Những người biết sống nhất trên thế giới, họ ở đâu?

04/03/2019 09:42

Kinhte&Xahoi Không cần nhà cao cửa rộng, quần áo xúng xính hàng hiệu, siêu xe sang chảnh, cao lương mỹ vị…

Người dân những quốc gia thuộc xa xôi, lạnh lẽo bậc nhất phía cực Bắc thế giới lại có chỉ số hạnh phúc cực kỳ cao. Họ sống tự nhiên, mộc mạc và vui vẻ, nhưng lại được đánh giá là “những người biết sống nhất trên thế giới”. 

Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 của Liên Hợp Quốc, dựa trên các yếu tố như GDP đầu người, tuổi thọ, tự do, sự ủng hộ xã hội, nhận thức về tham nhũng… để đánh giá mức độ hạnh phúc của người dân trong 156 quốc gia; thì những vị trí đầu bảng đều thuộc về xứ sở Bắc Âu, gồm có Phần Lan, Na-uy, Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển…

Phần Lan: Những người hạnh phúc nhất trên thế giới

Là một trong những quốc gia nằm ở cực bắc của thế giới, có những nơi mặt trời không mọc suốt 73 ngày liên tiếp trong mùa hè và 51 ngày trong mùa đông, “quê hương của ông già Noel” Phần Lan đứng đầu thế giới về chỉ số hạnh phúc. Hoàn cảnh thiên nhiên hà khắc khiến cho thói quen tiết kiệm đã trở thành điều tất nhiên nơi đây.

Cuộc sống đơn giản của người Phần Lan rất dễ để người khác nhận ra. Nó thể hiện trong cách ăn mặc, không quan trọng là đắt hay rẻ nhưng cần phải phù hợp. Trong thành thị, rất nhiều người dân chọn xe đạp là phương tiện đi làm, ngoài ra phương tiện chủ yếu là những loại xe ô tô cá nhân cỡ nhỏ.
Phần Lan đứng đầu thế giới về chỉ số hạnh phúc
Người từ phương xa đến có thể thấy người dân nơi đây nhàn nhã uống cà phê với bạn hay đọc sách ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Cả ngày nhàn rỗi, không làm việc gì hay làm việc cả ngày từ sáng đến tối muộn là hai trạng thái mà người Phần Lan không lựa chọn.

Quan điểm của người dân Phần Lan là “đừng chỉ suy xét đến thu nhập, nên lựa chọn công việc mình thích, khi đó ta mới làm tốt, hiệu quả công việc đó được”. Người Phần Lan cũng rất coi trọng các hoạt động chăm sóc thể chất như trượt băng, trượt tuyết, leo núi, cắm trại, câu cá trên băng, bơi lội….Người Phần Lan rất chuộng tắm hơi, có khoảng hơn 3 triệu nhà tắm hơi trên cả nước, vậy trung bình cứ một người dân thì có một nhà tắm hơi.

Người Phần Lan sống bình dị, giản đơn
Được mệnh danh là một trong những đất nước đáng sống nhất trên thế giới bởi rất môi trường thiên nhiên và xã hội “trong sạch” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Phần Lan cũng là nước có chỉ số môi trường đứng đầu thế giới, có tỷ lệ rừng cao nhất ở châu Âu và đứng thứ 11 trên thế giới (số liệu năm 2016); thủ đô Helsinki có nguồn nước máy sạch nhất trong số các thành phố lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó, Phần Lan nằm trong tốp ba những nước bình đẳng giới, bên cạnh Iceland và Na Uy, thể hiện ở chỗ đây là tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trường cao bậc nhất. Mặt khác, với khoảng 300.000 người nước ngoài và có gốc gác nước ngoài trên tổng số 5,5 triệu dân, đến từ các nước châu Âu, hoặc Afghanistan, Trung Quốc, Iraq và Somalia; những người nhập cư vào Phần Lan đều được đối xử bình đẳng và cũng được hưởng hạnh phúc.

Đan Mạch: Người có tiền vui vẻ giúp đỡ người kém hơn

Trên đường phố ở Aarhus - thành phố lớn thứ hai Đan Mạch, nhiều du khách sẽ bất ngờ khi thấy hình ảnh những cửa hàng hoa không có chủ đứng bán, người mua chọn xong hoa rồi tự giác trả tiền theo giá đã niêm yết, bỏ tiền vào chậu cây trống đặt bên cạnh, sau đó mang hoa đi.

Sự tin tưởng lẫn nhau trong xã hội Đan Mạch rất cao
Người Đan Mạch có GDP bình quân đầu người khoảng 59.000 USD, xếp thứ 8 trên toàn thế giới. Đan Mạch là “quốc gia ba cao” điển hình: thu nhập cao, thuế cao, phúc lợi cao. Tỷ lệ thuế thu nhập lên đến 50–70%. Ở đây, người có tiền vui vẻ đóng thuế để giúp đỡ những người kém hơn; hầu như không hề có ai than vãn về thuế cao, mọi người đều biết chia sẻ. Số thuế này được dùng vào phúc lợi xã hội và giáo dục.

Trường học ở Đan Mạch không tuyển “học sinh gương mẫu”, từ 12 tuổi trở xuống không có bảng điểm, mà giáo viên và người lớn cổ vũ trẻ em phát triển khả năng tự nhiên của mình chứ không ủng hộ việc ganh đua, so sánh. Học sinh đi học đều được nhận trợ cấp, thậm chí cả những học sinh trên 18 tuổi.

Ở quốc gia này, người giàu và không giàu, người dân, công chức hay hoàng gia đều được nhận sự tôn trọng như nhau, khoảng cách giàu nghèo của xã hội rất thấp. Phó thủ tướng Đan Mạch xuất thân từ nông thôn, các bộ trưởng không phân theo tốt nghiệp cao thấp mà thông qua việc học tập cả đời, họ vẫn có thể quản lý quốc gia như nhau.

Trường học ở Đan Mạch không tuyển “học sinh gương mẫu”, từ 12 tuổi trở xuống không có bảng điểm
Dù là nông dân hay công nhân cũng vậy, nghề nghiệp không phân biệt địa vị xã hội; ngay cả hoàng gia Đan Mạch cũng phải tuân thủ pháp luật, họ sống rất bình dị, thậm chí nữ hoàng còn tự mình đi siêu thị mua đồ, cuối tuần đến nhà thờ cầu nguyện cũng như những người dân.

Người Đan Mạch không thể nào chấp nhận được việc hoàng gia hay công chức nhà nước tham nhũng hoặc được hưởng đặc quyền. Mọi thứ đều nên được công khai, minh bạch để bảo đảm hệ thống liêm khiết. Các báo cáo và chứng từ pháp luật của các cơ quan chính phủ, chỉ cần không phải là bí mật quốc gia thì đều phải công khai với truyền thông đại chúng, kể cả tình hình thu nhập và thuế của các quan chức, thông tin về các thành viên của Hoàng gia Đan Mạch…thậm chí, phóng viên nước ngoài cũng có quyền được biết.

Iceland: Gia đình tạo nên chất lượng cuộc sống

Một hình ảnh thường thấy ở đất nước nhỏ bé tại cực Bắc thế giới này, đó là các bậc cha mẹ không hề ngại để xe nôi của trẻ ở bên đường rồi mình thì đi vào cửa hàng mua đồ hoặc uống cà phê. Hoặc việc trẻ con 6 tuổi đi bộ đến trường một mình trong thời tiết tối om của mùa đông cũng là điều hoàn toàn bình thường.

Người dân tại xứ sở lạnh lẽo cực Bắc Trái Đất có chỉ số hạnh phúc cao 
Điều đó phản ánh mức độ tín nhiệm trong xã hội rất cao, người dân không sợ con bị cướp hoặc bị bắt cóc; mọi người không cần phải tranh giành, làm hại lẫn nhau; tự giác, giữ gìn an ninh an toàn là ý thức chung của cộng đồng.

Người Iceland rất đề cao giá trị gia đình. Điều đầu tiên sau khi tan ca trở về nhà chính là mọi người giành thời gian cho gia đình. Họ cùng nhau nấu ăn, vui đùa, kể chuyện, có rất ít người ở lại bên ngoài. Cho dù là có muốn làm thêm thì họ cũng phải chọn thời gian để tránh ảnh hưởng đến thời gian sum họp cùng gia đình.

Đối với người đàn ông xứ băng tuyết Iceland, gia đình và con cái là phần quan trọng nhất tạo nên chất lượng cuộc sống của họ. Người chồng trong gia đình sẵn sàng hủy bỏ những buổi gặp gỡ, ăn uống với bạn bè sau giờ làm để dành thời gian cho vợ con. Chỉ cần vừa có kỳ nghỉ là họ sẽ cùng gia đình tận hưởng những ngày vui vẻ, cũng những hoạt động chung như dã ngoại, trượt tuyết, cưỡi ngựa…

Đất nước Iceland 

Người Thụy Điển có câu châm ngôn: “Tiền là thứ có thể để dành được còn thời gian thì không để dành được. Bạn sử dụng thời gian như thế nào thì nó sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của cuộc đời bạn”.

Những người xứ Bắc Âu rất coi trọng “chất lượng cuộc sống”, đối với họ “nhà cao cửa rộng, tiền bạc, xe hơi sang trọng” không phải là phẩm chất của họ mà chỉ là vật chất bên ngoài. Con người sẽ hạnh phúc hơn ở nhiều yếu tố khác: như được sống trong không khí trong lành; xã hội bình đẳng, thành tín; hệ thống minh bạch, liêm khiết, không có tham nhũng; người giàu và người không giàu cũng được đối xử như nhau; được làm công việc mà mình yêu thích; con cháu được phát triển cả về tâm hồn và thể chất…

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quan họ Bắc Ninh sau 10 năm được Unesco vinh danh

10 năm trước, hình thức diễn xướng văn hóa dân gian Quan họ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm tự hào và là động lực to lớn của vùng đất Kinh Bắc