Phát triển công nghiệp văn hóa từ tiềm năng lễ hội: Một trụ cột quan trọng của tài nguyên mềm văn hóa Thủ đô

27/02/2022 19:16

Kinhte&Xahoi Lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội luôn gắn liền với sự hình thành và sức sống của các lễ hội. Lĩnh vực này cũng được xem như một trong 8 trụ cột của tài nguyên mềm văn hóa có thể giúp Thủ đô vươn mình mạnh mẽ trong hành trình phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thủ đô và đất nước.

Tháng 6-2021, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức liên tục ba cuộc tọa đàm với chủ đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”. Nhiều vấn đề về phát triển công nghiệp văn hóa từ tiềm năng lễ hội được gợi mở từ đây...

Lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội luôn gắn liền với sự hình thành và sức sống của các lễ hội. Ảnh: Linh Tâm

Con số và tiềm năng

Theo UNESCO, khái niệm “công nghiệp văn hóa” bao quát rất nhiều lĩnh vực, trong đó có di sản văn hóa và thiên nhiên, nghệ thuật sân khấu và lễ hội, nghệ thuật thị giác và nghề thủ công, sách và báo chí, nghe nhìn và truyền thông tương tác đa phương tiện, thiết kế và các dịch vụ sáng tạo.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định 12 lĩnh vực phát triển công nhiệp văn hóa. Điều đó cho thấy Hà Nội cũng như các thành phố sáng tạo khác không thể dàn trải nguồn lực cho các lĩnh vực, mà chỉ có thể tập trung cho những mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, sau hơn hai năm kể từ khi Hà Nội gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” (tháng 10-2019), dường như sự kiện này chưa tạo được nhiều chuyển biến đáng kể trong đời sống kinh tế - xã hội để mọi người dân Thủ đô đều có thể cảm nhận được mình là công dân của một Thành phố sáng tạo.

Một lần nữa, vấn đề đặt ra là cần lựa chọn những lĩnh vực mà Hà Nội thực sự có thế mạnh để từng bước khẳng định vai trò của công nghiệp văn hóa Thủ đô. Văn hóa được nhìn nhận như một ngành công nghiệp đồng nghĩa với việc các sản phẩm văn hóa phải thực sự là một sản phẩm hướng tới thị trường và người tiêu dùng văn hóa, từ sản phẩm cao cấp đến sản phẩm bình dân.

Tại cuộc tọa đàm do Thành ủy Hà Nội tổ chức, có chuyên gia đã đưa ra con số thống kê rất ấn tượng rằng, tính đến nay, Hà Nội có tới 1.175 lễ hội và sự kiện. Nếu cứ đơn thuần nhìn vào con số này đã thấy rõ là Hà Nội có một tiềm năng quá lớn để phát triển công nghiệp văn hóa từ mảng lễ hội. Trong khi đó, chỉ với hơn 200 lễ hội và sự kiện hằng năm (tương đương 1/5 của Hà Nội), thành phố Montréal (Canada) đã trở thành một trong những thủ đô của công nghiệp văn hóa khu vực Bắc Mỹ, thậm chí được cả du khách và người dân địa phương đặt cho biệt danh “thành phố festival”. Các lễ hội ở đây hết sức đa dạng, chủ yếu tập trung vào mùa xuân và mùa hè, từ âm nhạc, sân khấu, điện ảnh đến văn học, nghệ thuật xiếc, ánh sáng hay các sự kiện văn hóa khối Pháp ngữ. Trong số những lễ hội có quy mô lớn nhất phải kể đến Festival Ánh sáng hay Liên hoan quốc tế nhạc Jazz (FIZ). Điều đó cho thấy chính quyền và những người làm văn hóa ở Montréal đã biết cách khai thác các lễ hội trở thành những sản phẩm văn hóa đặc sắc.

Với nhiều nét văn hóa độc đáo, thú vị..., lễ hội bơi Đăm (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) từ xưa đến nay đã nổi danh qua câu phương ngôn “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy”. Ảnh: Đức Nghiêm

Lựa chọn và tập trung nguồn lực

Với trường hợp của Hà Nội, chúng ta cần có một cái nhìn thực tế trước các con số thống kê. Hà Nội sẽ khó trở thành một trong những thủ đô văn hóa và sáng tạo trong tương lai gần nếu chỉ tiếp tục đơn thuần dựa vào những số liệu như vậy. Đến lúc cần sàng lọc một cách thận trọng để tìm ra những “ứng viên” thực sự có tiềm năng đóng góp cho mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa, từ đó tập trung nguồn lực để nâng tầm thành những sự kiện văn hóa quy mô lớn. Bên cạnh đó cũng cần tiếp tục huy động các chủ thể trong xã hội, từ cơ quan chuyên môn văn hóa đến các doanh nghiệp, hội nhóm có đam mê với công nghiệp văn hóa để tìm kiếm những ý tưởng mới về lễ hội hoặc sự kiện văn hóa, thể thao hoặc giải trí có quy mô lớn và tầm ảnh hưởng quốc tế.

Đối với những lễ hội quy mô lớn, văn hóa là một sản phẩm tiêu dùng như bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nào khác để thu hút được khách du lịch và khách tham quan, để “lấp đầy” các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê và để huy động sự tham gia của các nhà tài trợ cũng như các phương tiện truyền thông. Hơn nữa, sự thành công của các lễ hội được tổ chức một cách bài bản với hiệu quả kinh tế cao sẽ là tiền đề để xây dựng các kế hoạch phát triển đô thị tầm trung và dài hạn theo hướng thúc đẩy công nghiệp văn hóa, từ đó tạo nên mô hình kinh tế xoay quanh các hoạt động giải trí chất lượng cao kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật và sáng tạo. Còn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, công nghiệp văn hóa nói chung và “công nghiệp lễ hội” nói riêng sẽ trở thành những nhân tố chủ đạo làm nên sức hút du lịch và giúp họ duy trì hoạt động một cách bền vững. Với chính quyền thành phố, công nghiệp văn hóa là cơ hội để thực hiện thành công một mô hình phát triển đô thị hướng tới du lịch, văn hóa, giải trí và tạo thêm nhiều lợi thế cạnh tranh với tư cách là một thành phố sáng tạo.

Lễ hội Đền Sái (Đông Anh) nhằm tưởng nhớ vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa năm xưa luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: Đình Dũng

Trong khuôn khổ của bất kỳ lễ hội nào cũng nên áp dụng mô hình kết hợp giữa các sự kiện văn hóa miễn phí và trả phí. Những hoạt động trình diễn miễn phí sẽ được tổ chức tại các không gian công cộng ngoài trời, dành cho những nghệ sĩ đang trong giai đoạn đầu xây dựng thương hiệu có cơ hội được thể hiện trước công chúng nhiều hơn. Còn những chương trình biểu diễn đã ghi danh trong đời sống nghệ thuật sẽ được tổ chức tại các địa điểm trong nhà, dành cho những nghệ sĩ lớn thuộc hàng “sao” và có bán vé. Việc duy trì đồng thời hai nhóm sản phẩm dịch vụ văn hóa với những cấp độ khác nhau như vậy sẽ giúp cho các hoạt động trở nên phong phú hơn và đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau, từ mức độ bình dân đến những khán giả khó tính và khắt khe nhất. Trong các lễ hội và sự kiện văn hóa quy mô lớn cũng cần tính đến việc mời những đại sứ văn hóa, khách mời danh dự là những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống văn hóa, giải trí quốc tế. Sự hiện diện của những nhân vật này sẽ tạo nên hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ và từng bước thu hút sự quan tâm của những nhà tài trợ lớn có tiềm lực mạnh.

Trên thực tế, ngành “công nghiệp lễ hội” thực sự là một cuộc cạnh tranh quyết liệt và không có hồi kết không chỉ giữa các quốc gia mà ngay cả giữa các thành phố lớn trên thế giới, nhất là những thành phố đã xây dựng được thương hiệu riêng như những thủ đô văn hóa tầm khu vực hay toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung không chỉ cần đến những chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa mang tính bao quát mà cần xây dựng được những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, từng bước tạo nên các sản phẩm văn hóa đúng nghĩa với hiệu quả cao cả về giá trị văn hóa và giá trị kinh tế.

 Trương Quốc Toàn - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phim Việt Nam vươn đến giải thưởng quốc tế: Gian nan hành trình tỏa sáng...

Thời gian gần đây, có những phim Việt Nam ghi dấu ấn ở một số giải thưởng, liên hoan phim quốc tế. Song, để đoạt giải hay được đề cử ở các giải thưởng điện ảnh quốc tế uy tín như Oscar - giải thưởng của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ, Liên hoan phim quốc tế Cannes (Pháp), Liên hoan phim quốc tế Berlin (Đức), Liên hoan phim quốc tế Venice (Italia)… vẫn là mơ ước của giới làm phim Việt Nam. Phải nhìn nhận, hành trình để phim Việt tỏa sáng ở các giải thưởng này vẫn còn nhiều gian nan.

link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1025504/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-tu-tiem-nang-le-hoi-mot-tru-cot-quan-trong-cua-tai-nguyen-mem-van-hoa-thu-do