Phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

31/08/2022 19:03

Kinhte&Xahoi Sáng nay (31/8), Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về công tác tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” và các hoạt động hưởng ứng 50 năm thực hiện Công ước Di sản Thế giới.

Quy tụ 200 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự

Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương; Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang thông tin tại buổi họp báo.

Thông tin tại buổi họp báo, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” sẽ diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/9/2022 với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu trong nước và quốc tế theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Các trao đổi tại Hội thảo xoay quanh 2 chủ đề chính: Đánh giá kết quả 20 năm nghiên cứu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và Phát huy giá trị di sản - thực tiễn kinh nghiệm và định hướng.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản Thế giới (1972-2022), nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các Khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới trong công tác nghiên cứu khoa học, khảo cổ học phục vụ quản lý hiệu quả Khu Di sản; đồng thời hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 và tổng hợp kết quả 20 năm nghiên cứu, khai quật, phát lộ Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2002-2022).

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long về đêm.

“Đây sẽ là dịp tổng kết những thành tựu nổi bật trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội từ 2002 đến nay, đặc biệt giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ học 10 năm tại khu vực Chính điện Kính Thiên.

Đồng thời, sẽ giúp cho những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm, nghiên cứu so sánh… trong công tác phục dựng các cung điện; tham vấn khoa học về định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; thúc đẩy hoạt động quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Việt Nam lan tỏa trong nước và quốc tế.

Qua đó, quảng bá hình ảnh Di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, một điểm đến không thể bỏ qua của du lịch Thủ đô, một công viên văn hóa lịch sử trong tương lai”, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết.

Hướng đi mới để phát huy giá trị di sản

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng đang tập trung triển khai các dự án khôi phục không gian điện Kính Thiên; cải tiến các nội dung trưng bày, tái hiện các nghi lễ truyền thống; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo tồn.

Hoàng thành Thăng Long trang trí đèn lồng đón Trung Thu.

“Đặc biệt, nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục di sản cho công chúng, đặc biệt là giáo dục di sản cho thế hệ trẻ, trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng một số chương trình giáo dục di sản chuyên sâu cho học sinh các cấp, giúp các em hiểu về di sản vì các em chính là thế hệ sẽ gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản”, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết.

Đáng chú ý, cuối tháng 4 vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định công nhận điểm du lịch Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Việc được công nhận là điểm du lịch Di sản văn hóa thế giới là cơ hội để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đưa ra những phương hướng mới để phát huy giá trị di sản của điểm du lịch nổi tiếng này.

“Hiện nay, Trung tâm đang nâng cấp nhiều tiện ích, dịch vụ để phục vụ ngày càng cao nhu cầu của du khách. Ví như chúng tôi có dịch vụ cho thuê quần áo truyền thống để giúp du khách lưu lại bức ảnh đẹp. Càng tích hợp được nhiều dịch vụ đi kèm, phục vụ nhiều nhu cầu cùng lúc của du khách, sẽ càng giúp điểm đến thêm giá trị...”, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang thông tin.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng cho biết, Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức sẽ là sự kiện quan trọng để tiếp tục thực hiện cam kết của Hà Nội khi tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long đã có 20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển. Thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần có hướng đi mới để khai thác, gắn di sản với công nghiệp văn hoá để thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh các hoạt động Hội thảo, tại Di sản Hoàng thành Thăng Long còn diễn ra các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản Thế giới:

1. Chương trình Vui Tết Trung thu

Khai mạc từ ngày 02/9/2022 và các hoạt động phục vụ Trung Thu diễn ra trong các ngày 2,3,4 và 10/9/2022, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

2. Trưng bày “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long” tại Hội trường 19C - Di sản Hoàng thành Thăng Long

Trưng bày phản ánh chặng đường hoạt động của Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhằm bảo tồn lâu dài Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trở thành một công viên văn hóa - lịch sử, một điểm đến hấp dẫn, đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội.

3. Trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”

Trưng bày giới thiệu tới công chúng những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất trong quá trình khai quật tại Hoàng thành Thăng Long từ 2002 đến nay, với sự kết hợp Công nghệ trình chiếu 3D mapping.

Địa điểm trưng bày: Nhà N19 - Khu di sản Hoàng thành Thăng Long

Khai mạc: 16h30 ngày 8/9/2022.

4. Trang trí cảnh quan Không gian Cổng Đông và lầu lục giác

Đây là một không gian dành cho khách tham quan trải nghiệm được sử dụng công nghệ trường quay ảo hỗn hợp (XR) với các bối cảnh mang nét đặc trưng của Hoàng thành Thăng Long. 

 Phương Bùi - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội lọt top 12 điểm đến lý tưởng mùa thu trên thế giới

Mới đây, tờ CNN đã đăng tải danh sách 12 địa điểm hấp dẫn nhất dành cho du khách để tới vào mùa thu năm 2022. Trong đó, Hà Nội cũng góp mặt trong danh sách này và được gọi là nơi không thể bỏ qua khi tới Việt Nam. Những địa danh khác cũng có mặt trong danh sách bao gồm Madrid (Tây Ban Nha), Cape Town (Nam Phi), Bavaria (Đức)...

link bài gốc https://laodongthudo.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-hoang-thanh-thang-long-ha-noi-145378.html