Niềm tin mãnh liệt về thế giới tâm linh và vũ trụ của người H’Mông

23/04/2021 08:04

Kinhte&Xahoi Trong tín ngưỡng truyền thống, người H’Mông có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng liên quan đến chu kỳ đời người, thờ cúng nông nghiệp… do đó họ có một niềm tin khá mãnh liệt về thế giới tâm linh, vũ trụ và linh hồn.

Lễ hội Gầu Tào của người Mông.

Nét truyền thống của người H’Mông

Người H’Mông là một tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ H’Mông – Dao. Người H’Mông chia thành 6 nhóm: H’Mông Hoa, H’Mông Xanh, H’Mông Trắng, H’Mông Đen, H’Mông Đỏ, Na Miểu. Người H’Mông có dân số 1,06 triệu người, đứng thứ 8 trong bảng danh sách các dân tộc ở Việt Nam, cư trú tại 62 ở tỉnh, thành phố. Người H’Mông cư trú tập trung đông tại các tỉnh như: Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai…

Đây là tộc người có nền văn hóa phong phú và đa dạng. Trong văn hóa của người H’Mông có nhiều đặc điểm tương đồng với các tộc người khác, song cũng có khá nhiều điểm khác biệt mang bản sắc, đặc trưng riêng. Điều đó được thể hiện rõ qua các giá trị văn hóa tinh thần, đời sống tín ngưỡng, nghi lễ và phong tục tập quán.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, do chuyển đổi tín ngưỡng của một bộ phận người H’Mông, cùng với đó, do sự thay đổi về môi trường cư trú, do tập quán du canh du cư, sự giao thoa và tiếp nhận văn hóa của các cộng đồng tộc người thiểu số ở những nơi mà người H’Mông sinh sống, nên văn hóa (trong đó có tín ngưỡng) của người H’Mông đang có nhiều biến đổi để thích ứng với điều kiện sống mới. Điều này làm cho văn hóa của người H’Mông trở nên phong phú và ngày càng đáp ứng yêu cầu của đời sống hiện đại, song cũng đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc lựa chọn, bảo lưu và gìn giữ các giá trị văn hóa đặc trưng của tộc người này.

Những quan niệm về vũ trụ, về linh hồn, về con người, về vạn vật, và đặc biệt về “thế giới ma” (đăk/đa) của người H’Mông là những tín ngưỡng đã tồn tại từ rất lâu và được bảo lưu cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, trong quá trình biến đổi, tiếp nhận các giá trị văn hóa mới, nên hiện nay, một bộ phận người H’Mông theo phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống và bộ phận người H’Mông theo đạo Tin Lành. Do sự tồn tại của hai bộ phận này, nên niềm tin, quá trình thực hành các hoạt động về tín ngưỡng, tôn giáo của họ có sự khác nhau.

Người H’mông quan niệm vũ trụ có ba tầng; đó là tầng trên cao là trời (nơi trú ngụ của các thần của tổ tiên); tầng giữa là mặt đất, là thế giới; tầng dưới mặt đất là âm phủ. Thế giới đó ra đời là do một cặp “Cha – Mẹ” (là ông Trày và bà Trày). Hai cặp đối lập Cha – Mẹ, Trời – Đất là hai hình thái sinh sản đồng nhất. Mẹ đồng nghĩa với Đất, Cha đồng nghĩa với Trời, đó chính là sự thể hiện đầu tiên về sự ảnh hưởng của triết lý âm – dương đối với người H’Mông. Theo tín ngưỡng của người H’Mông, trong quá trình hình thành vũ trụ, con gà trống giúp cho con người phân định rõ ngày và đêm, cõi sống và cõi chết. Vì vậy, trong các nghi thức cúng của người H’Mông bao giờ cũng phải có gà trống làm lễ vật.

Người H’Mông có một niềm tin khá mãnh liệt về thế giới tâm linh, về vũ trụ, linh hồn và các loại ma, nên trong cuộc sống, họ có cách thức ứng xử khá cụ thể cho niềm tin đó. Họ cho rằng, con người có ba linh hồn (đăk/đa) ngự trị ở ba nơi khác nhau trong cơ thể. Hồn thứ nhất ở đỉnh đầu.

Trong đời sống hàng ngày, người H’Mông kiêng xoa đầu, nhất là đầu trẻ em, vì hồn trẻ em còn yếu, xoa đầu hồn sẽ bỏ đi, khiến đứa trẻ đau ốm. Hồn thứ hai ở vùng ngực, hồn này ít bỏ đi lang thang, nhưng khi đã bỏ đi thì bệnh sẽ rất nặng, nhất là ở trẻ nhỏ, phụ nữ, vì thế họ thường đeo vòng cổ bảo vệ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vòng này tượng trưng chiếc chìa khóa được thầy cúng phù phép ngăn cản hồn đi chơi. Hồn thứ ba ở vùng rốn, hồn này cai quản thân thể và các bộ phận nội tạng.

Với người H’Mông, con người là sự kết hợp của linh hồn và thể xác. Khi con người khỏe mạnh, linh hồn và thể xác đang chung sống thuận hòa, khi con người ốm đau, linh hồn đã rời khỏi cơ thể. Người H’Mông quan niệm, hồn thường rời khỏi cơ thể trong một số tình huống (như: bị ngã, bị người khác dọa, đi rừng đi suối bị ma rừng ma suối bắt mất hồn, gặp điều gì đó làm con người thất kinh, sợ hãi…). Khi nhà có người ốm, trẻ con bị ngã, toát mồ hôi, biếng ăn, thì có thể một số linh hồn đã đi mất, cần phải gọi vía. Đó chính là lý do vì sao lễ gọi vía rất phổ biến trong cộng đồng người H’Mông.

Theo văn hóa của H’Mông, tín ngưỡng truyền thống gắn bó mật thiết với các quan niệm và ứng xử với thế giới tổ tiên, hệ thống ma nhà, vật linh giáo, các lễ thức dân gian. Các dạng thức tín ngưỡng chủ yếu của người H’mông là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ các loại ma, tín ngưỡng liên quan đến chu kỳ đời người, tín ngưỡng thờ cúng nông nghiệp, tín ngưỡng liên quan đến lễ hội.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Trong thế giới tâm linh của người H’Mông, thờ cúng tổ tiên có một ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ thể hiện niềm tin, mà còn là những hoạt động tín ngưỡng tôn giáo thiêng liêng. Tín ngưỡng này có vai trò to lớn để người H’Mông nhớ đến cội nguồn và văn hóa dân tộc. Người H’Mông quan niệm rằng, tổ tiên là những người đã chết trong 3 đời trở lại (cha, ông, cụ).

Do đó, trong các dịp lễ Tết của mình, người H’Mông thường cúng gọi tên tuổi những người thuộc 3 thế hệ đã khuất của dòng họ mình trở về ăn Tết, phù hộ cho con cháu. Trong lễ cúng năm mới, theo quy định của văn hóa cộng đồng vốn đã hình thành và tồn tại lâu đời, người H’Mông bao giờ cũng phải làm 3 chiếc bánh dày tượng trưng cho 3 thế hệ những người đã khuất (ông bà, bố mẹ và những người bằng vai đã qua đời). Nếu không có 3 chiếc bánh dày đó, ông bà tổ tiên sẽ không về vui Tết cùng con cháu.

Bàn thờ tổ tiên của người H’Mông khá đơn giản, thường đặt ở vị trí gian giữa, được dán một miếng giấy hình chữ nhật kích thước 20-30cm. Trang trí bàn thờ phụ thuộc quy định của từng dòng họ. Chẳng hạn như, bàn thờ họ Giàng có miếng giấy đỏ dán lên miếng giấy trắng, trên đó dán 3 túm lông gà (tuy nhiên, họ Giàng của người H’Mông Trắng phân chia thành 3 nhánh không có bàn thờ, có bàn thờ treo giấy bản). Họ Vàng (gốc Sơn La) không có bàn thờ tổ tiên, thờ tổ tiên bằng cột nhà và thường dán 3 miếng giấy ở trên đó.

Theo các cụ già người H’Mông cho biết, trong truyền thống người H’Mông không có bàn thờ, chỗ cắm hương là ống tre gài lên tường và khi cúng thì kê một cái bàn ở phía dưới và đặt đồ cúng lên. Hiện nay, có một số gia đình dùng bàn đặt bát hương thay cho bàn thờ.

Do sự khác biệt trong quan niệm về tổ tiên của mình theo từng dòng họ, từng nhóm người H’Mông khác nhau, nên khi nhìn vào nơi thờ tổ tiên, người ta có thể phân biệt được các cách thức chôn cất mộ người chết của các dòng họ. Chẳng hạn như, nếu trong bàn thờ tổ tiên được trang trí nhiều giấy màu với nhiều màu sắc khác nhau, thì dòng họ có mộ xếp đá; còn nếu bàn thờ chỉ dùng một loại giấy màu trắng đục duy nhất để trang trí thì dòng họ có mộ không xếp đá.

Đối với người H’Mông, nơi đặt bàn thờ rất linh thiêng, chỉ có chủ gia đình mới được làm chủ lễ cúng mời tổ tiên, và chỉ có đàn ông mới được đến gần bàn thờ. Bàn thờ thường được làm mới vào dịp Tết, gọi là “thay áo mới cho bàn thờ”. Người ta bỏ giấy cũ, vệ sinh sạch sẽ khu vực bàn thờ, dán giấy màu, lấy lông cổ của con gà trống dành cho tổ tiên, chấm vào tiết của chính nó rồi dán lên bàn thờ. Số túm lông được quy định theo mỗi dòng họ.

Lễ vật cúng tổ tiên là con gà trống có lông cổ màu đỏ. Theo quan niệm của người H’mông, lông của gà trống được dán trên bàn thờ tổ tiên với ý nghĩa như sự hiện diện của linh hồn gà trống để giữ cửa cho gia đình, bảo vệ cả gia đình 12 tháng trong năm. Khi thay bàn thờ, thay giấy, cúng bằng một con gà trống, người ta đính lông của con gà đó lên, thì con gà đã hoàn thành nhiệm vụ, được đầu thai sang kiếp khác. Trong lễ cúng mời tổ tiên về ăn Tết, người ta cầu xin cho gia đình sức khỏe dồi dào, quanh năm không có bệnh tật; gia súc, gia cầm đầy chuồng; thóc về đầy gác.

Minh Ngọc - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

COVID 19 - Thách thức hay cơ hội cho các sân chơi nghệ thuật?

Đại dịch Covid -19 đã hướng sự quan tâm của người dân toàn cầu vào những vấn đề cấp thiết như kinh tế, chính trị, xã hội,... Vì thế mà nghệ thuật dường như bị lãng quên, cùng tìm hiểu những khó khăn của người trong cuộc và cách họ “vượt khó” đưa sân khấu lại gần với khán giả nhé!

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/niem-tin-manh-liet-ve-the-gioi-tam-linh-va-vu-tru-cua-nguoi-hmong-d153880.html