Ôm ‘cục nợ’ trăm tỷ ở Cocobay, người sáng lập Xúc xích Đức Việt còn lại gì?

29/11/2019 11:42

Kinhte&Xahoi Các chủ sở hữu đã bỏ tiền để đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng đang vô cùng “sốc” trước thông báo đơn phương chấm dứt trả thu nhập như đã cam kết của Tập đoàn Empire, đặc biệt là những khách hàng bỏ hàng trăm tỷ như ông Mai Huy Tân.

Trước thông báo đơn phương chấm dứt trả thu nhập cam kết của CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) - chủ đầu tư dự án Cocobay, hàng nghìn chủ sở hữu đã bỏ tiền từ vài tỷ đến vài trăm tỷ để đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng đang vô cùng "sốc" và hoang mang.

Một trong những vị khách bỏ số tiền ra lớn nhất tại Cocobay là Tiến sĩ Mai Huy Tân, người từng được báo chí rầm rộ đưa tin vào cuối năm 2017 rằng đã bỏ hàng trăm tỷ để đầu tư các sản phẩm tại tổ hợp giải trí Cocobay Đà Nẵng.

Ông Mai Huy Tân sinh năm 1949, tại Hà Nội và là cựu học sinh chuyên Toán của Trường phổ thông 3A Hà Nội (nay là trường THPT Việt Đức), sau đó là sinh viên hạng ưu của khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp. Năm 1986, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Martin Luther, Đức, đồng thời cũng là người nước ngoài đầu tiên của khoa đạt điểm xuất sắc (Summa cum laude) khi bảo vệ luận án.

Ông Mai Huy Tân

Khi về nước, vị tiến sĩ này gắn bó với việc dịch thuật, viết sách… Trong quá trình viết sách dạy tiếng Đức, ông có cơ hội làm việc và học hỏi kinh nghiệm quản lý với những đồng nghiệp người Đức. Sau đó, ông lập trung tâm giao lưu Việt - Đức, đây cũng là bước ngoặt để ông bén duyên với nghề kinh doanh.

Năm 2000, ông lập ra Công ty TNHH Đức Việt và bắt đầu thử nghiệm sản xuất xúc xích Thueringen của Đức. Sự thành công ban đầu đã dẫn tới sự ra đời của Công ty liên doanh Đức Việt với một nhà máy chế biến xúc xích ở tỉnh Hưng Yên, năm 2008, Đức Việt được chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần chuyên sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch, ông Tân khi ấy đã 52 tuổi.

Liền sau đó, Đức Việt liên tục phát triển và đã trở thành một trong 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2010. Tại năm 2015, số vốn điều lệ của CTCP Thực phẩm Đức Việt đạt 130 tỷ đồng, trong đó ông Mai Huy Tân góp 37,2 tỷ tương ứng tỷ lệ sở hữu 28,62%, đây cũng là năm doanh thu của Đức Việt đạt hơn 600 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2016, Tập đoàn Daesang của Hàn Quốc, chủ sở hữu thương hiệu Miwon đã chi 32 triệu USD (khoảng 770 tỷ đồng) mua lại CTCP Thực phẩm Đức Việt, điều này đồng nghĩa với việc ông Mai Huy Tân sẽ rút khỏi công ty này, song khi đó, phía Đức Việt mới chỉ cho biết họ đang trong quá trình đàm phán và chưa có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, đến năm 2017, ban lãnh đạo mới của Đức Việt thừa nhận Daesang đã hoàn tất thương vụ thâu tóm và mua lại 100% cổ phần.

Về phần các cổ đông, sau khi thoái vốn, có những người đã lui về nghỉ ngơi nhưng riêng nhà sáng lập Xúc xích Đức Việt lại chuyển sang lĩnh vực mới.
 
“Tôi suy nghĩ, mình sẽ sử dụng những đồng tiền lao động sau một cuộc đời cần mẫn như thế nào cho có hiệu quả. Và lúc này, tôi đặt ra 5 tiêu chí để sử dụng hiệu quả thành quả làm việc của mình sau ngần ấy năm. Thứ nhất: giữ được giá trị của nguồn vốn; thứ hai: có được nguồn lợi nhuận hằng năm tốt hơn lãi suất mà ngân hàng mang lại; thứ ba: không quá vất vả như khi tôi khởi nghiệp kinh doanh ở tuổi 50; thứ tư: con cháu có thể nối nghiệp và cuối cùng là giá trị đầu tư phải được gia tăng trong tương lai”.

Từ 5 tiêu chí này, bất động sản du lịch đã trở thành điểm đến đầu tư của ông sau thành công trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn.

“Sau khi tìm hiểu rất kỹ và đối chiếu với những tiêu chuẩn đưa ra, tôi đã chọn tổ hợp giải trí Cocobay, lợi nhuận đến từ Cocobay mang lại cho tôi sẽ là một con số rất lớn - Một con số mà tôi tin rằng nó khiến tôi hài lòng”, ông Mai Huy Tân từng tự tin về quyết định lớn này của mình.

Bên cạnh đó, “cha đẻ” của xúc xích Đức Việt cũng từng tiết lộ với truyền thông rằng đã thành lập công ty trong lĩnh vực môi trường, và theo tìm hiểu thì đấy chính là Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt Đức (ViDe Bridge). Đây là công ty được thành lập vào cuối năm 2010 với số vốn điều lệ 8,6 tỷ đồng, trong đó, ông Mai Huy Tân - Chủ tịch HĐQT góp 6,7 tỷ đồng. Đến tháng 9/2016, số vốn điều lệ của công ty này tăng lên thành 33 tỷ đồng, ông Tân góp 28,3 tỷ.

ViDe Bridge tập trung vào 4 lĩnh vực chính là hoạt động tư vấn cho các dự án năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối) và sử dụng năng lượng tiết kiệm; công nghệ môi trường (xử lý rác thải và chất thải trong sản xuất); đào tạo nghề theo mô hình song hành của Đức; y tế và sản xuất thực phẩm chức năng từ dược liệu thiên nhiên ở Việt Nam, ngoài ra, công ty này còn có thêm ngành kinh tế chất thải.

Ở thời điểm mới thành lập, Nhịp Cầu Việt Đức đã xây dựng Dự án Trung tâm công nghệ Đức kết hợp với trung tâm dạy nghề tại tỉnh Thanh Hóa, thông qua sự hợp tác với tỉnh Mittelsachsen và thành phố Freiberg thuộc Bang Sachsen, CHLB Đức. 

ViDe Bridge được đánh giá là đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án về môi trường, và rồi đến năm 2017, công ty này là đối tác song hàng cùng với Tập đoàn Empire trong việc triển khai “Dự án xử lý rác đô thị và nhà máy phát điện sử dụng chất thải rắn” cho Việt Nam.

Mới đây nhất vào tháng 6 vừa qua, mô hình dự án đầu tư “Công nghệ xử lý rác thải và sản xuất điện Intec-TCP” của Nhịp Cầu Việt Đức đã được Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao. Dự án được xây dựng với mục tiêu xử lý triệt toàn bộ khối lượng rác thải và các loại chất thải rắn khác của tỉnh đồng thời khẳng định chi phí xử lý rác ở mức thấp so với các nhà máy xử lý rác hiện có trên cả nước.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đẹp ngất ngây 'thiên đường lau trắng' ở Hà Nội

Mỗi độ cuối năm, những cánh đồng lau nở trắng xóa cả một khoảng trời khiến không ít người háo hức kéo nhau đến chụp ảnh. Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 40 km, đồi Bù (huyện Chương Mỹ) cũng là địa điểm được ưa thích nhờ những đồi lau trắng trải rộng ngút ngàn.

Theo Nhà đầu tư/Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/om-cuc-no-tram-ty-o-cocobay-nguoi-sang-lap-xuc-xich-duc-viet-con-lai-gi-d112077.html