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Se sẽ thu về…

Tờ lịch treo tường báo tiết Lập thu đã được mươi hôm nhưng thu không như hạ, cũng chẳng giống mùa đông, đã đến là ồn ào, hầm hập nóng hoặc rét buốt tái tê. Thu về se sẽ. Nhẹ đến nỗi, nếu chẳng nhìn vào hóa đơn tiền điện, chẳng khẽ so vai khi có việc đi ra ngoài đường vào sáng sớm khi trời vẫn còn đang trong xanh thì có lẽ ít người nhận ra Hà Nội đã thật sự thu rồi.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhung-ngay-thu-ha-noi-203763.html