Những nghĩa cử cao đẹp của kiều bào ở nước ngoài hướng về Tổ quốc

04/04/2020 20:02

Kinhte&Xahoi Kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới đã chung sức, đồng lòng đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn (kiều bào Philippines) ủng hộ 25 tỷ đồng. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trước diễn biến nhanh và phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn quan tâm, sẵn sàng chia sẻ, chung sức, đồng lòng ủng hộ Chính phủ và người dân trong nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị, ngay khi dịch bùng phát tại Trung Quốc và một số nước trong khu vực, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ba Lan, Séc, Nga... đã quyên góp và vận chuyển về nước gần 80.000 khẩu trang y tế, hàng trăm chai nước sát trùng, bộ quần áo bảo hộ và găng tay y tế để hỗ trợ xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc và một số bệnh viện tại Hà Nội phòng, chống dịch.

Đặc biệt, hưởng ứng Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động chiến thắng đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; lời kêu gọi tham gia ủng hộ phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới đã chung sức, đồng lòng đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Điển hình, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn (kiều bào Phillippines) ủng hộ 25 tỷ đồng; Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Anh, Phạm Minh Nam đóng góp 1 tỷ đồng; bà Trương Thị Thu Hương (kiều bào tại Trung Quốc) ủng hộ 1 tỷ đồng; bà Lê Thương (kiều bào tại Osaka, Nhật Bản) ủng hộ 2.000 khẩu trang y tế; Trung ương Hội người Việt Nam tại Séc ủng hộ 110 triệu đồng...

Bên cạnh ủng hộ về tài chính, nhiều kiều bào đã ủng hộ các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho công tác phòng, chống và điều trị cho người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại Việt Nam như bà Nguyễn Thị Minh Hồng (kiều bào Đức) trao tặng 2 hệ thống thiết bị y tế lắp đặt phòng cách ly áp suất âm cho Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) và dự kiến tặng 10 phòng cho cơ sở y tế các tỉnh, thành khác.

Đặc biệt, ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Giám đốc Công ty thiết bị y tế Metran, ngoài việc chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sản xuất máy trợ thở cho đối tác Việt Nam với giá thành thấp, đã tiến hành cung cấp thông tin trực tuyến về dịch Covid-19 cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và sẽ nỗ lực hỗ trợ người Việt khi mắc bệnh.

Ông Lương Thanh Nghị cho biết, thời gian qua, nhiều trí thức kiều bào khác cũng góp sức trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam bằng việc góp ý, đề xuất các giải pháp, công nghệ...

Một số hội đoàn và cá nhân người Việt tại Pháp, Hoa Kỳ và nhiều nước khác cũng đang tổ chức quyên góp để hỗ trợ người dân trong nước.

Đánh giá cao công tác ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định: “Những nghĩa cử cao đẹp, trân quý của kiều bào ta thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” - vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Những đóng góp của kiều bào rất kịp thời và cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng đang thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với chính quyền và người dân sở tại”.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, bên cạnh việc ủng hộ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực góp phần củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, hưởng ứng và tham gia tích cực các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

“Những đóng góp quý báu của kiều bào cho đất nước khẳng định, người Việt Nam ở nước ngoài là máu thịt của dân tộc Việt Nam, luôn hướng về Tổ quốc, là cầu nối cho tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, trực tiếp tham gia thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, công cuộc xây dựng và phát triển bền vững của đất nước, vì sự phồn vinh của dân tộc”, ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

'Những ngày không quên' - Phim truyền hình đầu tiên về dịch bệnh Covid-19

“Những ngày không quên” là bộ truyền hình được thực hiện ở một thời điểm đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống. Mọi hoạt động kinh tế, giao thương, văn hoá… đình trệ. Hàng triệu người không thể đi làm, trẻ em không thể đến lớp và những gặp gỡ giao tiếp hàng ngày bị giới hạn.

Âm nhạc trực tuyến - hay và chưa hay

Sản xuất nhạc trực tuyến là một giải pháp tối ưu trong mùa dịch, khi mà người dân không thể ra đường hay tụ tập chỗ đông người. Tuy nhiên, về mặt chất lượng còn nhiều vấn đề phải bàn đến.

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nguoi-viet/963354/nhung-nghia-cu-cao-dep-cua-kieu-bao-o-nuoc-ngoai-huong-ve-to-quoc