Phát hiện thủ đoạn mới đang “gặm nhấm” rừng tự nhiên ở Hà Giang

02/06/2021 07:18

Kinhte&Xahoi Một cách phá rừng khôn khéo đang diễn ra tại Hà Giang khiến những vạt rừng tự nhiên còn xót lại ở địa phương này dần lụi tàn theo thời gian.

LTS: Hàng trăm cơ sở chế biến gỗ, ván nhân tạo được tỉnh Hà Giang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm kích thích người dân trồng rừng sản xuất, tiêu thụ và giúp đồng bào phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ… Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền sở tại, cùng phương thức phá rừng biến tướng, những xưởng bóc này đang “gặm nhấm” gỗ tạp, đồng nghĩa với thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ…

Kỳ 1 - Thủ đoạn phá rừng mới và sự quản lý lỏng lẻo ở Hà Giang


Trách nhiệm của chủ rừng và người giữ rừng ở đâu?

Hàng loạt những vụ án liên quan đến “chảy máu rừng” đã được cơ quan chức năng xử lý, nhiều người tham gia phá rừng, tiếp tay hủy hoại rừng đã phải trả giá. Song tình trạng phá rừng ở nhiều nơi tại tỉnh Hà Giang vẫn còn phức tạp, nguyên nhân mất rừng thường đổ lỗi cho cái nghèo, sự kém hiểu biết của người dân và một phần là cả trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Một lãnh đạo nghành Kiểm lâm Hà Giang nói với phóng viên Pháp luật Plus: “Có thể do lực lượng mỏng, vì thế mới có những vụ phá rừng mà anh em trong nghành không nắm được”.

Nhưng cảnh người dân nhộn nhịp chở gỗ “tung tăng” trên đường mà không có đơn vị nào phát hiện, xử lý thì cũng cần phải xem xét lại trách nhiệm của những người giữ rừng.

Cụ thể, thời gian qua theo phản ánh của người dân, tình trạng phá rừng tự nhiên ở các xã: Tiên Yên, Xuân Giang, Nà Khương, Bản Rịa, Tân Nam… huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) diễn ra phức tạp. Phóng viên Pháp luật Plus có mặt tại địa phương này ghi nhận thực tế trên là có cơ sở và đúng với phản ánh của người dân địa phương.

Số lượng lớn gỗ được xưởng bóc của ông Nguyễn Trung K. thu mua, trong đó có cả gỗ tự nhiên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ trong buổi chiều ngày 9/5/2021, nhiều chuyến xe tải đã lần lượt thay nhau chở gỗ tạp đổ vào xưởng bóc của ông Nguyễn Trung K. địa chỉ thôn Yên Chàm, xã Tiên Yên, huyện Quang Bình.

Đi dọc theo cánh rừng tự nhiên còn xót lại ở xã Nà Khương, huyện Quang Bình hình ảnh người dân khai thác, vận chuyển gỗ tạp diễn ra công khai ngay cạnh đường liên xã.

Buổi tối, khi màn đêm bắt đầu buông xuống đến khoảng 21h, người ta dễ thấy cảnh “lâm tặc” nườm nượp chở những khúc gỗ cắt khúc sẵn bằng xe máy, xe cải tiến hướng đến những xưởng bóc ở xã Xuân Giang, Tiên Yên.

Các đối tượng vận chuyển gỗ tạp từ xã Nà Khương đi các xưởng bóc.

Đặc biệt, theo dõi ngay tại lối vào xưởng của bà Vũ Thị T. L, địa chỉ thôn Kiêu, xã Xuân Giang, người viết ghi nhận cứ khoảng một giờ có đến hàng chục chuyến xe được người dân chở vào đây bán cho xưởng.

Ở một diễn biến khác, phóng viên cũng ghi nhận tại xưởng bóc của ông  Đỗ Văn Th. cơ sở sản xuất gỗ tại trung tâm xã Tân Nam, huyện Quang Bình chiều ngày 13-14/5 đang chờ “gặm nhấm” số lượng lớn gỗ tự nhiên. Lúc này, gỗ tạp ngoài được tập kết tại xưởng còn được tập kết ở bờ suối, ven đường chờ thời cơ thích hợp để bốc về cơ sở sản xuất.

Thực trạng trên còn diễn ra tại các xã Yên Thành, Bản Rịa. Đi dọc theo đường vào Bản Rịa thời điểm chập tối ngày 12/5, người viết ghi nhận hình ảnh người dân tập kết gỗ dọc ngay ven đường để chờ xe tải đưa về xưởng.

Những hình ảnh ghi nhận trên qua ống kính của phóng viên một cách chân thực việc vận chuyển gỗ tự nhiên đến các xưởng bóc được thực hiện công khai lẫn lén lút đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chủ rừng và người giữ rừng ở đâu? 

Nhận tin báo của phóng viên nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra thì...

Phát hiện thực trạng rừng tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng bởi nguyên nhân một phần là do lợi nhuận từ những xưởng bóc mọc trên địa bàn huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) mang lại, phóng viên đã men theo lối mòn lên địa điểm lâm “tặc” kéo gỗ ra ngoài bán và choáng ngợp bởi thực tế rừng bị “xẻ thịt”.

Con đường mòn đi sâu vào trong rừng tại thôn Bản Tát, xã Xuân Giang cách đường liên xã chỉ khoảng 300m là “đại công trường” gỗ rừng mới, cũ đang nằm la liệt, cây đã bị xẻ mang đi, có cây còn đang nằm chờ “lâm tặc” khiêng, không khỏi khiến chúng tôi xót xa.

Một cây gỗ tự nhiên lớn tại Bản Tát, xã Xuân Giang mới bị "lâm tặc" hạ xuống chuẩn bị cắt khiêng đi bán.

Lại nói đến những xưởng bóc, nơi mà điểm cuối gỗ rừng tự nhiên sẽ được tập kết, nếu như không được phát hiện kịp thời sẽ chẳng có lực lượng chức năng nào nhận ra đâu là gỗ tạp, đâu là gỗ sản xuất nếu như được bóc thành ván. Chính vì thế, để tiếp sức cho lực lượng chức năng địa phương, phóng viên đã thông tin, đồng thời gửi hình ảnh ghi nhận được đến lãnh đạo Chi cục Kiểm Lâm Hà Giang. Đồng thời, người này cho biết sẽ chỉ đạo ngay trong đêm để kiểm tra những xưởng gỗ đã được phóng viên cung cấp thông tin.

Theo Báo cáo của Hạt Kiểm lâm Quang Bình số 53/BC-HKL ngày 11/05/2021, qua kiểm tra tại xưởng ván bóc của ông Nguyễn Trung K. vào hồi 22h ngày 09/05/2021, phát hiện có 59 khúc gỗ tự nhiên không có nguồn gốc, khối lượng 3,067m3. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, đồng thời thu giữ số gỗ trên để làm rõ.

Tại xưởng bóc của ông Nguyễn Bá T. địa chỉ thôn Yên Ngoan, xã Tiên Yên sáng ngày 10/5/2021, lực lượng chức năng không phát hiện có gỗ tạp mới được thu mua.

Khu vực tập kết gỗ tại xưởng bóc của ông Đỗ Văn Th. tại xã Tân Nam, huyện Quang Bình.

Đặc biệt, kiểm tra tại xưởng bóc của bà Nguyễn Thị T. L. vào 8h30 sáng 12/05/2021, lực lượng chức năng không phát hiện có gỗ tự nhiên, trái ngược với hình ảnh mà phóng viên ghi được đêm hôm trước. Lý giải về việc lực lượng chức năng đến tận sáng ngày hôm sau mới đến kiểm tra, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm cho biết, cấp dưới trao đổi lại đêm hôm trước đã đến kiểm tra nhưng chủ xưởng không cho vào, đồng thời không liên lạc được với chủ xưởng ván bóc để làm việc.

Tối ngày 14/5/2021, phóng viên tiếp tục gửi thông tin về thực trạng mua bán, vận chuyển gỗ tạp từ các thôn về xưởng ván bóc của ông Đỗ Văn Th. tại xã Tân Nam cho lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Giang xem và chỉ đạo. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Pháp luật Plus, đến 9h30 sáng ngày hôm sau 15/5/2021, lực lượng liên nghành giữa Công an xã, Kiểm lâm địa bàn… mới bắt đầu đi kiểm tra, đồng thời cho kết quả không có gỗ tự nhiên tại xưởng của ông Th. và không có gỗ tự nhiên tập kết tại những địa điểm như phóng viên ghi nhận được.

Ngoài những xưởng ván bóc kể trên, một xưởng bóc ván tại xã Yên Thành, huyện Quang Bình cũng xuất hiện nhiều gỗ tạp để lẫn với gỗ tự nhiên. Đi dọc theo đường lên xã Bản Rịa, phóng viên tiếp tục phát hiện nhiều khúc gỗ cắt sẵn thành từng mét tập kết ven đường chuẩn bị được bốc về các xưởng tại xã Yên Thành, huyện Quang Bình.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Biên Giới - Bảo Hà- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ngưng vĩnh viễn việc kêu gọi đóng góp từ thiện

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khẳng định trên mạng xã hội facebook, sẽ ngưng vĩnh viễn việc kêu gọi đóng góp từ thiện như 20 năm qua đã từng làm. “Sẽ không chuyển dùm ai, không đại diện ai. Quý vị có thể tìm các hội đoàn hay cá nhân khác để đóng góp thiện ý của mình dùm Hưng” – nam ca sĩ nói.

Nguồn: Pháp luật Plushttps://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/phat-hien-thu-doan-moi-dang-gam-nham-rung-tu-nhien-o-ha-giang-d156573.html