NSƯT Phạm Quang Ánh - Lửa nghề vẫn cháy

10/04/2024 19:28

Kinhte&Xahoi Hơn 20 năm làm nghề, diễn viên Phạm Quang Ánh ghi dấu ấn cả trên sân khấu kịch và các vai diễn trong phim điện ảnh, phim truyền hình. Đầu năm 2024, anh vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Tốt nghiệp khoa Diễn viên Sân khấu điện ảnh - Trường Ðại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội, năm 2004 Phạm Quang Ánh về đầu quân cho Nhà hát Tuổi Trẻ. Anh đã đóng rất nhiều vai diễn nhưng đáng nhớ nhất chính là vai đầu tiên: cậu bé thiểu năng đáng thương trong chùm hài kịch Ðời cười 5 do NSND Lê Hùng đạo diễn.

Ngoại hình cao lớn, gương mặt rắn rỏi đẹp trai nhưng điều đặc biệt là Ánh có thể vào được cả vai chính diện lẫn phản diện một cách hết sức thuyết phục. Quang Ánh cũng là người đa tài, anh có thể diễn xuất nhiều kiểu vai diễn khác nhau trong nhiều thể loại, từ chính kịch, kịch cổ điển nước ngoài đến hài kịch, dạng vai nào cũng được đồng nghiệp nhận xét “diễn hay và duyên”. Khởi đầu nghiệp diễn với một vai diễn trong hài kịch Ðời cười, cho đến nay Quang Ánh đã liên tục thủ vai chính trong Ðời cười 5 đến Ðời cười 12 - chùm hài kịch nổi tiếng của Nhà hát Tuổi trẻ. 

Vở Âm mưu và tình yêu có lẽ là vở diễn để lại cho anh nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất. Ðây là vở diễn lớn và cũng là vở diễn mang lại thành công đầu tiên cho anh trên sân khấu với Huy chương vàng cho vai thiếu tá Ferdinand tại Cuộc thi tài năng trẻ toàn quốc vào năm 2008. Việc được giao vai chính trong các vở lớn, diễn cùng những gương mặt gạo cội đã trao cho những diễn viên trẻ như Quang Ánh khi ấy cơ hội vàng hiếm có được học hỏi kinh nghiệm và có cơ hội được thể hiện năng lực diễn xuất của mình. Giải Ðặc biệt cho vai chàng trai trong vở Sang sông tại Liên hoan Sân khấu thể nghiệm Toàn quốc 2008 là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực hết mình của Quang Ánh trên sàn diễn cho những thử nghiệm nghệ thuật.

Phạm Quang Ánh và Kiều Anh trong phim Ký ức Điện Biên

Huy chương Bạc vai Trần Hới vở Mùa hạ cay đắng tại Hội diễn chuyên nghiệp Toàn quốc năm 2012 cũng là một kỷ niệm đáng nhớ với Quang Ánh. Vở kịch Mùa hạ cay đắng của tác giả Nguyễn Quang Lập khi ấy đã có tuổi đời 25 năm kể từ khi tác giả giao kịch bản cho Nhà hát, đã từng được dựng nhiều lần với dàn diễn viên nhiều thế hệ. Những tưởng vấn đề nó đặt ra đã cũ so với thời cuộc nhưng chính diễn xuất của dàn diễn viên trẻ đầy mới mẻ đã phả hơi thở thanh xuân cho vở diễn, khiến nó trở thành một trong những vở diễn ấn tượng của mùa hội diễn năm ấy. Ðạo diễn NSƯT Anh Tú đã dũng cảm giao những vai diễn đã trở thành kinh điển với giới mộ điệu như Thùy Linh, Hoàng, Trần Hới cho các diễn viên trẻ như Kim Oanh, Tùng Linh, Quang Ánh… Một câu chuyện tình tay ba giữa một cô gái mạnh mẽ, sống bản năng và hai người đàn ông, mỗi người là một thái cực. Bối cảnh thời chiến, câu chuyện phản ánh những vấn đề không mới, nhưng dưới bàn tay của đạo diễn Anh Tú cùng các gương mặt mới mẻ, Mùa hạ cay đắng đã mang đến cho khán giả cái nhìn hiện đại hơn về những số phận, những mảnh đời, những con người trong thời chiến. Bên cạnh sự tỏa sáng của Kim Oanh trong vai Thùy Linh, Quang Ánh cũng có một vai diễn để lại ấn tượng cho khán giả. Trong vai một kẻ giả trá, cơ hội, với hàng ria mép và nụ cười đểu giả, Quang Ánh đã khám phá những năng lượng ẩn sâu bên trong để tỏa sáng cùng vai diễn. Anh nhớ mãi lần tác giả Nguyễn Quang Lập tới xem vở diễn, xem xong ông lao lên sân khấu ôm Quang Ánh và nói: “Tao đã xem nhiều đoàn dựng vở này nhưng chưa bao giờ tao thấy vai Trần Hới lại được thể hiện hay, lạ và nhân văn đến thế!”. Cố NSND Anh Tú khi ấy cũng từng nói: “Tôi cực thích xem Quang Ánh diễn trên sân khấu vì cậu ấy tải được tất cả các dạng vai mà xem lại rất thật!”. Những lời khen của các bậc “tiền bối” ấy như những “tấm huy chương” lấp lánh trong lòng một diễn viên trẻ như Quang Ánh, khiến anh nhớ mãi và như những lời động viên trong suốt hành trình diễn xuất. 

NSƯT Phạm Quang Ánh trong vở kịch Người lạ hoàn hảo

Huy chương Vàng cho vai Ðặng Mậu Lân vở Công lý không gục ngã (Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 2015) và Huy chương Vàng cho vai thiếu tá Lâm vở Cho cuộc đời bình yên tại Hội diễn hình tượng người chiến sĩ CAND 2015 cũng là những trải nghiệm đáng nhớ của Quang Ánh bởi trong cùng một năm, anh lột xác trong những vai diễn có màu sắc đối lập, hoàn toàn khác biệt. Nếu vai Ðặng Mậu Lân trong vở Công lý không gục ngã, Quang Ánh khắc họa sắc nét một “Cậu Trời” ngang ngược, bạo tàn rồi cuối cùng phải trả giá thì với vai Thiếu tá Lâm, anh lại thể hiện được bản lĩnh kiên cường, lòng dũng cảm, tình yêu và sự tận tụy của những chiến sĩ công an vì sự bình yên cho xã hội. Trái ngược với những nét diễn thể hiện một nhân vật tàn bạo, hoang dâm vô độ của vai “Cậu Trời”, Quang Ánh thể hiện rất xuất sắc nét chính trực với nhiều giằng xé nội tâm của Thiếu tá Lâm. Ðó là sự mưu lược khi phá án, bản lĩnh khi đối mặt với tội phạm nguy hiểm và cả những trăn trở đau đớn rất chân thực khi phải hy sinh hạnh phúc riêng để bảo vệ cho những người mà anh yêu quý.

Quang Ánh bộc bạch: “Ðặng Mậu Lân là vai diễn phản diện tôi thích nhất bởi tôi được thoả sức tung tẩy trong sáng tạo. Nhiều khi phiêu đến độ nhà báo Hạnh An nhận xét: “Chỉ cần nghe thấy tiếng bước chân và tiếng cười của Ðặng Mậu Lân là tôi sởn hết da gà vì nó quá ác độc!”. Còn đạo diễn Doãn Hoàng Giang thì chỉ nhận xét đúng một câu: “Quang Ánh ơi, em càng diễn càng hay!”. 

Phạm Quang Ánh trong phim We are 1982

Quang Ánh tâm sự, 20 năm đứng trên sân khấu, anh đã từng diễn rất nhiều vai trong những vở diễn khác nhau, mỗi vai đều mang lại cho anh những cảm xúc và vinh quang, dù có được giải hay không. Mỗi vai diễn là một lần anh sống hết mình, khám phá bản thân và “cháy” cùng vai diễn. Bởi “mỗi khi đứng trên sân khấu tôi như được sống một cuộc đời khác, làm một con người khác và tôi cứ thế thể hiện nhân vật một cách chân thực nhất, bằng những cảm xúc rất con người…. Có rất nhiều vai, khi nhận tôi toàn đọc và học thoại trong giấc mơ. Ðây hoàn toàn là sự thật! Sáng hôm sau, không hiểu sao tôi thuộc hết lời của nhân vật đó. Cũng có nhiều vai trên đường ra Nhà hát hay đi về nhà tôi vừa thoại vừa khóc trên đường, khi chờ đèn đỏ, dừng lại tôi vẫn tự thoại một mình. Bên cạnh, thấy mọi người nhìn sang tưởng tôi bị… thần kinh”. 

Hai mươi năm trong nghề, từ một diễn viên trẻ nhiệt huyết, một Bí thư Chi đoàn năng nổ, một Ðoàn phó tận tâm với nghề, đến nay Quang Ánh đã đi được một chặng đường dài. Ðiện ảnh và truyền hình cũng đem đến cho anh “những năm tháng trải nghiệm nhiều thú vị” như lời anh tâm sự. Quang Ánh từng đóng nhiều phim, nhất là phim truyền hình. Thời điểm những năm 2004-2010, các vai diễn của anh phủ sóng truyền hình, có thể kể đến vai Lâm trong phim Hạ My em ở đâu?, vai Khánh trong Làng ven hồ, vai Thanh trong Thời gian trong ống nứa và hàng loạt các bộ phim: Sự tích trầu cau, Phi đội chuồn chuồn, Một thời đã sống, Con tàu không số, Ði qua bóng tối, Trên cổng trời không có hoa anh túc, Mạnh hơn công lý, Cảnh sát hình sự, Trái tim người lính, Ðối thủ kỳ phùng… và các phim điện ảnh Ký ức Ðiện Biên (đạo diễn Ðỗ Minh Tuấn), Hà Nội, Hà Nội (Ðạo diễn Bùi Tuấn Dũng, Lý Vĩ)… Anh đã từng được đề cử giải Nam diễn viên chính xuất sắc giải Cánh diều vàng năm 2004 với vai Bạo trong phim Ký ức Ðiện Biên. 

Diễn viên Phạm Quang Ánh đón nhận danh hiệu NSƯT trong đợt trao tặng lần thứ 10 - năm 2024

Mới đây nhất, Quang Ánh vừa được đạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp mời vào vai Ánh trong phim điện ảnh We are 1982. Trong phim, anh vào vai một nhà khảo cổ học, điềm tĩnh nhẹ nhàng, rất yêu vợ (do diễn viên Ðỗ Thị Hải Yến thủ vai) và âm thầm đứng sau tất cả những khó khăn của gia đình vợ để lo toan mọi điều. Anh cho rằng nhân vật này khá thú vị và cũng là một vai khá khó theo suy nghĩ của đạo diễn bởi diễn xuất nặng về nội tâm, đặc biệt phải giữ được tâm lý nhân vật xuyên suốt bộ phim. Phim đang trong thời gian làm hậu kỳ để đi tham dự các liên hoan phim quốc tế. Bên cạnh đó, Quang Ánh còn tham gia vai Ðình Phong trong vở kịch Người lạ hoàn hảo sắp công diễn (chuyển thể từ bộ phim Tiệc trăng máu). 

Phạm Quang Ánh trong vai Đặng Mâu Lân

Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú trong đợt phong tặng lần thứ 10 vừa qua, NSƯT Phạm Quang Ánh xúc động: “Tôi thực sự rất vui khi những cống hiến của mình suốt hơn 20 năm qua đã được ghi nhận và được các thầy, anh em bạn bè đồng nghiệp gửi lời chúc mừng. Mẹ tôi, bố mẹ vợ và các anh chị tôi cũng đến tận Nhà hát Lớn tham dự. Bố tôi đau chân nên không đến được, ông ở nhà xem truyền hình trực tiếp và điện thoại nói với tôi: “Bố chúc mừng con, bố rất xúc động và hãnh diện về con!” rồi ông khóc. Ðây là những cảm xúc tuyệt vời nhất mà tôi đã từng trải qua!”.

 Lê Minh - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc http://vanhoanghethuat.vn/nsut-pham-quang-anh-lua-nghe-van-chay.htm