Nỗi lo lạm phát của thế giới hậu Covid-19

10/07/2021 16:16

Kinhte&Xahoi Lạm phát ở các nền kinh tế lớn đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008, làm dấy lên những lo ngại gần đây về tình trạng của hệ thống tài chính trên toàn cầu giai đoạn sau đại dịch.

Gia tăng báo động về lạm phát và tăng lãi suất

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), lạm phát trung bình hàng năm của 38 quốc gia thành viên đã ở mức 3,8% trong tháng 5/2021, tăng từ mức 3,3% vào tháng trước đó. Ở Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Fed - tăng 5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 8/2008.

Tại Vương quốc Anh, lạm phát cũng tăng 2,1%, vượt qua mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Anh lần đầu tiên trong 2 năm qua. Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ số CPI đã tăng từ mức âm vào mùa Thu năm ngoái lên khoảng 2% hiện nay.

 Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell đang đối mặt với áp lực thay đổi chính sách, có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: AP

OECD cho biết, tất cả các quốc gia G7 ngoài Nhật Bản đã ghi nhận lạm phát gia tăng, trầm trọng hơn khi so sánh với cùng kỳ năm ngoái khi chi phí sinh hoạt giảm do đại dịch bùng phát. Giá năng lượng tại 38 quốc gia thành viên tăng 18,6% so với 5 tháng đầu cùng kỳ năm 2020, là mức tăng hàng năm cao nhất kể từ tháng 8/2008.

Các số liệu tương tự đang làm bùng nổ tranh cãi tại nhiều ngân hàng trung ương về việc khi nào nên hạn chế các biện pháp kích thích khẩn cấp đã được đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế chống chọi với đại dịch.

Tuần trước, nhà kinh tế trưởng Andy Haldane tại Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo lạm phát “gần chạm mức 4%”, đồng thời lên tiếng ủng hộ tạm dừng chương trình mua trái phiếu trị giá 450 tỷ bảng của BoE vào tháng trước, nhằm giảm bớt nguy cơ lạm phát.

Tại Mỹ, nơi Fed vẫn bơm 120 tỷ USD mỗi tháng vào hệ thống tài chính bằng cách mua trái phiếu kho bạc và tài sản thế chấp, các nhà hoạch định chính sách đã chuyển sang lập trường thận trọng hơn, báo hiệu 2 lần tăng lãi suất vào năm 2023 - sớm hơn so với dự kiến trước đó.

Trong một bài đăng cá nhân hôm 7/7, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo rằng: “Lạm phát gia tăng, đặc biệt là ở Mỹ, là một trong những rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong bối cảnh sự phục hồi hai chiều ngày càng tồi tệ”.

Lãnh đạo IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984, và nói rằng mặc dù sự phục hồi nhanh chóng này có thể mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia khác bằng cách gia tăng thương mại, nhưng đi kèm rủi ro tăng tỷ lệ lạm phát, dẫn đến áp lực tăng lãi suất.

“Lãi suất cao hơn có thể dẫn đến việc thắt chặt mạnh mẽ các điều kiện tài chính trên toàn thế giới, cũng như dòng vốn chảy ra đáng kể từ các nền kinh tế mới nổi. Điều này có thể gây ra những thách thức lớn đối với các quốc gia có mức nợ cao” - bà Georgieva viết.

Liên quan đến vấn đề này, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) Beata Javorcik cho rằng đây sẽ là “một bài kiểm tra” đối với các ngân hàng trung ương, bởi sẽ không dễ dàng để tìm ra thời điểm thích hợp để dừng hỗ trợ phục hồi nhằm ngăn chặn các nguy cơ lạm phát.

Bà Javorcik cũng bày tỏ lo ngại rằng các ngân hàng trung ương sẽ chịu “áp lực chính trị để giữ lãi suất thấp” và do đó bỏ lỡ thời điểm mà lạm phát có dấu hiệu tăng, gây ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng. Nhắc lại thời kỳ “siêu lạm phát” những năm 90, chuyên gia Beata Javorcik cảnh báo một bộ phận các quốc gia châu Âu mới nổi khống thể chủ quan, với nhiều ngân hàng trung ương chỉ vài chục năm tuổi còn thiếu kinh nghiệm ứng phó.

Chỉ là tạm thời?

Trong một bài viết đăng tải trên SCMP, Giám đốc điều hành của New View Economics David Brown nói rằng, đã đến lúc dừng “trò chơi đổ lỗi lạm phát” giữa Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Theo ông, Trung Quốc dường như đang đổ lỗi cho các chính sách kích thích kinh tế quá mức từ châu Âu và Mỹ đã làm tăng nguy cơ lạm phát trên toàn cầu. Trong khi nhiều ý kiến từ Mỹ và châu Âu lại cho rằng áp lực lạm phát đến từ chuỗi cung ứng toàn cầu, và nó đang được thúc đẩy bởi lạm phát giá tại nhà máy của Trung Quốc. “Không ai đáng trách, khi đó chỉ là tình trạng tạm thời của thế giới khi kinh tế toàn cầu đang trên đường trở lại, tình trạng tồn đọng sản lượng, việc làm… đang được giải quyết” - ông David Brown nhận định.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, thế giới đang chuyển từ trạng thái gần như giảm phát vào năm ngoái sang lạm phát cao hơn vào năm 2021. Và do đó, miễn là các điều kiện cung - cầu không có sự bất đồng bộ bất thường nào, thì khi lạm phát tăng lên trong các chu kỳ kinh doanh bình thường, nó thường có xu hướng ổn định trở lại một cách nhanh chóng và hợp lý.

“Đây là điều đã diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu khi lạm phát thế giới duy trì ở mức khá ổn định, trung bình 3,8% kể từ năm 2000” - David Brown cho biết.

Cùng quan điểm này, trong cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), Fed tái khẳng định rằng lạm phát chỉ là “tạm thời” - chủ yếu đến từ sự bùng nổ của nền kinh tế sau một thời gian bị kìm nén bởi dịch bệnh - đồng thời dự báo lạm phát sẽ giảm xuống chỉ còn 2,1% trong năm 2022. Fed cũng nói sẵn sàng cho phép lạm phát vọt qua mục tiêu 2% thông thường, miễn sao mức lạm phát bình quân dài hạn dao động quanh ngưỡng này.

Công cụ quen thuộc nhất của Fed trong việc chống lạm phát là tăng lãi suất, nhưng đó có thể không phải là động thái đầu tiên của Fed nếu nhận thấy lạm phát gia tăng lúc này. Fed được cho sẽ ưu tiên giảm việc mua trái phiếu kho bạc và sản thế chấp mà cơ quan này đã thực hiện kể từ khi đại dịch xảy ra, có thể bắt đầu diễn ra vào cuối năm nay.

“Đã đến lúc nói về việc chúng ta nên giảm mua tài sản, còn thay đổi lãi suất vào thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là việc nên bàn vào lúc nào” - Chủ tịch Fed San Francisco, Mary Daly nói. Hầu hết các chuyên gia tin rằng Fed sẽ không nâng lãi suất trước năm 2023.

Tuy nhiên, một báo cáo mới đây từ ngân hàng Deutsche Bank đã đưa ra cảnh báo trái ngược với quan điểm phổ biến ở Phố Wall hiện nay. Báo cáo cho rằng nên lo lắng về việc Fed trì hoãn thắt chặt chính sách tiền tệ, thay vì lo về việc Fed sớm thắt chặt. Theo đó, sẽ là sai lầm nếu Fed tập trung vào kích cầu nền kinh tế mà bỏ qua vấn đề lạm phát.

“Ảnh hưởng của việc trì hoãn thắt chặt sẽ dẫn tới hậu quả tồi tệ hơn nhiều, về mặt kinh tế và hoạt động tài chính, nếu so với việc Fed hành động kịp thời” - chuyên gia kinh tế trưởng David Folkerts-Laudau của Deutsche Bank nhận định, “sự trì hoãn đó rốt cục có thể gây ra suy thoái kinh tế và căng thẳng tài chính trên khắp thế giới, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi”.

Lạm phát gia tăng, đặc biệt là ở Mỹ, là một trong những rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong bối cảnh sự phục hồi hai chiều ngày càng tồi tệ.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva 

Hương Thảo - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Loạn danh xưng nghệ sĩ

Danh xưng nghệ sĩ là thành quả của những cống hiến, sáng tạo của những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Sao Việt nhận con nuôi và những biến tướng

Nhiều nghệ sĩ Việt nhận con nuôi đơn thuần để nuôi dưỡng con cái như một gia đình bình thường, nhiều nghệ sĩ khác nhận con nuôi vì yếu tố nghề nghiệp, nhằm nuôi dưỡng tài năng.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/noi-lo-lam-phat-cua-the-gioi-hau-covid-19-426662.html