Phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025: Đột phá bằng khoa học, công nghệ

02/02/2022 20:52

Kinhte&Xahoi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá chiến lược để phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025. Nhân dịp đầu năm mới 2022, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn về năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ này.

Vận hành hệ thống điều hành Hệ sinh thái CMC Cloud tại Tập đoàn Công nghệ CMC.         

- Năm 2021 là năm đầy thách thức, khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô vẫn đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đồng chí có thể khái quát những dấu ấn nổi bật của ngành trong năm qua?

- Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Đây là năm quan trọng để xây dựng các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho cả nhiệm kỳ, giai đoạn, cùng với đó là việc nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản mang tính chiến lược, dài hạn.

Trong năm qua, bên cạnh việc làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách. Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành 2 chương trình, 3 nghị quyết, 5 kế hoạch, 14 quyết định để triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ và quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ trên địa bàn thành phố. Điển hình là Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch số 185 của UBND thành phố về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Đây là lần đầu tiên, Thành ủy Hà Nội xây dựng một chương trình riêng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, với kỳ vọng mang đến sự phát triển và đổi thay mạnh mẽ cho ngành Khoa học và Công nghệ của Thủ đô. Bên cạnh đó là các quyết định về việc ban hành quy chế quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của thành phố; phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; thành lập các chương trình khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025...

Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Sở đã tổ chức tổng kết các chương trình khoa học và công nghệ cấp thành phố giai đoạn 2016-2020, tham mưu thành lập 9 chương trình khoa học và công nghệ cấp thành phố giai đoạn 2021-2025 và kiện toàn Ban Chủ nhiệm của 9 chương trình. Hoàn thành việc nghiệm thu cấp cơ sở cho 44 đề tài và cấp thành phố cho 36 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm. Trong đó, các đề tài, dự án đạt loại xuất sắc chiếm tỷ lệ 33%, còn lại là các đề tài đạt loại khá trở lên. Kết quả của các đề tài, dự án đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, tăng cường hoạt động quản lý công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đã thẩm định công nghệ 20 dự án đầu tư, cho ý kiến về công nghệ đối với 37 dự án đầu tư và đề xuất dự án đầu tư trong các lĩnh vực thu gom và xử lý nước thải, thu gom và xử lý rác thải, xử lý nước rỉ rác... Cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho 16 tổ chức; thay đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho 31 tổ chức; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho 6 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội hiện nay là 110 doanh nghiệp, chiếm 20% số doanh nghiệp khoa học và công nghệ của cả nước.

- Là năm đầu tiên thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”, trong năm 2021, những nhiệm vụ trong chương trình đã thực hiện đạt kết quả như thế nào thưa đồng chí?

- Sau khi Chương trình số 07-CTr/TU được ban hành, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Ban Chỉ đạo chương trình ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện. Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 11-8-2021 về thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đã phân công các đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện 7 chỉ tiêu và 35 nhiệm vụ, đề án, chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện chương trình.

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên tiến độ triển khai thực hiện các nội dung của chương trình bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nội dung thuộc nhóm nhiệm vụ tăng cường liên kết, hợp tác. Các đơn vị gặp khó khăn trong việc tổ chức hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến về dự thảo văn bản. Tuy vậy, đến nay, đã có 29/35 nhiệm vụ đã hoàn thành xây dựng dự thảo văn bản (đạt 82%), trong đó 24/35 nhiệm vụ đang xin ý kiến trước khi trình ban hành. Các nhiệm vụ còn lại đang triển khai theo đúng tiến độ.

- Xin đồng chí cho biết những công việc trọng tâm cần tập trung đẩy mạnh trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố của năm 2022?

- Năm 2022 là năm thứ hai của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, với mục tiêu đẩy mạnh, nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu quả của các hoạt động khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, góp phần phát triển toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội, nên hoạt động khoa học và công nghệ của thành phố cần tập trung vào những nhiệm vụ sau. Đó là triển khai các nội dung của Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 185/KH-UBND của UBND thành phố về việc triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025” gắn với thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban Cán sự đảng UBND thành phố về thỏa thuận hợp tác phát triển khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội đến năm 2025.

Cùng với đó tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ bảo đảm hiệu quả, thiết thực, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Từng bước triển khai đặt hàng từ doanh nghiệp. Quan tâm đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; các hoạt động sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp. Triển khai quyết liệt việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy, chuyển giao, làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xây dựng Đề án Thiết lập sàn giao dịch công nghệ và thiết bị thành phố Hà Nội; Đề án Vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Triển khai mạnh mẽ phong trào sáng kiến, sáng tạo, các hoạt động tôn vinh nhà khoa học. Nghiên cứu thành lập Giải thưởng Thăng Long về khoa học và công nghệ.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 Thu Hằng - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Văn hóa là nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô

“Từ khi trung tâm của vùng đất thiêng “núi Tản - sông Hồng” trở thành kinh đô, hơn một nghìn năm đã trôi qua. Với Thăng Long - Hà Nội, chiều dài của thời gian đã tôn cao bề dày của văn hiến. Đó là những giá trị trân quý mà biết bao thế hệ đã vất vả xây đắp bằng mồ hôi, nước mắt và kiên cường bảo vệ bằng xương máu”. Đó là chia sẻ mở đầu cuộc trò chuyện của đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội với phóng viên Hànộimới Cuối tuần về phát triển văn hóa, bồi đắp sức mạnh nội sinh cho Thủ đô trên hành trình đi tới tương lai.

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/1023652/phat-trien-thu-do-giai-doan-2020-2025-dot-pha-bang-khoa-hoc-cong-nghe